Xây dựng công cụ giám sát và kiểm kê phát thải khí nhà kính
14:27 | Thứ Tư, 07/08/2024
(QBĐT) - Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Trần Quang cho biết, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh vừa tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ: “Nghiên cứu xây dựng công cụ giám sát và kiểm kê phát thải khí nhà kính (CO2 tương đương) trên cơ sở phân loại cho lớp phủ Quảng Bình” do Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì thực hiện.
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và đang có các ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới cuộc sống của con người, bao gồm: Xói lở, trượt đất, sụt lún bề mặt, sa mạc hóa hoặc ngập lụt. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050. Do đó, giám sát lớp phủ bề mặt trái đất liên tục là một yêu cầu quan trọng nhằm giám sát lượng phát thải khí nhà kính.
Triển khai thực hiện từ tháng 6/2022 đến nay, nhiệm vụ đã thực hiện: Đánh giá thực trạng các nghiên cứu công cụ giám sát và kiểm kê phát thải khí nhà kính (CO2 tương đương); thu thập, xử lý và tính toán các thông số phục vụ cho mô hình giám sát, kiểm kê khí nhà kính trên cơ sở phân loại lớp phủ tỉnh Quảng Bình; xây dựng công cụ giám sát và kiểm kê phát thải khí nhà kính ( CO2 tương đương) trên cơ sở phân loại cho lớp phủ tỉnh Quảng Bình; tính toán phát thải khí nhà kính dựa trên kết quả thảm phủ mặt đất đã phân loại; xây dựng quy trình công nghệ và hướng dẫn sử dụng kỹ thuật để phân loại lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính Quảng Bình.
Các thành viên trong hội đồng khoa học đã đánh giá cao giá trị khoa học của nhiệm vụ nghiên cứu trong suốt quá trình triển khai. Các kết quả đạt được không chỉ mang lại những đóng góp quan trọng về mặt lý thuyết mà còn có ý nghĩa thực tiễn cao trong việc giám sát và kiểm kê phát thải khí nhà kính tại tỉnh.
Các thành viên hội đồng cũng đánh giá cao sự cẩn trọng và kỹ lưỡng trong quá trình thu thập, xử lý dữ liệu và xây dựng các công cụ giám sát và kiểm kê phát thải.
Ngoài ra, các chuyên gia trong hội đồng đã thống nhất đóng góp các ý kiến chuyên môn, gồm: Đề xuất về phương pháp phân loại lớp phủ mặt đất, cải thiện các mô hình tính toán phát thải khí nhà kính, cũng như các khuyến nghị về việc ứng dụng công nghệ mới và quy trình công nghệ tiên tiến vào thực tế.
Trên cơ sở đó, đơn vị chủ trì cần hoàn thiện nhiệm vụ này nhanh, kịp thời hơn để có thể triển khai vào thực tiễn trong thời gian tới, góp phần vào việc giám sát và kiểm kê phát thải khí nhà kính tại Quảng Bình. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn hỗ trợ cho các chính sách phát triển bền vững của địa phương.
Xe tự hành Sao Hỏa Perseverance Mars đã tìm thấy tảng đá có các đặc điểm cho thấy nó có thể đã từng là nơi sinh sống của vi khuẩn cách đây hàng tỷ năm, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.