Bí ẩn dưới những cánh rừng
(QBĐT) - Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) hiện không chỉ là biểu tượng du lịch của Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung mà đã vươn tầm thế giới. Dưới những cánh rừng nguyên sinh nơi đây vẫn còn ẩn chứa những điều bí ẩn, bất ngờ chưa được khám phá…
VQG PN-KB có diện tích 123.326ha, thuộc địa phận các huyện Minh Hóa, Bố Trạch. Đây là VQG lớn nhất Việt Nam, chứa đựng nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Ở VQG PN-KB ước tính có hơn 1.000 hang động, trong đó, có 447 hang động đã được khảo sát, đo vẽ với chiều dài 246km.
Kể từ khi được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, dưới sự giám sát của UNESCO, sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các giá trị ngoại hạng, nổi bật toàn cầu của VQG PN-KB đã được giữ gìn, bảo tồn một cách nguyên vẹn và ngày càng phát huy hiệu quả…
Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (BQL VQG PN-KB) Lê Thúc Định cho hay, từ ngày 1/3-15/3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh-Việt đã tiến hành khảo sát và thám hiểm các hang động tại tỉnh Quảng Bình. Đoàn gồm có 12 chuyên gia thám hiểm khu vực VQG PN-KB và vùng lân cận thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa.
Kết quả đợt khảo sát, đã ghi nhận được 22 hang động mới, 3 hang động khảo sát bổ sung, với tổng chiều dài 3.550m. Các hang động khảo sát có chiều dài dao động từ 30-572m. Độ cao cửa hang dao động từ 46m-550m, độ sâu dao động từ -32m-154m.
Trong khu vực vùng lõi VQG có 7 hang động được khảo sát với chiều dài 1.415m; vùng đệm VQG có 7 hang động được khảo sát với chiều dài 1.027m; khu vực phụ cận thuộc xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) có 11 hang động được khảo sát với chiều dài 1.108m.
Theo đánh giá của các chuyên gia đoàn thám hiểm hang động Anh-Việt, các hang động mới được phát hiện trên chỉ mới nằm trong phạm vi nghiên cứu tiếp cận, xác định vị trí, mô tả sơ bộ. Do vậy, cần phải có khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ hơn giá trị; qua đó, có những nhận định chính xác trong việc bảo tồn và khai thác bền vững cảnh quan, hang động.
“Việc ghi nhận thêm 22 hang động kỳ vĩ có ý nghĩa khoa học nhằm làm rõ thêm các giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo, thủy văn khu vực VQG PN-KB; đồng thời cũng mang giá trị khoa học về địa mạo, địa chất, là nguồn tài nguyên quý cho phát triển du lịch tại PN-KB nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung…”, ông Lê Thúc Định thông tin.
Tháng 8/2024, đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu đa dạng sinh học hệ thống hang động Sơn Đoòng VQG PN-KB, tỉnh Quảng Bình phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững”, do PGS.TS. Vũ Văn Liên, Phó Tổng giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam làm chủ nhiệm đã tổ chức hội thảo nhằm đánh giá những kết quả nghiên cứu.
Đề tài hướng tới mục tiêu đánh giá mức độ đa dạng loài động vật, thực vật, xác định được tính chất đặc thù các hệ sinh thái của hệ thống hang động Sơn Đoòng; bổ sung cơ sở dữ liệu về các loài động, thực vật cho cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của quốc gia và quốc tế; đánh giá được tác động của con người và các nhân tố sinh thái đến các hệ sinh thái, nhằm đề xuất được các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững hệ thống hang động Sơn Đoòng...
Qua 3 năm thực hiện đề tài, các kết quả nghiên cứu cho thấy, trong hang Sơn Đoòng và vùng phụ cận có sự hiện diện của khoảng 510 loài động vật, bao gồm 133 loài động vật có xương sống (14 loài thú, 79 loài chim, 15 loài cá, 24 loài bò sát, 1 loài lưỡng cư) và 377 loài động vật không xương sống (64 loài chân khớp hình nhện, 213 loài côn trùng, 25 loài giáp xác, 53 loài thân mềm chân bụng, 22 loài nhiều chân) và 213 loài thực vật thuộc 134 chi của 68 họ.
Việc nghiên cứu đã bổ sung cho danh lục động vật Việt Nam ít nhất 1 loài nhện, 2 giống và 2 loài côn trùng, 1 giống và 9 loài ốc cạn; đồng thời bổ sung cho danh lục động vật VQG PN-KB 12 loài bướm, 14 loài ngài, hơn 40 loài cánh cứng chân chạy, 18 loài ốc cạn, 6 loài rết và loài đặc hữu Việt Nam phân bố ở VQG có một số loài côn trùng, cá.
Đặc biệt, kết quả nghiên cứu đã phát hiện một loài mới cho khoa học vừa được công bố trên Zootaxa (tập san khoa học quốc tế dành cho các nhà phân loại sinh vật) đó là loài thằn lằn ngón hang Va (Cyrtodactylus hangvaensis). Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, có thể có nhiều loài mới cho khoa học sẽ tiếp tục được công bố, trong đó, có ít nhất 1 loài ốc cạn đã được mô tả là loài mới, hiện đang chờ phản biện và công bố trên tạp chí quốc tế.
Phó Giám đốc BQL VQG PN-KB Đinh Huy Trí cho hay, đề tài đã có nhiều đóng góp quan trọng về mặt khoa học giúp BQL VQG PN-KB có cơ sở để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo tồn và khai thác hang Sơn Đoòng và các hang động lân cận một cách bền vững và hiệu quả; góp phần làm nổi bật tính đa dạng sinh học và những giá trị tiềm năng cho nghiên cứu về đa dạng sinh học trong hang động ở VQG PN-KB. Đặc biệt, đề tài đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tương đối đầy đủ cho hang Sơn Đoòng và vùng phụ cận; đồng thời đây là cơ sở khoa học quan trọng khẳng định giá trị ngoại hạng toàn cầu của hang Sơn Đoòng không chỉ ở khía cạnh về địa chất, cảnh quan hùng vĩ mà còn ở khía cạnh về đa dạng sinh học và các giá trị thẩm mỹ độc đáo, hiếm có…
VQG PN-KB có hệ động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú với 2.955 loài thực vật, 1.488 loài động vật. Trong đó, có 44 loài mới phát hiện cho khoa học và nhiều loài quý hiếm, loài chỉ thị cho hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, như: Bách xanh đá, voọc gáy trắng...Với những kết quả của sự hợp tác và phối hợp nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, nhà khoa học đã góp phần đưa VQG PN-KB trở thành địa danh được biết đến trên khắp thế giới không chỉ vì cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với nhiều hang động đẹp, nổi tiếng mà còn biết đến bởi sự đa dạng và độc đáo với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu… |
Ngọc Hải