icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Tuyên Hóa:

Ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất

  • 14:14 | Thứ Hai, 15/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư nuôi trồng các loại giống cây, con phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích. Qua đó, giúp người dân trên địa bàn tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
 
Ông Trần Văn Cần, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ KH-CN liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp sát thực với cuộc sống, đạt kết quả khả quan. Qua thực tiễn, huyện đã xây dựng được các mô hình phát huy hiệu quả lâu dài, điển hình như mô hình phát triển giống cam voi bản địa tại xã Thạch Hóa đã giúp địa phương nắm bắt kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc tiến đến khôi phục và bảo tồn giống cam bản địa quý hiếm đang có nguy cơ bị thoái hóa…
 
Đặc biệt, tận dụng diện tích đất vườn, gò đồi rộng lớn, rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, Tuyên Hóa đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi các giống vật nuôi phù hợp, đưa lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, như: Mô hình nuôi gà bằng thảo dược mới triển khai tại xã Đức Hóa đã tạo được sản phẩm thịt gà có chất lượng, tiến đến xây dựng thương hiệu gà đồi huyện Tuyên Hóa; mô hình nuôi dê bách thảo tại xã Phong Hóa; mô hình chăn nuôi chồn hương giống và chồn hương thương phẩm ở xã Thuận Hóa; mô hình nuôi thương phẩm tôm càng xanh trong ao đất…
Xã Phong Hóa (Tuyên Hóa) phát triển đàn dê nuôi thịt và nuôi sinh sản từ dê bách thảo.
Xã Phong Hóa (Tuyên Hóa) phát triển đàn dê nuôi thịt và nuôi sinh sản từ dê bách thảo.

Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa Nguyễn Xuân Các cho biết, với mục tiêu góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương, UBND xã Thuận Hóa phối hợp với một số đơn vị trên địa bàn thực hiện mô hình chăn nuôi chồn hương giống và chồn hương thương phẩm tại 1 hộ dân (ở thôn Thuận Tiến), phát triển đàn chồn hương cung cấp giống và thực phẩm cho thị trường. Bắt đầu triển khai từ tháng 9/2020 với quy mô ban đầu là 10 con chồn hương cái, 3 con chồn hương đực, nuôi trên tổng diện tích chuồng trại và sân vườn 50m2.

Đến nay, mô hình đã khẳng định được tỷ lệ nuôi sống thích ứng 100%, chưa xuất hiện bệnh tật nguy hiểm nào. Chồn hương đã cho sinh sản, nhân tổng đàn lên 45 con, trọng lượng khoảng 3kg/con, đang phát triển khỏe mạnh. Trung bình mỗi năm chồn hương sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Ngoài việc duy trì tổng đàn, từ mô hình đã xuất bán được trên 20 chồn hương giống, thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Qua gần 2 năm thực hiện, mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt; cứ mỗi hộ gia đình nuôi 10 chồn hương cái để cho sinh sản có thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng. Mô hình còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường, bởi sẽ sớm tạo ra một lượng chồn hương thịt an toàn cung cấp cho thị trường trong và ngoài địa phương, vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn, vừa hạn chế nạn săn bắt trái phép làm suy kiệt nguồn gen quý hiếm động vật hoang dã.

Mô hình dê bách thảo do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và sản xuất kinh doanh tổng hợp Hùng Thương chủ trì thực hiện tại xã Phong Hóa cũng mang lại hiệu quả tích cực và có nhiều triển vọng bởi người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao kỹ thuật chăn nuôi dê nhờ được chuyển giao tiến bộ khoa học hiện đại vào sản xuất.
 
“Mặc dù nghề chăn nuôi dê rộng rãi tại các hộ gia đình trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có từ lâu nhưng thực trạng số lượng còn ít, chủ yếu theo phương thức chăn thả tự do, ít đầu tư, công tác phòng trừ dịch bệnh không chu đáo nên dịch bệnh xảy ra thường xuyên, khả năng rủi ro cao, hiệu quả thấp. Thông qua mô hình với việc áp dụng công nghệ cao, đã khẳng định được khả năng sinh trưởng, phát triển đàn dê nuôi thịt và nuôi sinh sản, từ đó bổ sung đa dạng đối tượng nuôi mới và tăng tổng đàn cho các hộ dân ở xã Phong Hóa nói riêng và huyện Tuyên Hóa nói chung. Với kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng, từ số lượng ban đầu là 27 con dê bách thảo bố mẹ, sau 24 tháng thực hiện, đàn dê tăng lên 86 con; trong đó 25 dê cái nền, 2 dê đực giống và 59 dê con; tạo nguồn giống và một lượng thịt dê lớn, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi và tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân. Từ thực hiện mô hình, trung bình thu lãi hơn 7 triệu đồng/tháng”, kỹ sư Hồ Thị Hương, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa, Chủ nhiệm nhiệm vụ KH-CN nuôi dê bách thảo trao đổi.
 
Qua thực tế áp dụng KH-CN vào sản xuất, Tuyên Hóa sẽ tiếp tục duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, phù hợp với các địa phương, tạo ra những nghề mới trong nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; góp phần đáng kể vào chủ trương của huyện về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
 
H.Tr

tin liên quan

Việt Nam lần đầu chiến thắng cuộc thi Solution Challenge của Google

Vượt qua hơn 835 dự án trên toàn thế giới, nhóm Gateway thuộc Trường Đại học Hoa Sen trở thành một trong ba đội thi có dự án xuất sắc nhất tại cuộc thi 2022 Solution Challenge.

Quản lý hiệu quả chất lượng sản phẩm hàng hóa, môi trường

(QBĐT) - Thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Thử nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ đã chú trọng lĩnh vực thử nghiệm hóa sinh-môi trường.

Nhiệt độ ban đêm cao hơn làm tăng nguy cơ tử vong ở người

Trong một bài viết đăng tải trên Tạp chí Sức khỏe hành tinh Lancet, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và nước ngoài đã làm rõ mối liên hệ giữa việc nhiệt độ ban đêm trở nên ấm hơn và nguy cơ tử vong ở người.