icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Các nhà khoa học giải mã bí mật sống thọ của loài sứa bất tử

  • 07:25 | Thứ Tư, 31/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Các nhà khoa học ở Tây Ban Nha đã giải mã gene di truyền của Turritopsis dohrnii-một sinh vật có khả năng liên tục quay ngược vòng đời - với hy vọng khám phá bí mật về tuổi thọ độc đáo của chúng.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nhà khoa học ở Tây Ban Nha đã giải mã gene di truyền của Turritopsis dohrnii, hay còn được biết đến là sứa bất tử - một sinh vật có khả năng liên tục quay ngược vòng đời - với hy vọng khám phá bí mật về tuổi thọ độc đáo của chúng, đồng thời tìm ra những phát hiện mới về sự lão hóa của con người.
 
Trong một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 29/8, hai nhà khoa học là bà Maria Pascual-Torner và ông Victor Quesada, cùng các cộng sự tại trường Đại học Oviedo đã lập biểu đồ trình tự gene di truyền của Turritopsis dohrnii, loài sứa duy nhất được biết đến có thể tái tạo nhiều lần thành giai đoạn ấu trùng sau khi sinh sản hữu tính.
 
Giống như các loại sứa khác, Turritopsis dohrnii trải qua một vòng đời gồm 2 giai đoạn và sống dưới đáy biển trong giai đoạn vô tính và khan hiếm thức ăn. Khi có điều kiện thích hợp, sứa sẽ sinh sản hữu tính.
 
Theo các tác giả của nghiên cứu trên, mặc dù nhiều loại sứa có khả năng đảo ngược quá trình lão hóa và quay về giai đoạn ấu trùng, nhưng hầu hết đều mất khả năng này khi chúng đến tuổi trưởng thành về mặt sinh dục. Đối với sứa Turritopsis dohrnii thì không như vậy. Ông Monty Graham - một chuyên gia về sứa, đồng thời là Giám đốc của Viện Hải dương học Florida (Mỹ) - cho biết: “Loài vật này có thể thực hiện thủ thuật tiến hóa trong khoảng 15-20 năm." Thủ thuật này khiến chúng được gọi với cái tên có phần cường điệu hóa là "sứa bất tử."
 
Trong nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu khả năng bí ẩn nêu trên của Turritopsis dohrnii, các nhà khoa học đã so sánh chuỗi gene của chúng với loài sứa Turritopsis rubra - một họ hàng gần gũi về gene, nhưng thiếu khả năng "trẻ hóa" sau khi sinh sản hữu tính.
 
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng Turritopsis dohrnii có các đột biến trong bộ gene, có thể giúp chúng sao chép và sửa chữa ADN tốt hơn. Chúng cũng dường như có khả năng trong việc duy trì các đầu mút của nhiễm sắc thể được gọi là telomere. Ở người và các loài vật khác, chiều dài của telomere đã được chứng minh là ngắn lại theo tuổi tác.
 
Tuy nhiên, chuyên gia Graham cho biết nghiên cứu này không có giá trị thương mại tức thì. Ông nêu rõ: “Chúng ta không thể đánh bắt những con sứa này và biến chúng thành một loại kem dưỡng da."
 
Theo ông Graham, nghiên cứu trên hướng tới việc thấu hiểu các quy trình và chức năng của protein giúp những con sứa này "cải lão hoàn đồng", qua đó "sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến một lĩnh vực nghiên cứu mới đáng để theo đuổi".
Theo Quang Anh (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ hoãn phóng tàu thăm dò Mặt Trăng

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 29/8 đã hoãn phóng tàu vũ trụ Orion bằng tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) lên Mặt Trăng sau khi phát hiện rò rỉ nhiên liệu và có thể là một vết nứt .

Ngày 29/8, phi thuyền của NASA bắt đầu sứ mệnh đầu tiên bay vào không gian

Ngày 29/8 (theo giờ địa phương), phi thuyền của NASA sẽ bắt đầu chuyến đi quan trọng trong khuôn khổ Sứ mệnh Artemis 1 của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng, vốn đã bị trì hoãn rất lâu.

Việt Nam đứng đầu danh sách bị tấn công bằng thư rác nhiều nhất châu Á

Việt Nam đứng đầu danh sách phát hiện nhiều thư rác nhất với tổng số 3,09 triệu, tiếp theo là Malaysia (2,36 triệu), Nhật Bản (1,86 triệu), Indonesia (1,80 triệu) và Đài Loan (1,45 triệu).