icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Quảng Ninh: Ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất

  • 13:51 | Thứ Ba, 12/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định việc ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào sản xuất là hướng đi tất yếu và lâu dài, những năm qua, huyện Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, được các ban, ngành, địa phương và người dân trên địa bàn tích cực thực hiện, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân cho biết: Được sự hỗ trợ của Sở KH-CN, thời gian qua, huyện Quảng Ninh đã thực hiện hàng chục mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả. Qua thực tiễn, việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra nguyên liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đồng thời cải tiến, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh, giải phóng sức lao động, rút ngắn thời gian làm việc, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.
 
Hiện, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp có tính ứng dụng cao đã phát huy hiệu quả, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn huyện. Trong đó có một số mô hình nổi bật như: Sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP tại xã Hàm Ninh; trồng thử nghiệm dừa xiêm lấy nước tại vùng cát ven biển đã bước đầu đánh giá khả năng thích nghi của giống dừa mới trên vùng đất cát ven biển đã qua cải tạo; nuôi gà ri thuần chủng bằng phương pháp bán chăn thả tại xã Trường Sơn cũng đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con xã biên giới.
 
Đặc biệt hiện nay, trên địa bàn huyện, một số mô hình ứng dụng KH-CN vào sản xuất đang duy trì, phát triển mạnh và hướng về các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Trồng thử nghiệm giống tràm 5 gân chiết xuất tinh dầu, nuôi ong mật ở xã Trường Sơn...
Phát triển mô hình nuôi ong của HTX Nuôi ong mật đại ngàn Trường Sơn (xã Trường Sơn, Quảng Ninh).
Phát triển mô hình nuôi ong của HTX Nuôi ong mật đại ngàn Trường Sơn (xã Trường Sơn, Quảng Ninh).
Với mục đích vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, vừa góp phần bảo vệ rừng, Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyển giao công nghệ sản xuất 2 sản phẩm từ măng giang rừng là “măng muối chua” và “măng dầm tỏi ớt” cho 20 hộ gia đình đồng bào ở bản Khe Ngang và Hang Chuồn (xã Trường Xuân).
 
Ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh cho biết: Mô hình giúp bà con nông dân tiếp cận quy trình công nghệ, sử dụng máy móc thiết bị, tiếp thu các kiến thức để làm sạch và bảo quản măng thành phẩm với hạn sử dụng trong vòng 6 tháng; lợi nhuận thu được gấp 3 lần so với măng tươi; giải quyết việc làm cho trên 100 lao động. Hiện, tại xã Trường Xuân đã có tổ hợp tác (THT) thực hiện mô hình sản xuất các sản phẩm từ măng giang, tiến tới thành lập hợp tác xã (HTX) và hình thành sản phẩm OCOP từ măng.
 
“Nếu như trước đây, bà con vào rừng hái măng về chỉ để dùng làm thức ăn ngay và bán măng tươi, năng suất khai thác và giá thành thấp, hạn chế trong bảo quản, thì nay, khi được hỗ trợ tập huấn và chuyển giao công nghệ, măng giang sau khi thu hoạch chế biến thành các sản phẩm hấp dẫn, bảo quản thời gian dài hơn, tăng sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức và đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhất là đối với chị em phụ nữ. Với sự tạo đà đó, tiến tới THT sẽ ứng dụng công nghệ để sản xuất thêm sản phẩm măng giang khô”, chị Nguyễn Thị Quyên, Tổ phó THT măng giang, bản Khe Ngang (xã Trường Xuân) chia sẻ.
 
Mô hình sản xuất tinh dầu sả là một mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được mở rộng trong thực tế sản xuất tại bản Trường Nam và bản Hang Chuồn (xã Trường Xuân). Tận dụng tiềm năng lợi thế về đất đai vùng núi dồi dào, phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt mưa lũ, nắng hạn, ý tưởng sản xuất tinh dầu từ cây sả hình thành. Từ một THT có 40 hộ dân tham gia với nguồn vốn đầu tư ban đầu 300 triệu đồng, sản xuất trên diện tích 30ha trồng sả nguyên liệu, mô hình đã giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, cho thu nhập 1ha sả nguyên liệu khoảng 900 triệu đồng/năm, sản phẩm tinh dầu sả đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
 
Một mô hình vừa mới triển khai tại xã miền núi Trường Sơn có nhiều triển vọng là mô hình nuôi ong lấy mật. Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc HTX Nuôi ong mật đại ngàn Trường Sơn cho biết: Mô hình nuôi ong mật được Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện đầu tư 800 triệu đồng hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã phát triển kinh tế là một hướng đi phù hợp. Hiện 25 thành viên tham gia mô hình đã được tập huấn chuyển giao kỹ thuật và cấp 75 đàn ong giống. Thời gian tới, bà con sẽ tiếp tục được hỗ trợ để tiến hành các bước hoàn thiện sản phẩm đạt chất lượng, như: Nghiên cứu thiết bị đóng chai đựng sản phẩm, kiểm định chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và giới thiệu ra thị trường, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
 
“Để nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian tới, huyện Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ để người dân trên địa bàn tiếp cận hơn với công nghệ cao phù hợp để ứng dụng vào sản xuất trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp; từ đó nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa trong vấn đề chủ động phát triển kinh tế, ổn định, nâng cao cuộc sống và góp phần trong bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân trao đổi thêm.
 
                                                                              Hương Trà

tin liên quan

Trung tâm Internet Việt Nam thay đổi nhận diện tên miền quốc gia ".vn"

Ngày 29/6, Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) chính thức công bố thay đổi nhận diện thương hiệu mới tên miền quốc gia ".vn".

Phát triển một số giống sắn mới có khả năng kháng bệnh và hàm lượng tinh bột cao

(QBĐT) - Ngày 30/6, tại xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh), Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức kiểm tra tiến độ nhiệm vụ: "Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển một số giống sắn mới có khả năng kháng bệnh khảm lá, năng suất và hàm lượng tinh bột cao phục vụ canh tác sắn bền vững tại Quảng Bình".

Phương pháp đơn giản giúp dự đoán chứng sa sút trí tuệ khi về già

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện mối liên quan giữa sức khỏe mạch máu và chứng sa sút trí tuệ của con người khi về già và có thể nhận biết mối liên quan này bằng một phương pháp phổ biến.