icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Anh thử nghiệm điều trị kháng virus ở nhóm nguy cơ cao nhiễm COVID-19

  • 08:23 | Thứ Sáu, 10/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong các thử nghiệm lâm sàng, thuốc Molnupiravir đã giúp giảm 30% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong với người lớn có nguy cơ cao với triệu chứng COVID-19 trong khi Ronapreve giảm 70% nguy cơ.
Anh thử nghiệm sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir và Ronapreve. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Anh thử nghiệm sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir và Ronapreve. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chính phủ Anh ngày 8-12 tuyên bố hàng nghìn người dễ tổn thương nhất tại Vương quốc Anh sẽ là những người đầu tiên trên thế giới được tiếp cận phương pháp điều trị kháng virus và kháng thể tiên tiến nhất.  
 
Chương trình nghiên cứu quốc gia có tên “PANORAMIC” do Đại học Oxford phối hợp với một số trung tâm nghiên cứu thực hiện, đã được khởi động và đang thu nhận khoảng 10.000 bệnh nhân tại Anh có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19 để điều trị bằng thuốc Molnupiravir tại nhà sau khi có kết quả xét nghiệm PCR dương tính.
 
Những người có nguy cơ cao nhất nhiễm COVID-19 như những người bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân ung thư hoặc những người mắc hội chứng Down cũng có thể tiếp cận Molnupiravir hoặc kháng thể đơn dòng mới Ronapreve ngoài chương trình nghiên cứu từ ngày 16/12 tới. 
 
Trong các thử nghiệm lâm sàng, thuốc Molnupiravir đã giúp giảm 30% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với người lớn có nguy cơ cao với triệu chứng COVID-19 từ nhẹ đến trung bình trong khi Ronapreve giảm 70% nguy cơ.
 
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết việc sử dụng những loại thuốc tiên tiến nhất cho những người dễ bị tổn thương ngoài bệnh viện và tại nhà riêng mở ra cơ hội lớn cho việc điều trị COVID-19, giúp kiểm soát mọi giai đoạn lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.
 
Trong khi đó, Giáo sư Jonathan Van-Tam - Phó Giám đốc Y tế vùng England nhấn mạnh: “Thuốc kháng virus sẽ là sự can thiệp sống còn trong nhiều năm tới, giúp bảo vệ những người không thể tạo ra phản ứng kháng thể, cùng loại với vaccine.”
 
Chương trình nghiên cứu nói trên cho phép các chuyên gia y tế thu thập thêm dữ liệu về những lợi ích tiềm năng mà phương pháp điều trị mới mang lại cho bệnh nhân được tiêm chủng và giúp NHS phát triển kế hoạch triển khai thuốc kháng virus cho những bệnh nhân khác trong năm tới.
 
Điều kiện cho các bệnh nhân tham gia chương trình nghiên cứu này là có kết quả xét nghiệm PCR dương tính, có các triệu chứng của COVID-19 trong vòng 5 ngày gần nhất và từ 50 tuổi trở lên hoặc từ 18 đến 49 tuổi với tình trạng bệnh nền.
 
Những người tham gia chương trình nghiên cứu được yêu cầu hoàn thành nhật ký hằng ngày trong 28 ngày, thông qua trang web PANORAMIC hoặc nhận cuộc gọi từ nhóm thử nghiệm vào các ngày 7, 14 và 28 để nói về các triệu chứng của họ.
 
Bộ kết quả đầu tiên từ cuộc thử nghiệm được công bố vào đầu năm 2022.
 
Bên cạnh đó, giới chức y tế Anh cũng sẽ sử dụng có mục tiêu thuốc Molnupiravir và Ronapreve cho những bệnh nhân COVID-19 đủ điều kiện.
 
Những bệnh nhân này sẽ được đánh giá qua điện thoại bởi một bác sỹ lâm sàng từ Đơn vị Phân phối Thuốc NHS COVID (CMDU), người sẽ xem xét và thảo luận với bệnh nhân về phương pháp điều trị thích hợp nhất cho họ.
 
Những người được chỉ định điều trị bằng kháng thể đơn dòng sẽ được mời tham dự CMDU, trong khi những người sử dụng Molnupiravir có thể nhờ người đến lấy hoặc gửi đến nhà của họ. 
 
Chính phủ Anh đã mua 480.000 liệu trình Molnupiravir từ công ty dược phẩm Merck Sharp và Dohme (MSD), đồng thời có được 250.000 liều thuốc kháng virus PF-07321332, hiện đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3.
 
Thuốc Molnupiravir, do hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ phối hợp phát triển, đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh (MHRA) phê chuẩn vào ngày 4-11.
 
Công ty dược phẩm Meck cho biết dự kiến sản xuất 10 triệu toa thuốc Molnupiravir vào cuối năm nay và ít nhất 20 triệu toa trong năm 2022./.
 
Theo Phong Hà (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Dịch COVID-19: Giới khoa học gấp rút "giải mã" biến thể mới Omicron

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, các chuyên gia cho rằng biến thể mới này có khả năng lây lan hơn, có thể tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể hơn so với các biến thể trước của virus SARS-CoV-2.

Top 10 xu hướng công nghệ mới nổi đáng chú ý trong năm 2021

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây đã công bố bản danh sách thường niên về các công nghệ đột phá có tác động tiềm năng lớn đối với thế giới.

NASA sẽ chế tạo lò phản ứng hạt nhân trên Mặt Trăng trong 10 năm tới

Thông qua Bộ Năng lượng (DOE), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã gửi đề xuất hợp đồng thiết kế lò phản ứng hạt nhân có khả năng thực hiện hành trình đến và hoạt động trên Mặt Trăng trong 1 thập kỷ tới.