icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ứng dụng khoa học kỹ thuật phục hồi rừng

  • 11:11 | Thứ Bảy, 23/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để bảo vệ, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, tính đa dạng sinh học của Di sản thiên nhiên thế giới, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đã tích cực huy động sự hỗ trợ và nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng phục hồi lại các diện tích rừng đã mất do mưa lũ gây ra.
 
Năm 2020, mưa lũ đã gây ra nhiều điểm sạt lở ở một số tuyến đường đi qua lâm phận VQG PN-KB, làm thiệt hại một số diện tích rừng. Trong đó, tại 26 điểm sạt lở ở tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường 20 Quyết Thắng (Bố Trạch) đã gây thiệt hại gần 2ha rừng đặc dụng của VQG PN-KB.
 
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc VQG PN-KB, cho biết: Các điểm sạt lở làm mất diện tích rừng tương đối lớn, đã gây ra nhiều hệ lụy như: Xói mòn, rửa trôi đất; có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học... tại VQG PN-KB. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay là phải nhanh chóng khôi phục diện tích rừng đã mất.
 
Sau một thời gian trăn trở nghiên cứu, kết nối và nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức, cá nhân, VQG PN-KB đã khảo sát và triển khai trồng phục hồi các diện tích rừng; đặc biệt là tại các điểm sạt lở, các khu vực thường gây ra lũ quét..., để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ…
Cán bộ, nhân viên Vườn QG PN-KB trồng phục hồi diện tích rừng đặc dụng bị mất do sạt lở đất.
Cán bộ, nhân viên Vườn QG PN-KB trồng phục hồi diện tích rừng đặc dụng bị mất do sạt lở đất.
Đợt đầu tư phục hồi rừng lần này có tổng chi phí gần 190 triệu đồng; trong đó, VQG PN-KB đã nhận được sự hỗ trợ 120 triệu đồng, phần kinh phí còn lại do vườn đảm nhiệm.
 
Để đạt được mục tiêu, yêu cầu cao về tính hiệu quả, Ban Quản lý VQG PN-KB đã chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong vấn đề chọn giống, phương pháp trồng và chăm sóc cây rừng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
 
“Chúng tôi lựa chọn các loại cây phù hợp theo từng đai rừng, trồng đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật cao, như: Mật độ trồng, liều lượng, chủng loại phân bón, bảo đảm cho các loại cây sinh trưởng và phát triển tốt, nhanh chóng che phủ lại các diện tích rừng đã mất. Những loại cây được chọn là giống cây bản địa sống lâu năm, khả năng chống chịu tốt với gió bão, giữ đất và chống xói mòn, có phân bố trong khu vực VQG PN-KB, như: Huỵnh, lát hoa, huê đỏ, táu, gội nếp, re gừng…”, ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG PN-KB trao đổi thêm.
 
Theo ông Phạm Hồng Thái, công tác trồng rừng phục hồi tại các điểm sạt lở sẽ được chia làm hai đợt. Đợt 1 đã hoàn thành xuống giống hơn 900 cây các loại; đợt 2, theo kế hoạch sẽ trồng hơn 2.400 cây và đặt quyết tâm hoàn thành trong quý IV-2021. Sau khi xuống giống cây rừng, Ban Quản lý VQG PN-KB đã cử cán bộ thường xuyên chăm sóc, theo dõi tiến độ, bảo đảm cho các loại cây sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho hay: Ban Quản lý VQG PN-KB áp dụng biện pháp kỹ thuật lâm sinh để trồng phục hồi diện tích rừng đặc dụng bị thiệt hại do thiên tai với việc bảo tồn nguồn gen các loại cây quý… là việc làm ý nghĩa, cấp thiết hiện nay, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học di sản thiên nhiên thế giới trước nguy cơ bị tổn thất, giảm thiểu bởi các yếu tố: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt, còn góp phần duy trì được tỷ lệ che phủ rừng 69,7% trên địa bàn huyện Bố Trạch.
 
“Bên cạnh sự cố gắng của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý VQG PN-KB, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương đã sẻ chia khó khăn, đồng hành, chung tay trong giữ gìn từng cánh rừng. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp sức của các cấp, ngành, sự đồng thuận của người dân, góp phần bảo vệ, giữ gìn để̉ Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng của du khách khắp mọi miền đất nước và trên thế giới”, ông Phạm Hồng Thái chia sẻ thêm.
 
Hương Trà

tin liên quan

Nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực khoa học và công nghệ

(QBĐT) - Thời gian qua, thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành KH-CN. Qua đó, đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi sai phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH-CN.

Xây dựng mô hình sản xuất, sơ chế dược liệu kim tiền thảo và sâm báo

(QBĐT) - Ngày 21-10, tại xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch), Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành kiểm tra thực địa dự án "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng và sơ chế dược liệu kim tiền thảo (Desmodium styracifolium (Osb) Merr) và sâm báo (Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr) trên vùng đất gò đồi tỉnh Quảng Bình" do Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình thực hiện.

Pfizer/BioNTech: Mũi tiêm tăng cường bảo vệ cao trước biến thể Delta

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của Pfizer/BioNTech tiêm mũi tăng cường vaccine với 10.000 người trong giai đoạn biến thể Delta hoành hành mạnh cho thấy hiệu quả bảo vệ lên tới 95,6%.