.

Bước đầu tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vấn đề bình đẳng của phụ nữ (tiếp theo và hết)

.
13:58, Thứ Tư, 25/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Là Tổng tư lệnh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Đại tướng đã dốc toàn tâm, toàn lực lãnh đạo quân đội và nhân dân ta đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ, vậy mà trong bộn bề công việc, Đại tướng Tổng tư lệnh vẫn luôn dành sự quan tâm cho công tác phụ nữ, cho bình đẳng nam nữ. Số bài viết về phụ nữ và bình đẳng nam nữ không nhiều nhưng cách nhìn nhận về các vấn đề này của Đại tướng lại vô cùng sâu sắc và thực tiễn.
 
Đại tướng luôn quan tâm theo dõi, động viên tổ chức Hội LHPN Việt Nam và chị em cán bộ nữ
 
Nói về tổ chức Đảng và các đoàn thể, Đại tướng khẳng định: ... “Nếu không có tổ chức Đảng vững mạnh, không có tổ chức quần chúng rộng rãi bao gồm các tổ chức công đoàn, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, các tổ chức tự vệ ở xí nghiệp và ở đường phố thì không thể hoàn thành được bất cứ nhiệm vụ gì”... 
 
Khi nói về sức mạnh của hậu phương trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đại tướng nói:... “Đó cũng là kết quả to lớn của phong trào “ba sẵn sàng” trong thanh niên, “ba đảm đang trong phụ nữ”...” 
 
Nói chuyện với Hội nghị cán bộ Khu Tây Bắc ngày 13, 14 tháng 12 năm 1952, khi nêu yêu cầu “phải hết sức tích cực bồi dưỡng và đạo tạo cán bộ địa phương”, Đại tướng tỏ lời khen: “Chị cán bộ người Thái trong buổi lễ chiến thắng ở Mộc Châu, qua mấy câu nói giản dị đã làm cho chị em Phụ nữ Thái hết nghi ngờ bộ đội và ngay trong buổi lễ đó đã chuyện trò thân mật với bộ đội.” 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi các nữ Đại biểu Quốc hội vào ngày 4-6-1975.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi các nữ Đại biểu Quốc hội vào ngày 4-6-1975. Ảnh tư liệu
Nhà báo Trầm Hương trong bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nữ tướng Nguyễn Thị Định” trên Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh online ngày 12 tháng 10 năm 2013, ghi lại cuộc phỏng vấn Đại tướng chiều 8-7-1995, về những kỷ niệm với nữ tướng Nguyễn Thị Định, Đại tướng nói: “...Chị Ba Định là vị tướng cả thời chiến lẫn thời bình. Chị là người phụ nữ Nam bộ dịu dàng nhưng rất cương trực, dũng cảm. Ở cương vị nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...Tôi tự hào về chị.”
 
Khi đến thăm các địa phương, Đại tướng viết: “Tôi cũng đã có dịp đến thăm các phường, xã hay quận, huyện, có những đồng chí lãnh đạo nữ làm công việc tốt, liêm khiết và được nhân dân mến phục, những xí nghiệp do các chị nữ giám đốc kinh doanh tốt. Khắp nơi đã xuất hiện những tấm gương nữ lao động giỏi, nữ giáo viên giỏi, nữ nghệ sĩ, y tá, và một đội ngũ nữ trí thức khoa học có tài năng. Ở các chị em nói chúng nổi bật là đức tính cần kiệm, liêm chính và nhân hậu, thương yêu nhau.” 
 
Là cán bộ Hội LHPN, chúng ta không khỏi xúc động khi đọc trang viết của Đại tướng về Hội: 
 
“Đối với tôi, gần đây, có hai việc làm cho tôi phấn khởi.
Việc thứ nhất là, nhân giở lại một cuốn sổ công tác thời hoạt động bí mật tại chiến khu Việt Bắc trước cách mạng Tháng Tám, trên một trang chữ viết đã phai mờ dần, tôi đã ghi bằng chữ đậm nét: Hăng hái nhất:
1. Một là Phụ nữ
2. Hai là đồng bào dân tộc rẻo cao.
Việc thứ hai là, trong những chuyến đi công tác ở địa phương, tôi thường hỏi: trong các đoàn thể nhân dân, đoàn thể nào hoạt động tốt nhất. Thì hầu hết các đồng chí lãnh đạo, từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long, kể cả các tỉnh miền núi đều nhất trí trả lời: Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến bính. Tôi muốn nói thêm là Đoàn thanh niên cũng đã chuyển mình và có tiến bộ.”  
 
Cảm nhận về bình đẳng nam nữ của Đại tướng trong cuộc sống đời thường, qua những lần may mắn được gặp, tiếp xúc với Đại tướng
 
Khi tôi về công tác ở Hội LHPN tỉnh Quảng Bình tháng 12-1989, thì năm 1992 tôi được lãnh đạo Hội LHPN tỉnh phân công làm chủ nhiệm Đề tài khoa học “Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của Phụ nữ Quảng Bình 1930 -1975”, để chuẩn bị cho kỷ niệm 65 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-1995).
 
Năm 1995, đề tài hoàn thành, chuẩn bị in sách, với tình cảm quê nhà và lòng ngưỡng mộ, tự hào về người con ưu tứ của quê hương, chị em chúng tội bàn nhau ra Hà Nội xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời giới thiệu sách, muốn là vậy nhưng cũng lo không biết Đại tướng có đồng ý không. Vậy mà, chị Từ Thị Biêm lúc đó là Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, được phân công ra gặp Đại tướng tại nhà 30 Hoàng Diệu. Về, chúng tôi vô cùng vui sướng, vì không chỉ Đại tướng vui vẻ nhận lời viết, mà còn tỏ lời khen ngợi, hoan nghênh. 
 
Một lần vào tháng 8 năm 2001, đang là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, tôi được đi cùng đoàn của tỉnh ra mừng thọ Đại tướng tuổi 90, sau khi tiếp đoàn xong vào cuối buổi chiều, đoàn chuẩn bị ra về thì Đại tướng nói: Cháu Nhiên ở lại ăn cơm với Bác. Mâm cơm chiều hôm đó ở căn phòng tầng 1, nhà 30 Hoàng Diệu chỉ có Đại tướng, Phu nhân Đặng Bích Hà và tôi, trong bữa ăn Đại tướng gần gũi, ân cần hỏi về đời sống của bà con, Đại tướng đặc biệt quan tâm các mẹ, các cháu, chị em phụ nữ và nhắc nhở phải đoàn kết, nổ lực để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, chăm lo cho người có công, gia đình chính sách... 
 
Một kỷ niệm mà đến bây giờ tôi vẫn giữ như một kỷ vật thiêng liêng, đó là tấm thiệp chúc tết của Đại tướng xuân Tân Tỵ 2001, tôi cứ xúc động, bồi hồi mỗi khi nhìn dòng chữ “và chị Đặng Bích Hà” Đại tướng tự tay viết thêm dưới dòng chữ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” in trang trọng ở góc trái, phía trên phong bì. Cùng với đó là hình ảnh Đại tướng và Phu nhân luôn ngồi cạnh nhau trong mọi cuộc gặp với lãnh đạo, quân và dân tỉnh nhà trên đất Quảng Bình hay ở Hà Nội và những cuộc tiếp khách khác mà tôi được chứng kiến, tôi càng thấm thía sự bình đẳng với Phụ nữ của Đại tướng.
 
Còn đó những trăn trở của Đại tướng về vấn đề bình đẳng nam nữ
 
Đại tướng viết: “Tuy nhiên, có phải tiềm năng của Phụ nữ đã được phát huy đầy đủ hay chưa. Chưa phải. Hiện trong xã hội ta, trong khi Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới, thì phần nào đó, ở một bộ phận khá lớn nam giới vẫn có tư tưởng coi thường và có định kiến với Phụ nữ; ở một bộ phận khá lớn Phụ nữ thì còn có tư tưởng tự ti, nhận thức lỗi thời âý, tư duy chậm đổi mới ấy hiện là trở ngại lớn nhất ngăn cản sự thực hiện đường lối, chính sách của Đảng đối với nữ giới”. 
 
“Theo sự hiểu biết không đầy đủ của tôi, và những thống kê hiện có (cũng chưa đầy đủ), tôi đơn cử một số sự kiện cụ thể: Trong lĩnh vực lao động,...việc tạo việc làm cho chị em cũng đã được chú trọng nhưng còn nhiều việc phải làm. Do đó mà cuộc sống của một số khá lớn chị em Phụ nữ còn vất vả, ở vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào thiểu số đã đành, nhưng ngay đối với một số chị em ở các đô thị cũng vậy; Việc đề bạt cán bộ nữ vào cương vị lãnh đạo còn rất hạn chế...; Về trình độ học vấn thì lên càng cao, tỷ lệ nữ càng giảm...;
 
Những năm gần đây, với cơ chế thị trường, đã xuất hiện xu hướng lợi dụng sự hấp dẫn của giới tính để lôi cuốn một số chị em Phụ nữ vào lối sống không lành mạnh của xã hội tiêu dùng phương Tây, thậm chí vào những hoạt động xã hội trái hẳn với thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm nguy hại đến phẩm giá, có khi đến cả tính mạng của một số Phụ nữ.”  Nói đến những vấn đề tiêu cực của Phụ nữ trong cơ chế thị trường chúng ta thường hay nói rằng một bộ phận phụ nữ có xu hướng chạy theo lối sống coi trọng vật chất, đua đòi, hưởng thụ... thì Đại tướng lại nói đó là “xu hướng lợi dụng sự hấp dẫn của giới tính...”. Rõ ràng cách nhìn nhận của Đại tướng rất nhân văn trước những tiêu cực của một bộ phận Phụ nữ.
 
Theo Đại tướng, “Những sự kiện trên đây đặt ra cho chúng ta những vấn đề lớn và cấp thiết, cần phải giải quyết, giải quyết thật kiên quyết, có thế mới phát huy được tiềm năng còn to lớn của chị em Phụ nữ, và chặn đứng những xu hướng tiêu cực, nguy hiểm.”  Chúng ta thường hay nói những vấn đề đặt ra đối với Phụ nữ thì Đại tướng gọi đó là “những sự kiện...đặt ra cho chúng ta những vấn đề lớn cần giải quyết...”. Phải chăng cách đặt vấn đề của Đại tướng thực tiễn hơn trong giải quyết và đúng hơn về tầm quan trọng của những vấn đề đặt ra với Phụ nữ.
 
Những trăn trở của Đại tướng là những vấn đề rất thực tiễn, gần gũi, hiện hữu trong chúng ta, mặc dù ngày nay đã được cải thiện rất nhiều.
 
Đại tướng viết: “Bác Hồ nói: “Phải kính trọng Phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lại bình quyền, bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”. Bác lại nói: Xây dựng chủ nghĩa xã hội mà không tính đến vai trò của Phụ nữ, thì mới xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa. Nói như vậy cũng tức là giao cho toàn Đảng, toàn dân phải thực hiện nam nữ bình đẳng, bình quyền và cũng tức là giao cho toàn thể chị em Phụ nữ nhiệm vụ phải năng động đổi mới, tự lực vươn lên cùng với toàn dân hoàn thành một nửa công việc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong...”. Rồi dường như Đại tướng tự trả lời những trăn trở của mình bằng một quyết tâm lớn, thể hiện khát vọng lớn lao của Đại tướng về bình đẳng của Phụ nữ: “...Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX và những thập kỷ đầu của thế kỷ sau, dân tộc ta phải vượt bậc vươn lên, trở thành một dân tộc đi tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh về một xã hội công bằng, văn minh, nam nữ thật sự bình đẳng và hạnh phúc.”  
 
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nam nữ chỉ thật sự bình đẳng khi có một xã hội công bằng, văn minh.
 
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Tổng tư lệnh kính mến, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, hội viên, Phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, học hỏi những phẩm chất cao quý của Đại tướng, để không ngừng hoàn thiện mình, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần  xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” như bác Hồ hằng căn dặn và mong ước./.
 
Th.s Hoàng Thị Ái Nhiên
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam
 
,