icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh:

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

  • 08:02 | Thứ Tư, 07/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) chính là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học-kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ quá trình điều hành sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiệu quả. Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 4733-QĐ/UBND, ngày 15-12-2020 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT), Đảng ủy Khối DN tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, hoạt động nhằm thúc đẩy CĐS trong DN trên địa bàn tỉnh.
 
Bà Trương Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc VNPT Quảng Bình cho biết, từ năm 2017, VNPT bắt đầu thực hiện chiến lược VNPT 4.0 chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số. VNPT Quảng Bình đã xây dựng và phát triển một số hệ thống phần mềm với vai trò tư vấn và đồng hành cùng UBND tỉnh xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT).
 
Trong đó, hệ thống Một cửa điện tử được xem là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự thành công của thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và VNPT với 100% các huyện, thị xã, thành phố và 151/151 xã, phường, thị trấn được triển khai.
 
Với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp hàng đầu về viễn thông-công nghệ thông tin (VT-CNTT), VNPT Quảng Bình đã và đang xây dựng bộ giải pháp số cho DN đáp ứng nhu cầu CĐS của khối DN theo các giai đoạn số hóa, ứng dụng công nghệ số và CĐS theo các chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau.
Dịch vụ xác thực nguồn gốc hàng hóa VNPT-Check được ứng dụng triển khai trên các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Dịch vụ xác thực nguồn gốc hàng hóa VNPT-Check được ứng dụng triển khai trên các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, đơn vị đã cung cấp hệ thống giám sát tàu cá VNPT-VSS cho ngư dân; dịch vụ xác thực nguồn gốc hàng hóa VNPT-Check cho các HTX sản xuất nông nghiệp… Trong lĩnh vực y tế, VNPT Quảng Bình đã triển khai phần mềm khám, chữa bệnh VNPT-HIS và một số giải pháp CNTT cho ngành y…
 
VNPT Quảng Bình cũng đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để giúp số hóa hoàn toàn một DN, gồm: hệ thống xác thực và định danh điện tử eKYC; hệ thống quản lý kho hàng (VNPT Inventory); hệ thống quản lý kênh phân phối (VNPT DMS); chữ ký số…
 
Bà Trương Thị Hoàng Yến cho biết, thời gian tới, VNPT Quảng Bình hướng tới đưa ra các sản phẩm đặc thù theo ngành nghề, từng khối khách hàng; tham gia tích cực với vai trò tư vấn cho tỉnh trong việc xây dựng CQĐT, xây dựng đô thị thông minh; mở rộng hạ tầng về mạng lưới VT-CNTT… phấn đấu trở thành đơn vị tiên phong, dẫn dắt CĐS trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng với VNPT Quảng Bình, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Quảng Bình (Vietcombank Quảng Bình) là một trong những đơn vị tích cực tham gia chiến lược CĐS. Vietcombank Quảng Bình hoạt động dựa trên nền tảng số của hệ thống Vietcombank. Trong 2 năm gần đây (2020, 2021), đơn vị đã chuyển đổi, hiện đại hóa hệ thống ngân hàng số trên nhiều lĩnh vực.
 
Năm 2020, Vietcombank Quảng Bình đã thực hiện nâng cấp thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core banking), hiện đại hóa công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng; ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế cho các dịch vụ internet banking, Mobilebanking trước đây.
 
Trong năm 2021, đơn vị ra mắt dịch vụ mở tài khoản trực tuyến với công nghệ đột phá, giúp khách hàng mở tài khoản vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian…
 
Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Vietcombank Quảng Bình cho biết: “Để bắt kịp xu thế của thời đại, thời gian qua, Vietcombank Quảng Bình đã tích cực triển khai nhiều ứng dụng CĐS trong hoạt động kinh doanh của đơn vị. Việc CĐS, tăng cường tiện ích thanh toán trực tiếp, thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc đã mang đến cho đơn vị nhiều phương án tiếp cận, phát triển khách hàng; giúp khách hàng có nhiều lựa chọn, trải nghiệm thú vị với sản phẩm Vietcombank mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến ngân hàng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
 Với việc tham gia CĐS, Vietcombank Quảng Bình đã có thêm nhiều tiện ích giúp khách hàng lựa chọn.
Với việc tham gia CĐS, Vietcombank Quảng Bình đã có thêm nhiều tiện ích giúp khách hàng lựa chọn.
Thời gian tới, Vietcombank Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai CĐS; tăng cường quảng bá sản phẩm dịch vụ Vietcombank thông qua mạng xã hội facebook, zalo; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn”.
 
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DN tỉnh, hiện nay, đã có một số DN trên địa bàn tỉnh tham gia vào quá trình CĐS; tham gia vào quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cổng thông tin Chính phủ điện tử… Tuy nhiên, mức độ tham gia CĐS của các DN còn đơn lẻ, chưa có tính đồng bộ; một số DN gặp khó khăn trong SXKD, không có điều kiện đầu tư nguồn lực tương xứng để tham gia CĐS.
 
Với mục tiêu kết nối, tạo cơ hội hỗ trợ DN tiếp cận các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số và thay đổi mô hình kinh doanh theo xu hướng CĐS và phát triển TMĐT, đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, Đảng bộ Khối DN đã tổ chức diễn đàn CĐS và phát triển TMĐT.
 
Để DN thấy rõ cơ hội, thách thức của CĐS trong bối cảnh hiện nay, Đảng ủy Khối DN tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong khối về lợi ích của CĐS trong SXKD. Ban Thường vụ Đảng ủy khối lãnh đạo các DN (điện lực, viễn thông…) tích cực tham gia vào quá trình xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển CĐS trong toàn tỉnh; huy động nguồn lực để CĐS trong DN.
 
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Đảng ủy khối sẽ tăng cường việc khảo sát thực trạng CĐS ở DN để tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng đề xuất với Chính phủ các giải pháp hỗ trợ DN trong việc CĐS, phát triển TMĐT…
 
Theo các chuyên gia kinh tế, về cơ bản, CĐS trong DN là giải pháp tích hợp, áp dụng công nghệ số hóa để nâng cao hiệu quả SXKD, hiệu quả quản trị DN nhằm tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Trong giai đoạn 2021-2030, thực hiện CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
Lê Mai