icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5:

Chuyển biến tích cực trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

  • 08:10 | Thứ Ba, 18/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, Thường trực HĐND và UBND tỉnh; sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN); sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương và đơn vị trong tỉnh và nỗ lực của đội ngũ cán bộ KH-CN trong tỉnh nên hoạt động KH-CN ở tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, việc phát huy và tăng cường tiềm lực KH-CN được tỉnh Quảng Bình quan tâm đúng mức; toàn tỉnh đã đầu tư triển khai 19 công trình, dự án, với số vốn đầu tư phát triển là 76,905 tỷ đồng. 
Đồng chí Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH-CN giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH-CN giai đoạn 2021-2025.
Các lĩnh vực KH-CN của tỉnh được chú trọng thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội, như: hoạt động thông tin KH-CN và công tác ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển kinh tế-xã hội; các mô hình ứng dụng thí điểm từng bước đi vào sản xuất đại trà, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.
 
Các đề tài, dự án chủ yếu tập trung vào các chương trình phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội trọng điểm của tỉnh cũng như ứng dụng tiến bộ KH-CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh nhà.
 
Trong 5 năm, toàn tỉnh cũng đã triển khai thực hiện 72 đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các đề tài tập trung nghiên cứu trong giai đoạn này với nội dung chủ yếu, như: điều tra, nghiên cứu về văn hoá-lịch sử, kinh tế-xã hội, quản lý, giáo dục, y tế, du lịch-dịch vụ, nông-lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản...
 
Kết quả nhiều đề tài, dự án, mô hình mang tính ứng dụng vào điều kiện thực tiễn của tỉnh ngày càng cao, đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ hoạch định các chủ trương, chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; đào tạo và nâng cao trình độ nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo ra được nhiều sản phẩm, hàng hóa có năng suất, chất lượng cao; đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã-hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
 
Toàn tỉnh cũng đã triển khai thực hiện 58 mô hình ứng dụng, nhiệm vụ sự nghiệp KH-CN. Nhiều dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, như các mô hình: nuôi cá lăng chấm thương phẩm trên địa bàn huyện Tuyên Hóa; vườn ươm giống cây keo lai giâm hom tại xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa; nuôi cua đồng thương phẩm ở huyện Minh Hóa; trồng hoa cúc tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch; sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh; nuôi cá thát lát trong ao đất; trồng thử nghiệm giống táo 05 trên vùng cát ven biển đã qua cải tạo; trồng và chế biến, xây dựng thương hiệu tinh bột nghệ xã Mai Thủy; kiểm định, kiểm toán năng lượng và đề xuất các giải pháp đổi mới công nghệ nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình... 
Hội thảo khoa học quốc tế về địa kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu tại Quảng Bình năm 2018.
Hội thảo khoa học quốc tế về địa kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu tại Quảng Bình năm 2018.
Công tác thông tin KH-CN đã từng bước hiện đại óa, chất lượng thông tin phong phú và phản ánh kịp thời các hoạt động KH-CN trên địa bàn. Hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH-CN đã được chú trọng, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN áp dụng vào thực tiễn sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực.
 
Công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân được triển khai toàn diện. Công tác thanh tra, kiểm tra về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân và đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa được tăng cường. Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã có nhiều đóng góp tích cực phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trên địa bàn của tỉnh, góp phần bảo đảm đo lường được thống nhất, chính xác, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương.
 
Chất lượng hàng hóa thiết yếu lưu thông trên thị trường đã được kiểm soát, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh...
 
Nhìn lại 5 năm qua, hoạt động KH-CN đã tích cực cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ hoạch định các chủ trương, chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; đào tạo và nâng cao trình độ nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc, các giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc; góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, phục vụ tốt sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.
 
Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng hoạt động KH-CN ở tỉnh ta vẫn còn một số mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế-xã hội, như: đầu tư của xã hội cho KH-CN còn rất thấp, đặc biệt là đầu tư từ khu vực doanh nghiệp; chất lượng một số đề tài nghiên cứu khoa học và khả năng ứng dụng vào thực tiễn chưa cao; việc nghiên cứu đề xuất đặt hàng chưa sâu sát thị trường, đặc biệt là việc nghiên cứu những vấn đề có tính đột phá để khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh; các cơ chế chính sách khuyến khích đưa tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế...
 
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do đầu tư của xã hội cho KH-CN, đặc biệt là từ các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; tốc độ đổi mới công nghệ chậm; cơ chế quản lý KH-CN còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế, chính sách hữu hiệu để gắn kết giữa KH-CN với sản xuất-kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu KH-CN; cơ sở vật chất, kỹ thuật tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của KH-CN. 
Trồng cam Valencia 2 không hạt trên vùng đất cát đã qua cải tạo tại huyện Quảng Ninh.
Trồng cam Valencia 2 không hạt trên vùng đất cát đã qua cải tạo tại huyện Quảng Ninh.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động KH-CN giai đoạn tới, tỉnh ta đã có định hướng tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản. Trong đó, gắn hoạt động KH-CN với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống nhằm phục vụ thiết thực việc hoạch định các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và quốc phòng-an ninh của tỉnh. Hoạt động KH-CN phải hướng tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp hội nhập, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
 
Tăng cường mở rộng hợp tác khoa học với các tổ chức KH-CN ở Trung ương và tổ chức quốc tế để tranh thủ chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học mới, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, đồng thời qua đó tranh thủ học tập kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ KH-CN địa phương. Xây dựng cơ chế liên kết “4 nhà” để đưa sản phẩm hoạt động nghiên cứu KH-CN vào sản xuất và đời sống xã hội.
 
Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phong trào thi đua lao động sáng tạo trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng các thành tựu KH-CN, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào công tác, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, cải cách hành chính, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả nền kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân...
 
Nguyễn Chí Thắng,
(Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ)