icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Các HTX ở Quảng Trạch: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật

  • 14:03 | Thứ Sáu, 19/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức sản xuất thủ công, truyền thống sang tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bước thay đổi này đã giúp các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo đà phát triển bền vững.
 
Thay đổi cách nghĩ
 
Sản phẩm mực một nắng được đóng gói và dán logo của HTX Chế biến nông thủy sản Dương Nga.
Sản phẩm mực một nắng được đóng gói và dán logo của HTX Chế biến nông thủy sản Dương Nga.
Trước đây, HTX Chế biến nông thủy sản Dương Nga (ở xã Quảng Phú) là cơ sở chế biến nhỏ lẻ, chuyên thu mua các loại thủy hải sản của ngư dân về chế biến thành các sản phẩm khô bán ra thị trường. Tất cả các khâu từ làm khô đến đóng gói của cơ sở đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, nên không thể cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng khác trên thị trường, giá thành bán ra vì vậy cũng không cao. Bên cạnh đó, việc chế biến bằng phương pháp thủ công không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khiến lượng khách hàng lựa chọn sử dụng cũng không nhiều.
 
“Trước thách thức đó, tôi đã suy nghĩ muốn có hướng đi lâu dài phải thay đổi cách thức sản xuất truyền thống trước đây mới tạo ra được những sản phẩm chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Chính vì vậy, tôi đã vận động 7 thành viên khác để thành lập HTX Chế biến nông thủy sản Dương Nga vào tháng 7-2020. Sau khi thành lập, HTX đã huy động số vốn gần 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng và mua hệ thống máy móc chế biến, như: kho lạnh bảo quản, máy sấy, máy đóng gói”, anh Phạm Thanh Dương, Giám đốc HTX Chế biến nông thủy sản Dương Nga cho biết.
 
Tại xã Quảng Phú, ngoài thủy hải sản thì muối còn là sản phẩm tiêu biểu của người dân. Là sản phẩm truyền thống, nhưng nhiều năm qua muối Quảng Phú vẫn rất khó khăn trong khâu tìm đầu ra. Nguyên nhân là do hạt muối của người dân khi bán ra thị trường vẫn ở dạng thô, chưa qua chế biến. Bên cạnh đó, hầu hết người dân sau khi thu hoạch phải bán ngay vì không có kho bảo quản, khiến hạt muối bị tư thương ép giá. Để giải bài toán này cho người dân, HTX Muối Quảng Phú đã đầu tư mua máy móc hiện đại để chế biến muối mua từ bà con diêm dân.
 
Anh Lê Đức Phú, Giám đốc HTX Muối Quảng Phú cho biết: “Muốn thay đổi chất lượng và giá trị hạt muối thì phải thay đổi phương thức sản xuất cũ trước đây. Bằng việc áp dụng máy móc kỹ thuật vào sản xuất, HTX Muối Quảng Phú không chỉ giải quyết khâu bảo quản mà còn tạo ra các sản phẩm muối đa dạng với bao bì mang thương hiệu của HTX để bán ra thị trường”.
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện, ngoài 2 HTX trên còn có một số HTX đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
 
Tạo sự đột phá
 
Nhờ từng bước đổi mới, mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều HTX nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
 
Dù đi vào hoạt động mới 7 tháng, tuy nhiên, hoạt động của HTX Chế biến nông thủy sản Dương Nga luôn đạt hiệu quả cao. Cầm sản phầm mực khô trên tay, anh Phạm Thanh Dương, Giám đốc HTX Chế biến nông thủy sản Dương Nga vui mừng chia sẻ: "Nhờ có máy móc hỗ trợ nên sản lượng sản xuất của HTX trong 6 tháng đã đạt 6 tấn, lợi nhuận 250 triệu đồng. Quy trình chế biến, đóng gói bảo đảm an toàn, mẫu mã đẹp mắt và có nhãn mác rõ ràng nên người tiêu dùng cũng chuộng hơn, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm vì thế dễ dàng hơn trước rất nhiều!".
 
Không chỉ đạt năng suất, chất lượng cao mà nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc xây dựng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn cấp tỉnh, cấp quốc gia của các HTX cũng trở nên thuận lợi hơn.
Nhờ áp dụng máy móc kỹ thuật, sản phẩm dầu lạc của HTX Chế biến nông sản Trường Thủy đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Nhờ áp dụng máy móc kỹ thuật, sản phẩm dầu lạc của HTX Chế biến nông sản Trường Thủy đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
HTX Chế biến nông sản Trường Thủy (ở xã Liên Trường) là một điển hình. Với việc sử dụng các loại máy, như: máy bóc hạt, máy ép dầu, máy đóng gói nên mỗi năm HTX có thể sản xuất được 2.100 lít dầu lạc, doanh thu đạt trên 3 tỷ, lợi nhuận 450 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, việc xây dựng các tiêu chuẩn về chất lượng, thương hiệu, bao bì, mẫu mã của dầu lạc Trường Thủy cũng trở nên dễ dàng hơn. Nhờ đó, sản phẩm đã có mặt ở một số siêu thị trong tỉnh và các thành phố lớn trong cả nước. Đặc biệt, sản phẩm dầu lạc của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
 
“Nếu không nhờ khoa học, kỹ thuật hỗ trợ thì hành trình xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ khó khăn hơn nhiều”, bà Đinh Thị Mai Hoa, Giám đốc HTX Chế biến nông sản Trường Thủy khẳng định.
 
Theo ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch, hiện nay, trên địa bàn huyện, mô hình kinh tế HTX đang có những có chuyển biến tích cực. Năm 2020, huyện có 4 HTX thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn huyện lên 33 HTX, với vốn kinh doanh trên 125,1 tỷ đồng. Nhiều HTX đã thay đổi phương thức sản xuất truyền thống bằng cách đưa máy móc, kỹ thuật vào sản xuất, giải phóng sức lao động; đồng thời, tạo năng suất, hiệu quả cao, qua đó, khẳng định được vai trò của HTX trong phát triển kinh tế của địa phương.
 
Để khuyến khích các HTX trên địa bàn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện đã có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để thúc đẩy HTX phát triển, xây dựng các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng cho địa phương.
 
Phát triển mô hình HTX là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Việc các HTX thay đổi tư duy sản xuất truyền thống để áp dụng phương thức sản xuất tiến bộ cho hiệu quả kinh tế cao đã khẳng định được vai trò và hướng đi đúng của HTX trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
                                                                                                                                                               Đ.Nguyệt