icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ứng dụng công nghệ tiên tiến chăn nuôi lợn theo phương thức công nghiệp

  • 08:25 | Thứ Sáu, 09/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 3 năm thực hiện, đến nay, dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến chăn nuôi lợn theo phương thức công nghiệp trên vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Bình" đã thành công. Qua đó, khẳng định hiệu quả thực tiễn của dự án, giúp người dân tiếp cận công nghệ hiện đại để chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con vùng cát ven biển Quảng Bình.
 
Những năm gần đây, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại công nghiệp, bán công nghiệp và liên kết bền vững, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: đàn lợn phát triển còn rất chậm, nhu cầu con giống luôn bị động, rất khó kiểm soát được chất lượng, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả...
Sở Khoa học-Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện dự án tại trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần Thanh Hương.
Sở Khoa học-Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện dự án tại trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần Thanh Hương.
Nhằm chuyển giao, ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật về giống lợn, hệ thống chuồng trại và quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn tiên tiến theo phương thức công nghiệp vào sản xuất giống và nuôi lợn thương phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển ngành chăn nuôi lợn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Bình, năm 2017, Công ty cổ phần Thanh Hương, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến chăn nuôi lợn theo phương thức công nghiệp trên vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Bình". Dự án thuộc chương trình "Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025".
 
Qua 3 năm thực hiện, Công ty cổ phần Thanh Hương phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương đã chuyển giao 10 quy trình công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi lợn theo phương thức công nghiệp cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, các quy trình gồm: kỹ thuật chăn nuôi lợn cái hậu bị; kỹ thuật phối giống; kỹ thuật chăn nuôi lợn chửa; chăn nuôi lợn nái sinh sản; kỹ thuật chăn nuôi lợn con cai sữa; kỹ thuật chăn nuôi lợn từ cai sữa đến xuất chuồng; chăn nuôi lợn đực giống; kỹ thuật pha chế và bảo quản tinh dịch; thú y cho đàn lợn; xử lý phân, nước thải trong chăn nuôi lợn.
 
Bên cạnh đó, dự án đã đào tạo 6 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn cho 100 lượt nông dân, chủ trang trại trong vùng dự án về các giống lợn, kỹ thuật chăn nuôi lợn con cai sữa, kỹ thuật chăn nuôi lợn từ sau cai sữa đến xuất bán, quy trình thú y cho lợn con cai sữa, lợn thương phẩm; quy trình xử lý phân, nước thải trong chăn nuôi lợn theo quy mô công nghiệp... Hầu hết các học viên đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật, áp dụng trực tiếp cho trang trại, gia trại chăn nuôi lợn của gia đình.
 
Đặc biệt, dự án đã xây dựng thành công 5 mô hình gồm: mô hình lợn nái 2 giống Landrace và Yorkshire với quy mô 220 lợn nái sinh sản, sau 3 năm thực hiện, lợn đã sinh sản được 10.067 con. Mô hình 10 lợn đực 2 giống Pietrain và Duroc khai thác tinh, trong thời gian thực hiện dự án đã khai thác tổng số 1.944 lần với 26.310 liều tinh thành phẩm có chất lượng cao. Mô hình nuôi lợn giống, thực hiện nuôi đạt 10.067 con lợn sữa (theo kế hoạch là 10.000 con). Mô hình nuôi lợn thương phẩm tại Công ty cổ phần Thanh Hương có tổng số lợn thương phẩm xuất chuồng là 8.613 con (chỉ tiêu kế hoạch 8.500 con).
 
Riêng mô hình nuôi lợn thương phẩm trong nông hộ đạt 1.000 con/mô hình, 5 hộ dân thực hiện. Trong quá trình triển khai, đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt, trong thời kỳ dịch tả lợn châu Phi bùng phát, các mô hình vận dụng các quy trình công nghệ cao nên đã tránh cho đàn lợn của dự án không bị nhiễm bệnh và tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng đạt 96-97%, đây là thành công rất lớn của dự án.
 
Ông Nguyễn Lê Văn, Chủ nhiệm dự án cho biết: "Dự án hoàn thành đã giúp người dân vùng cát ven biển Quảng Bình ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật về giống lợn, hệ thống chuồng trại và quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn tiên tiến theo phương thức công nghiệp vào sản xuất giống và nuôi lợn thương phẩm. Bên cạnh đó, dự án đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, giúp xóa đói, giảm nghèo nhanh, tiến tới ổn định tình hình kinh tế-xã hội, an ninh chính trị của địa phương, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh và phục vụ cho xuất khẩu... ".
 
Việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, tạo giống tốt, thực hiện phòng, chống dịch bệnh và xử lý ô nhiễm môi trường của dự án là hướng đi đúng đắn và hiệu quả, có thể khuyến cáo nhân rộng mô hình trang trại và gia trại chăn nuôi lớn thay thế cho chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ của các cơ quan chức năng để người dân tiếp tục chuyển đổi, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của dự án.
 
 Thanh Hoa