icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII:

Nhiều giải pháp có tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế

  • 07:50 | Thứ Hai, 13/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, đã tạo thành một phong trào thi đua lao động sáng tạo sâu rộng trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và người lao động, lôi cuốn đông đảo các thành phần tham gia: từ học sinh, sinh viên đến giáo viên, giảng viên; từ nông dân, công nhân, đến kỹ sư, bác sỹ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Từ phong trào lao động sáng tạo này đã áp dụng hiệu quả các giải pháp cải tiến kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.
 
Khơi nguồn sáng tạo...
 
Theo ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ (cơ quan thường trực hội thi) cho biết: Hội thi sáng tạo kỹ thuật (HTSTKT) tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII (2018-2019) đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân lao động trong toàn tỉnh tham gia. Ban tổ chức đã nhận được được 43 giải pháp dự thi.
 
Trong đó, điển hình có Trường cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp (CĐKTCNN) 8 giải pháp, Trường đại học Quảng Bình (ĐHQB) 5 giải pháp, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh 5 giải pháp... Trên tinh thần khoa học, khách quan, Ban tổ chức hội thi đã công nhận 17 giải pháp đạt giải, đáp ứng yêu cầu về các nội dung theo tiêu chí của hội thi (với 3 giải nhì, 6 giải ba và 8 giải khuyến khích đã được trao).
Các tác giả đạt giải ba hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII.
Các tác giả đạt giải ba hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII.
Phó Giám đốc Sở KH-CN Lê Văn Thái khẳng định, các giải pháp dự thi lần này đều cơ bản bảo đảm tính sáng tạo, tính mới, tính khoa học, tính ứng dụng thực tiễn, hiệu quả kinh tế-xã hội, phản ánh khá toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của tỉnh. Nhiều giải pháp tham gia hội thi đã được áp dụng trong thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực, làm lợi cho doanh nghiệp hoặc đã tận dụng những vật tư sẵn có, rẻ tiền để chế tạo, thay thế vật tư nhập ngoại... góp phần giảm giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân và nhiều mô hình trực quan, sinh động được ứng dụng trong nhà trường góp phần nâng cao chất lượng dạy và học…
 
Nhiều giải pháp mới, ứng dụng thực tiễn cao...
 
Đó là những giải pháp xuất sắc đạt giải nhì của hội thi như: “Nghiên cứu sử dụng tro bã mía làm chất phụ gia trong sản xuất bê tông” của nhóm tác giả Trường ĐHQB. Nhóm tác giả đã sử dụng bã mía sau khi được băm nhỏ, phơi khô được nung ở nhiệt độ 750oC, trong thời gian 3h tạo thành tro bã mía. Chia tro bã mía và trộn cùng với xi măng theo tỷ lệ thay thế về thể tích lần lượt là: 0%; 2%; 4,5%; 6,5%; 9%; 11,5% và 13,5%.
 
Tiến hành phối trộn các nguyên liệu theo tỉ lệ là hỗn hợp xi măng + tro:cát:sạn:nước là 1:2:3:0,64. Hỗn hợp cho vào khuôn đúc, tưới nước trong khoảng 1 tuần và bảo quản các mẫu bê tông trong bóng mát. Sau 28 ngày tiến hành đánh giá độ nén của các mẫu bê tông, kết quả cho thấy với tỉ lệ tro bã mía thay thế xi măng là 4,5% thì cho cường độ nén của bê tông đạt giá trị cao nhất (740 kg/cm3), tăng khoảng 3,5 lần so với mẫu bê tông không sử dụng tro bã mía làm chất phụ gia.
 
Giải pháp “Mô hình thực tập điều khiển tự động sử dụng bộ lập trình PLC cỡ nhỏ” của nhóm tác giả Trường CĐKTCNN. Giải pháp sử dụng các mạch điện trên mô hình này khai triển đấu nối các phần tử thiết bị trên hệ thống đôminô và cấu nối dây nên dễ dàng thao tác khi đấu lắp mạch điện và sửa chữa các sự cố hư hỏng trên mạch điện. Mô hình được thiết kế hoàn toàn mới dựa trên sơ đồ nguyên lý của các mạch trang bị điện và mạch điện sử dụng nền tảng lập trình PLC cỡ nhỏ, nhằm bảo đảm điều khiển quá trình làm việc với độ tin cậy cao, ổn định mà không cần sự tác động nhiều của người vận hành.
 
Đặc biệt, ở lĩnh vực y, dược, môi trường..., giải pháp “Sử dụng ống dẫn để đặt stent double-J niệu quản trong phẫu thuật nội soi can thiệp bể thận và niệu quản” của nhóm tác giả Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã được Ban tổ chức trao giải nhì. Nhóm tác giả đã dùng ống dẫn nắn thẳng stent double-J và dây dẫn, để lại đầu stent dài ra ngoài ống dẫn 0,5cm, hợp với ống dẫn một góc tù khoảng 50o và đầu mềm dây dẫn chìa ra ngoài stent dài 0,5cm, đưa qua trocar phẫu trường để đặt stent double-J vào niệu quản trong phẫu thuật nội soi qua phúc mạc hoặc sau phúc mạc sau khi can thiệp vào bể thận và niệu quản, trước khi khâu phục hồi bể thận, niệu quản. Phương pháp này đã được áp dụng từ năm 2014 tại bệnh viện và rất thành công.
Với giải pháp “Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp để phát hiện đứt dây trên lưới điện trung thế dựa trên các thiết bị Recloser, Relay, LBS và HT SCADA hiện có” bảo đảm an toàn hơn cho người và thiết bị khi sự cố đứt dây xảy.
Với giải pháp “Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp để phát hiện đứt dây trên lưới điện trung thế dựa trên các thiết bị Recloser, Relay, LBS và HT SCADA hiện có” bảo đảm an toàn hơn cho người và thiết bị khi sự cố đứt dây xảy.
Hay ở những giải pháp đạt giải ba, một lần nữa cho thấy, các tác giả đã tập trung nghiên cứu những vấn đề thực tiễn để ứng dụng vào đời sống mang lại hiệu quả kinh tế... Đó là giải pháp “Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp để phát hiện đứt dây trên lưới điện trung thế dựa trên các thiết bị Recloser, Relay, LBS và HT SCADA hiện có” của nhóm tác giả Hoàng Hiếu Trung, Vũ Hoài Nam, Công ty Điện lực Quảng Bình.
 
Để tăng độ nhạy và tính chính xác của bảo vệ đứt dây trong các trường hợp đứt dây trở kháng cao, dựa trên thiết bị Recloser, Relay, LBS và HT SCADA hiện có, nhóm tác giả nghiên cứu áp dụng tổng hợp đồng thời 3 giải pháp: thứ nhất, tính toán, ứng dụng chức năng quá dòng thứ tự nghịch (F46) để phát hiện đứt dây trên lưới trung thế thay thế bảo vệ đứt dây dẫn (F46BC) trong các Rơle và Recloser không có chức năng và không thể lập trình. 
 
Thứ 2, lập trình chức năng bảo vệ đứt dây dẫn-F46BC (tỷ số %I2/I1) trong Relay-Recloser không có chức năng F46BC nhưng có khả năng lập trình. Thứ 3, lập trình ứng dụng chức năng Command Sequence (Survalent) trong hệ thống SCADA-trung tâm điều khiển và cấu hình tín hiệu mở rộng để hỗ trợ phát hiện sự cố đứt dây dẫn. Việc áp dụng cả 3 phương pháp đồng thời sẽ giúp phát hiện có đứt dây chạm đất trở kháng cao chắc chắn, tin cậy hơn; đối với một thiết bị có thể áp dụng 2/3 giải pháp trên để bổ trợ lẫn nhau. Giải pháp có thể phát hiện đến 95% trường hợp đứt dây dẫn trên lưới trung thế; bảo đảm an toàn hơn cho người và thiết bị khi sự cố đứt dây xảy ra.
 
Ở lĩnh vực giáo dục-đào tạo và công nghệ thông tin, giải pháp “Xây dựng ứng dụng Từ điển Việt-Lào trên điện thoại thông minh” của nhóm tác giả Trường ĐHQB được nhiều học sinh, sinh viên quan tâm. Giải pháp đã ứng dụng xây dựng dựa trên ngôn ngữ lập trình Java và công cụ Android Studio, chạy trên hệ điều hành Android, hỗ trợ từ phiên bản Android 4.4 trở lên.
 
Giao diện ứng dụng thiết kế theo nguyên tắc Material Design của google. Hệ thống sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu Firebase dựa vào lưu trữ đám mây và nội dung từ điển được tổ chức theo cấu trúc dữ liệu định dạng JSON nên tốc độ tìm kiếm, trả về nhanh, việc bổ sung, cập nhật từ thuận lợi và nhanh chóng. Từ điển dưới dạng ứng dụng (application-app) trên smartphone cho phép người dùng tra cứu từ điển ngay trên điện thoại của mình.
 
Hay các giải pháp thiết thực cuộc sống: “Xe thu gom và vận chuyển rác” của nhóm tác giả Trường THCS Phúc Trạch (Bố Trạch). Giải pháp đã tập trung giải quyết cùng một lúc ba chức năng của xe: quét rác, thu gom rác, vận chuyển rác. Xe được chế tạo và lắp ráp đơn giản, dễ sử dụng, an toàn, dễ sửa chữa và có thể điều chỉnh độ cao thấp của tay đẩy. “Máy gieo sạ 4 trong 1” của nông dân Đặng Văn Lâm, ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy.
 
Máy có thể thực hiện đồng thời 4 công đoạn gồm: bón phân lót, gạt mặt phẳng, tạo rãnh thoát nước, gieo hạt mầm lúa và phun thuộc diệt cỏ dại. Máy gieo sạ hoạt động cùng với đầu kéo, kéo xuống thửa ruộng cần gieo, dùng cần gạt bộ máy gieo sạ xuống mặt ruộng, trên hai bánh xe của máy gieo sạ được liên kết bộ xích và hai bánh nhông. Khi chuyển động là hai trục có hộp đựng (hạt mầm và phân bón lót) đều chuyển động cùng tốc.
 
“Có thể nói, HTSTKT đã khơi nguồn sáng tạo cho đông đảo quần chúng nhân dân lao động trong toàn tỉnh với tinh thần năng suất, chất lượng, hiệu quả, phục vụ các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Và để hội thi trở thành phong trào rộng lớn trong quần chúng nhân dân và người lao động, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật trong toàn tỉnh, đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn… rất cần sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các đơn vị, sở, ngành và địa phương, nhất là các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh…”, Phó Giám đốc Sở KH-CN Lê Văn Thái chia sẻ.
 
4 giải pháp được chọn tham dự hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15: “Nghiên cứu sử dụng tro bã mía làm chất phụ gia trong sản xuất bê tông” của nhóm tác giả Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Thị Thu Hà, Phạm Thị Thu Hương, Lê Thị Hạnh, Nguyễn Thị Lan (Trường đại học Quảng Bình). “Xe thu gom và vận chuyển rác” của nhóm tác giả Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Hải Dương, Nguyễn Thị Thảo Vân (Trường THCS Phúc Trạch). “Máy gieo sạ 4 trong 1” của nhóm tác giả Đặng Văn Lâm và Đặng Thanh Ngọc (xã Mỹ Thủy). “Xây dựng ứng dụng Từ điển Việt-Lào trên điện thoại thông minh” của nhóm tác giả Phạm Xuân Hậu, Xaiyalath Latdavone, Trần Hữu Lương, Lương Duy Đăng, Trần Văn Dũng (Trường đại học Quảng Bình).
 
Nội Hà