icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Triển vọng từ mô hình trồng dứa thương phẩm

  • 09:50 | Thứ Tư, 11/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp-xây dựng tổng hợp (DVNN-XDT) Tân Thủy (huyện Lệ Thủy) vừa thực hiện thành công mô hình “Trồng dứa thương phẩm”. Mô hình đã được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đánh giá cao, đang được triển khai nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân…
 
Vùng gò đồi của huyện Lệ Thủy có diện tích 45.470ha với 15 xã, thị trấn. Trước đây, đất gò đồi của huyện chủ yếu trồng các loại cây: keo, tràm, cao su, thông, tiêu… Những năm qua, nhiều diện rừng trồng (keo tràm) bị thoái hóa do biến đổi khí hậu, hiệu quả kinh tế thấp (bình quân chỉ đạt khoảng 6-6,5 triệu đồng/năm), trong khi việc sản xuất keo, tràm có chu kỳ sản xuất khá dài, tiềm ẩn rủi ro lớn…
 
Từ thực tế trên, những năm gần đây, để phát triển kinh tế vùng gò đồi bền vững, huyện Lệ Thủy đã tập trung lãnh đạo nhân dân lựa chọn những giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, tạo ra sản phẩm hàng hóa, cải thiện đời sống cho người dân. Một trong những giống cây ăn quả được đánh giá có khả năng thích ứng cao với điều kiện thổ nhưỡng vùng gò đồi, ít bị rủi ro do thiên tai đó là giống dứa (thơm). Thời gian qua, cây dứa đã được nhiều người dân vùng gò đồi huyện Lệ Thủy trồng nhưng hầu hết là trồng quảng canh với mục đích tự cung, tự cấp hoặc bán nhỏ lẻ.
 
Nhận thấy, việc trồng dứa gắn với tiêu thụ sản phẩm ở một số tỉnh thành như: Phú Thọ, Ninh Bình, Lâm Đồng… cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển ổn định và điều kiện ở huyện Lệ Thủy rất thuận lợi để phát triển loại cây này, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), HTX DVNN-XDTH Tân Thủy đã thực hiện mô hình “Trồng dứa thương phẩm”. Mục đích của mô hình nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở vùng đất đồi, gò đồi; chuyển đổi đất trồng keo, tràm kém hiệu quả sang trồng dứa, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
 Giống dứa Queen phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất gò đồi.
Giống dứa Queen phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất gò đồi.
Mô hình “Trồng dứa thương phẩm” sử dụng giống dứa Queen, là giống phổ biến nhất ở Việt Nam, với đặc điểm nổi trội là rất giòn và ngọt, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Mô hình được thực hiện trên diện tích 4ha ở thôn Tân Truyền, xã Tân Thủy. Sau hơn 1 năm thực hiện (tháng 6-2018 đến 10-2019), mô hình đã hoàn thành tiến độ và đạt mục tiêu đề ra với kết quả rất khả quan. 
 
Giống dứa Queen đã cho thấy sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất gò đồi Lệ Thủy. Cây phát triển nhanh, đẻ nhánh nhiều, cho quả to. Trên diện tích 4ha, mô hình thu được 114,24 tấn dứa thương phẩm, 10,1 tấn dứa tận thu và 130 nghìn chồi dứa dùng để nhân giống cho kỳ sản xuất tiếp theo. Kết quả hạch toán cho thấy, chi phí để sản xuất 1ha dứa thương phẩm trong một chu kỳ sản xuất cần 99,09 triệu đồng, cho doanh thu đạt 151,5 triệu đồng, lãi ròng đạt 52,4 triệu đồng.
 
Bà Trần Thị Thủy, ở thôn Tân Truyền phấn khởi cho biết: “So với các cây trồng khác thì cây dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Loại cây này đầu tư vốn và công chăm sóc ít”. Nếu như trước đây, trên diện tích đất 1ha, bà Thủy trồng rừng mất 5 năm cũng chỉ thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhưng từ khi chuyển qua trồng dứa, trong vòng hơn 1 năm, bà đã thu lãi trên 50 triệu đồng.
 
Ông Nguyễn Chí Trải, Chủ nhiệm mô hình cho biết thêm: “Mô hình “Trồng dứa thương phẩm” được triển khai thành công đã tạo tiền đề cho việc mở rộng diện tích vùng dứa thương phẩm, làm phong phú cơ cấu cây trồng cho vùng gò đồi; tạo ra một nghề mới góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, góp phần thay đổi tư tưởng tập quán sản xuất nhỏ lẻ của các nông hộ; thúc đẩy hình thức sản xuất mang tính hợp tác liên kết trong sản xuất."
 
Theo ông Trải, hiện, HTX DVNN-XDTH xã Tân Thủy đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lệ Thủy tiếp tục duy trì vụ sản xuất tiếp theo và liên kết với các hộ dân trên địa bàn để mở rộng quy mô sản xuất, nhân rộng mô hình. “Trong vụ sản xuất tiếp theo, chúng tôi sẽ sử dụng nguồn giống có sẵn từ vụ trước nên chắc chắn chi phí sản xuất sẽ giảm xuống rất nhiều, đồng nghĩa với lợi nhuận trên một đơn vị diện tích sẽ tăng cao hơn.”, ông Trải cho hay.
 
Để dứa dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Trải khuyến cáo, cây dứa trồng ở địa bàn huyện Lệ Thủy nên xây dựng lịch thời vụ lệch so với một số tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên kết với Nhà máy chế biến hoa quả Đồng Giao (Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ở Ninh Bình) trong thời gian tới.
 
Phan Phương