icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khoa học đau đầu vì cực từ phía Bắc Trái đất di chuyển nhanh đến Nga

  • 08:48 | Thứ Sáu, 20/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Cực từ phía Bắc Trái đất, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điều hướng của con người, đang di chuyển nhanh hơn về phía Nga khiến các nhà khoa học đau đầu đi tìm lời giải.
Vị trí hiện tại của cực từ phía Bắc Trái đất - Ảnh: NATIONAL CENTERS FOR ENVIRONMENTAL INFORMATION
Vị trí hiện tại của cực từ phía Bắc Trái đất - Ảnh: NATIONAL CENTERS FOR ENVIRONMENTAL INFORMATION
Theo Đài CNN ngày 19-12, không giống như các cực địa lý là Bắc cực và Nam cực vốn nằm yên một chỗ, cực từ của Trái đất đang tích cực di chuyển.
 
Thông thường, Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) sẽ cập nhật vị trí cực từ phía Bắc mỗi 5 năm một lần. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1831, cực từ phía Bắc đã di chuyển dần dần từ vùng Bắc cực ở Canada sang phía Nga với quãng đường đã đi là 2.253km.
 
Tuy nhiên, tốc độ di chuyển nhanh chóng của cực từ này về phía Siberia trong vài năm gần đây với tốc độ 55km/năm đã buộc NOAA phải cập nhật lại Mô hình từ trường Trái đất (WMM) sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
 
Bản cập nhật mới nhất, WMM 2020, đã được thực hiện trước gần một năm so với thông lệ. WMM 2020 dự đoán cực từ phía Bắc sẽ tiếp tục di chuyển về phía Nga với tốc độ thấp hơn, vào khoảng 39,9km/năm.
 
Các tổ chức hàng hải dân sự, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và quân đội Anh, Mỹ thường sử dụng WMM trong các hoạt động điều hướng.
 
Cứ mỗi vài trăm nghìn năm, cực từ trường Trái đất lại đảo chiều, khi đó cực từ phía Bắc sẽ nằm ở Nam cực. Lần đảo chiều gần nhất là vào khoảng 770.000 năm trước. Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học khám phá ra toàn bộ quá trình đảo chiều này hoàn tất trong 22.000 năm.
 
Các nhà khoa học phải quan sát các mẫu trầm tích đại dương, dòng chảy dung nham và lõi băng ở Nam cực để tìm ra thời điểm xảy ra sự đảo chiều. Thông tin thu được từ các mẫu vật này tiết lộ rằng từ trường của Trái đất đã suy yếu, di chuyển một phần, ổn định và đảo chiều trong 1 triệu năm.
 
"Sự đảo chiều xảy ra ở phần sâu nhất của lõi Trái đất nhưng các tác động xuất hiện khắp mọi nơi trên Trái đất, đặc biệt là trên bề mặt Trái đất và trong bầu khí quyển", Brad Singer - tác giả nghiên cứu và là nhà địa chất học tại ĐH Wisconsin-Madison - cho biết.
 
Từ trường của Trái đất được tạo ra bởi tương tác giữa phần lõi ngoài chứa sắt nóng chảy với phần lõi rắn bên trong. Khi sự đảo cực xảy ra, từ trường mạnh sẽ yếu đi.
 
Thực chất quá trình đảo chiều diễn ra trong chưa đầy 4.000 năm. Tuy nhiên, để quá trình đảo chiều diễn ra, Trái đất phải trải qua 18.000 năm từ trường bất ổn, bao gồm 2 lần đảo chiều tạm thời và một phần.
 
Theo ANH THƯ (Tuổi trẻ)