icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thành tỷ phú nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào trang trại

  • 08:24 | Thứ Năm, 14/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ áp dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào sản xuất, vợ chồng ông Lê Ngọc Lễ, bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ trang trại sinh thái Cát Ngọc ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh) đã chinh phục thành công vùng cát, bắt cát “nhả vàng”.
 
Chinh phục vùng cát
 
Giữa mênh mông những cồn cát trắng, khô nóng ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh) nhiều năm qua, hiện hữu một “ốc đảo” xanh, đó chính là trang trại Cát Ngọc của vợ chồng ông Lê Ngọc Lễ, bà Nguyễn Thị Hạnh. Trang trại sinh thái Cát Ngọc có diện tích trên 50ha, gồm 30ha rừng, 20ha sản xuất theo mô hình VAC, hiện mỗi năm cho doanh thu gần 14 tỷ đồng.
 
Ông Lễ kể, cách đây khoảng 20 năm, vùng đất này là những cồn cát trắng mênh mông, khô khốc bị bỏ hoang hoặc chỉ để chôn người chết. Bởi vậy, khi ông Lễ làm đơn xin vùng đất này để làm trang trại, nhiều người bảo vợ chồng ông là hâm, là không bình thường. “Nói bạo gan thì có, chứ “hâm” thì tôi không nhận. Trước khi có ý định lập trang trại, tôi đi một mạch ra Thanh Hóa, vô Bình Thuận xem bà con sống trên cát như thế nào rồi về, đi bộ hết bờ biển từ Quảng Ninh vô Lệ Thủy, đào cát lên mới biết dưới cát là nước. Có nước thì trồng cây được, lập trang trại được”, ông Lễ nói. 
 Đề tài KHCN “Nghiên cứu khả năng sinh sản khi cho lai giữa các giống bò hướng thịt Brahman trắng-Dromatơ với bò cái lai Zêbu và khả năng sinh trưởng, phát triển của con lai F1
Đất cát bạc màu, khô khốc, vì thế muốn làm được trang trại trước hết phải chống được nạn cát bay, cát nhảy. Phải bắt đầu với cây phi lao trước, ông Lễ nghĩ vậy. Để cây sống được trên cát nóng, vợ chồng ông phải đào hố thật sâu, gánh đất mùn từ nơi khác đến đổ vào. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo huyện, xã đến thăm, thấy tỷ lệ sống của rừng cây phi lao vợ chồng ông trồng đạt trên 80%, đã rất ngạc nhiên. Năm 1995, vợ chồng ông Lễ làm đơn xin tham gia dự án trồng rừng chống sa mạc hóa và đã được Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) chấp nhận; giao cho 250ha đất cát trắng để trồng rừng và cho ứng trước 100 triệu đồng.
 
“Thời điểm đó, 100 triệu đồng là con số rất lớn. Từ năm 1996-2000, vợ chồng tôi thuê hàng trăm lao động cùng trồng rừng, kết quả trồng thành công 550ha rừng phi lao phòng hộ, vượt 300ha so với đặt hàng của dự án”, ông Lễ kể lại.
 
Năm 2000, khi rừng khép tán, thảm thực vật phía dưới mọc xanh tốt, kết thúc dự án chống sa mạc hóa, ông Lễ chuyển trả hết rừng phi lao mới trồng cho Lâm trường Nam (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình), chỉ xin giữ lại 50ha để phát triển trang trại.
 
Thành công nhờ ứng dụng KH-CN
 
Hơn 20 năm quăng quật cùng cát, ngoài việc phủ xanh hàng trăm ha cát trắng, vợ chồng ông Lễ đã xây dựng được một trang trại sinh thái theo mô hình VAC rất có hiệu quả. Hiện, trang trại của vợ chồng ông Lễ thường xuyên có 50 con bò giống lai, 100 con dê, 30 lợn nái, 500m2 diện tích nuôi giun quế, gần 2ha ao hồ nuôi cá nước ngọt, khoảng 1.000m2 đất nuôi kỳ nhông, 2 ao cá và nhiều loại cây ăn quả… với doanh thu khoảng 14 tỷ đồng mỗi năm. “Có được thành công như hôm nay, ngoài khát vọng vươn lên, vợ chồng tôi đã không ngừng học hỏi, áp dụng những tiến bộ KH-CN mới, phù hợp nhất vào canh tác, đặc biệt những kỹ thuật canh tác tối ưu cho vùng đất cát khô cằn”, ông Lễ tâm sự.
Mô hình trồng cỏ cao lương ngọt làm thức ăn cho bò ở trang trại Cát Ngọc.
Mô hình trồng cỏ cao lương ngọt làm thức ăn cho bò ở trang trại Cát Ngọc.
Theo ông Lễ, từ khi thành lập đến nay, trang trại sinh thái Cát Ngọc luôn là nơi đi đầu trong việc ứng dụng các đề tài KH-CN vào sản xuất. Có thể kể ra một số đề tài KH-CN mà trang trại sinh thái Cát Ngọc đã ứng dụng và chuyển giao thành công, được bà con nông dân áp dụng rất hiệu quả như: Nuôi và cho sinh sản giống kỳ nhông trên cát (do Sở KH-CN hỗ trợ); mô hình trồng cây cao lương ngọt làm thức ăn cho gia súc (do Trường đại học Quảng Bình chủ trì thực hiện); đặc biệt là đề tài KH-CN “Nghiên cứu khả năng sinh sản khi cho lai giữa các giống bò hướng thịt Brahman trắng-Dromatơ với bò cái lai Zêbu và khả năng sinh trưởng, phát triển của con lai F1” hiện đang được trang trại áp dụng rất thành công.
 
“Trang trại của tôi đã ứng dụng đề tài KH-CN này được một thời gian dài và rất có hiệu quả. Cùng một thời gian, công chăm sóc như nhau nhưng hiệu quả kinh tế mang lại của một con bò lai thường có giá bán gấp đôi một con bò cỏ”, ông Lễ chia sẻ.
 
Ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng KH-CN, môi trường và hợp tác quốc tế (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chủ nhiệm đề tài đánh giá: “Trang trại sinh thái Cát Ngọc đang ứng dụng rất thành công đề tài “Nghiên cứu khả năng sinh sản khi cho lai giữa các giống bò hướng thịt Brahman trắng-Dromatơ với bò cái lai Zêbu và khả năng sinh trưởng, phát triển của con lai F1”. Đến nay, trang trại đã có 30 con bò cái lai Zêbu. Ngoài ra, trang trại còn nhập tinh giống bò 3B và Brahman để tự phối giống và cung ứng giống cho bà con trên địa bàn.”
 
Ngoài việc ứng dụng thành công các đề tài KH-CN vào sản xuất kinh doanh, thời gian qua, trang trại của vợ chồng ông Lễ còn là nơi chuyển giao hiệu quả ứng dụng các đề tài KH-CN đã thử nghiệm thành công đến bà con nông dân để họ sản xuất đại trà. Bà con nông dân quanh vùng khi đến với trang trại Cát Ngọc đều được vợ chồng ông Lễ tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật để họ áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả nhất.
 
Phan Phương