icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Trồng sả xen canh cao su để thu tinh dầu và làm phân bón hữu cơ

  • 14:27 | Thứ Năm, 10/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) -  Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh vừa tổ chức nghiệm thu dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi: “Xây dựng mô hình trồng sả xen canh với cây cao su, chưng cất thu tinh dầu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải sau chưng cất tại vùng miền núi tỉnh Quảng Bình”, do Công ty cổ phần Lệ Ninh chủ trì thực hiện.
 Cây sả phát triển tốt khi trồng xen với cây cao su.
Cây sả phát triển tốt khi trồng xen với cây cao su.
Mục tiêu của dự án là chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng thành công các mô hình trồng cây sả xen canh với cây cao su, sử dụng nguyên liệu từ cây sả để sản xuất tinh dầu sả, sản xuất đệm lót sinh học và phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải sau chưng cất tinh dầu tại Công ty cổ phần Lệ Ninh, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng miền núi huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
 
Sả là cây trồng thích ứng tốt với điều kiện đất khô hạn và xâm nhập mặn do đầu tư thấp, cho thu hoạch sớm và kéo dài nhiều năm, ít nhiễm sâu bệnh hại. Bộ rễ phân bố rộng có tác dụng giữ đất, chống xói mòn, rửa trôi hiệu quả. Ngoài củ (sả chanh), có thể dùng lá sả (cả sả chanh và sả Java) để chưng cất tinh dầu phục vụ các ngành y-dược, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, xà phòng, phân bón hữu cơ…
 
Sau hai năm thực hiện dự án, cơ quan chủ trì và ban chủ nhiệm đã thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nội dung của dự án và thu được những kết quả: Đầu tư mua sắm được trang thiết bị, máy móc để xây dựng nhà máy chưng cất tinh dầu sả, sản xuất đệm lót sinh học và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; tiếp nhận, nắm vững và làm chủ 4 quy trình công nghệ do Công ty cổ phần phân bón Fitohoocmon chuyển giao; tổ chức trồng 20ha cây sả Java xen canh với cây cao su với sản lượng lá đạt 364,6 tấn lá/ha; xây dựng các mô hình: chưng cất tinh dầu sả, mô hình sản xuất đệm lót sinh học, mô hình sản xuất phân bón hữu cơ…
 
Ngoài ra, cơ quan chủ trì đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về quy trình trồng và chưng cất tinh dầu sả, quy trình sản xuất sản xuất và sử dụng đệm lót cũng như quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cho công nhân công ty và người nông dân ở các địa phương quanh vùng.
 
Theo đánh giá, mô hình “Trồng sả xen canh với cây cao su, chưng cất thu tinh dầu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải sau chưng cất” bước đầu đã đóng góp vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm có giá trị, có lợi nhuận cao, tăng thêm việc làm và thu nhập cho người nông dân, đặc biệt là nông dân miền núi, vùng biển đổi khí hậu.
 
Hiện, dự án đang được đơn vị chủ trì tiếp tục hoàn thiện để nghiệm thu cấp nhà nước.
Lâm An