icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mạng xã hội - Hoa hay cỏ dại là do sử dụng và quản lý

  • 23:26 | Thứ Năm, 03/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Việc phát triển phần mềm giám sát thông tin trên mạng xã hội là một biện pháp công nghệ mà Việt Nam cần hướng tới và đây cũng là cách mà các nước phát triển đang nghiên cứu, ứng dụng.
Biểu tượng Twitter trên màn hình điện thoại di động. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Biểu tượng Twitter trên màn hình điện thoại di động. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 và ngày càng phát huy tác dụng.
 
Mạng xã hội không còn là “sân chơi vô thưởng vô phạt,” là nơi “muốn xả gì tùy thích” như một số người quan niệm.
 
Liên tiếp các “cư dân mạng xấu xí” đã phải gánh chịu trách nhiệm thật cho những thông tin giả mà họ chia sẻ trên không gian ảo.
 
Mới đây nhất, theo TTXVN, ngày 1-10 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với Hoàng Thanh Huyền về hành vi tung tin đồn bịa đặt về bệnh Whitmore trên mạng xã hội.
 
Trước đó, ngày 27-9 vừa qua, Cơ quan Công an thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “đe dọa giết người” để điều tra làm rõ một số nội dung liên quan, được đăng tải trên trang Facebook Nguyễn Trâm và Fanpage Nguyễn Trâm - Nơ Nice coffee.
 
Cũng trong ngày 27-9 vừa qua, Công an thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đã quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với Nguyễn Hữu Đức, 19 tuổi, trú tại xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, vì hành vi đăng tải những nội dung sai sự thật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an.
 
Ngày 26-9 vừa qua, Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh đã ra các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền cùng là 7,5 triệu đồng đối với ông Phạm Q.N - người quản trị tài khoản Facebook có tên “Quảng Ninh 24/7” và ông Vũ V.C - người quản trị tài khoản Facebook có tên “Người Quảng Ninh,” vì đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
Bùng nổ mạng xã hội ở Việt Nam
 
Mạng xã hội ở Việt Nam thực sự đang ở giai đoạn “trăm hoa đua nở.”
 
Từ những năm 2000, các mạng xã hội bắt đầu du nhập vào Việt Nam dưới hình thức blog (trang nhật ký điện tử), đến nay có khoảng 270 mạng xã hội đã được cấp giấy phép hoạt động.
 
Tháng 9-2017, Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Việt Nam có hơn 46 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng mạng xã hội.
 
Trong đó, Facebook mới xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2009, đã nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến nhất. Thời gian vào mạng xã hội trung bình mỗi người là 2 giờ 39 phút, tập trung ở lứa tuổi từ 18-34.
 
Đến đầu năm nay, theo Hootsuite và We Are Social, số người dùng Facebook tại Việt Nam đã ở mức 62 triệu với thời lượng sử dụng trung bình 2,32 giờ/người/ngày. Như vậy, Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới.
 
Hằng ngày, một phần rất lớn người Việt dành thời gian để chỉnh ảnh, đăng status, đếm like, theo dõi người khác… nhiều hơn thời lượng dành cho việc ăn, uống.
 
Con số này có cơ sở để tin cậy bởi “We are social” là công ty toàn cầu chuyên hỗ trợ các công ty lắng nghe, tìm hiểu và tham gia các thông điệp của những công ty này thông qua truyền thông xã hội.
 
HootSuite là công cụ quản lý truyền thông xã hội cho phép người dùng lên lịch và đăng cập nhật lên bất kỳ trang hoặc tiểu sử nào cho Facebook, Twitter, LinkedIn, Google+, Instagram, WordPress và các nền tảng khác từ một nơi - bảng điều khiển HootSuite.
 
Công ty Trách nhiệm hữu hạn W&S (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường trực tuyến, phân tích CGM, web marketing và tạo website) năm 2018 đã tổ chức cuộc khảo sát trực tuyến 810 người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam trong vòng 3 tháng.
 
Kết quả như sau: Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, mức độ nhận biết thương hiệu tuyệt đối 100%, cứ 100 người dùng mạng xã hội, có đến 99 người đăng ký tài khoản Facebook.
 
Zalo - mạng xã hội nội địa Việt Nam ra đời vào năm 2012. Năm 2018, Zalo Group công bố có 80 triệu người dùng Zaslo.
 
Dựa trên kết quả khảo sát của Vinaresearch, Zalo có mức độ nhận biết đứng thứ hai (94,3%) ngang bằng với Youtube và chỉ sau Facebook. Trung bình cứ 100 người, có khoảng 87 người có tài khoản Zalo.
 
Instagram - mạng xã hội chia sẻ hình ảnh có tỷ lệ người dùng là nữ nhiều gấp 1,6 lần so với nam (44,2% và 27,4%) trong khi hầu hết ở các mạng xã hội khác sự chênh lệch tỷ lệ này là không lớn.
 
Trung bình một ngày người Việt Nam dành 2,12 giờ để truy cập mạng xã hội, riêng đối với Facebook thời gian truy cập trung bình là nhiều nhất (3,55 giờ).
 
Người dùng có nhiều lý do để truy cập mạng xã hội. Trong đó, mục đích chính là kết nối, liên lạc (26,8%). Khi truy cập mạng xã hội, người dùng quan tâm nhiều nhất đến việc cập nhật tin tức 71,7% ở cả nam và nữ.
 
Riêng với nội dung chia sẻ, tâm sự, nữ chiếm 67,2% và nam chiếm 55,3%, còn quảng cáo/bán hàng thì nữ - 41,6% và nam - 29,5%.
 
Trong tháng Chín vừa qua đã xuất hiện thêm một mạng xã hội do chính người Việt tạo lập và dành cho người Việt - mạng Lotus của Công ty Cổ phần VCCorp với mục tiêu sẽ có 4 triệu người dùng thường xuyên.
 
Tốt hay xấu - do người dùng và nhà quản lý
 
Mạng xã hội hiện nay có quyền năng rất lớn và chúng ta không thể cản được xu thế này dù là bằng các biện pháp duy ý chí hay kỹ thuật, công nghệ.
 
Vấn đề đáng quan tâm là quyền năng của mạng xã hội được sử dụng như thế nào, làm cách nào để hướng quyền năng đó vào dòng chảy phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, xã hội.
 
Trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/ 2019), ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nêu rõ: “Truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội liên tục được nâng đỡ, hỗ trợ bởi những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội…
 
Sự tiếp cận đến từng cá nhân người dùng với tốc độ nhanh tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ, thông tin, tri thức; phục vụ các nhu cầu đa dạng của cộng đồng như kết bạn, giải trí, kinh doanh, bày tỏ quan điểm, phản biện xã hội, lan tỏa những điều tốt đẹp…
 
Đồng thời, cũng từ các nền tảng truyền thông xã hội bộc lộ những tác động tiêu cực, ẩn chứa những nguy cơ phức tạp, khó lường, thậm chí có khả năng gây chia rẽ sâu sắc, kích động hận thù trong các cộng đồng xã hội, nhất là ở các quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo.”
 
Theo Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), chân dung những “cư dân mạng xấu xí” tại Việt Nam được bộc lộ qua hành vi nói xấu, phỉ báng (chiếm 61,7%), vu khống, bịa đặt (46,6%), kỳ thị dân tộc, tầng lớp xã hội (37,01%), kỳ thị giới tính (29,03%), kỳ thị khuyết tật (21,76%), kỳ thị tôn giáo (15,09%)…
 
Để từng bước thu hẹp lãnh địa của “cư dân mạng xấu xí,” chúng ta phải tạo ra sự thay đổi ngay trong cộng đồng người dùng mạng. Người dùng mạng, nhất là lớp trẻ, cần hiểu được cơ chế tác động lên đám đông của thông tin nói chung (và trên Internet nói riêng).
 
Nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng người Pháp Gustave Le Bon (7/5/1841-13/12 /1931) phân tích rằng, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông là có bao nhiêu người giữ ý kiến đó, chứ không phải bản thân ý kiến đó như thế nào.
 
Đám đông rất dễ bị tác động, dễ thay đổi. Đám đông có đặc tính thái quá, phiến diện, cảm tính…
Biểu tượng Facebook, Instagram, Whatsapp trên một màn hình điện thoại. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng Facebook, Instagram, Whatsapp trên một màn hình điện thoại. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một khi thông tin sai lệch vượt tầm kiểm soát kích thích đám đông đánh mất sự kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, dễ xảy ra bạo loạn.
 
Từ sự nhận thức này, người dùng mạng sẽ có ý thức trách nhiệm hơn đối với thông tin mà mình đưa ra, chia sẻ, bình luận, biểu lộ cảm xúc… Điều cũng rất quan trọng là người dùng mạng phải được trang bị sự hiểu biết nhất định về các lĩnh vực chính trị-xã hội-pháp luật-văn hóa mới có đủ trình độ thẩm định, sàng lọc thông tin, giữ được thái độ văn minh trong sự tương tác (tranh luận, phản biện) trên mạng xã hội.
 
Từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, vấn đề đặt ra là có thái độ khách quan, nhìn nhận đúng mức mặt tích cực của mạng xã hội, trong đó có việc thu hẹp khoảng cách giữa Nhà nước với người dân thông qua sự trao đổi thông tin trực tuyến.
 
Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng không được lơ là vì mạng xã hội đang là công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng và phá hoại về mặt tư tưởng.
 
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, các nhà quản lý cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đúng, đầy đủ quan điểm không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,… chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ.
 
Để thông tin trên mạng xã hội không lấn át thông tin báo chí, hai biện pháp sẽ được triển khai đồng bộ.
 
Một mặt, các cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội.
 
Mặt khác, khẩn trương thể chế hóa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực tiễn; tích cực xây dựng khung khổ pháp luật khoa học, tiến bộ để truyền thông xã hội hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng hướng.
 
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải yêu cầu các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, khai thác dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp toàn cầu, có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam; đồng thời khuyến khích mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước phát triển, khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước xây dựng mạng xã hội nội bộ.
 
Việc phát triển phần mềm giám sát thông tin trên mạng xã hội là một biện pháp công nghệ mà Việt Nam cần hướng tới và đây cũng là cách mà các nước phát triển đang nghiên cứu, ứng dụng.
 
Cuối cùng, việc áp dụng trên thực tế Luật An ninh mạng phải đủ sức răn đe đối với các đối tượng cố tình lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ, xuyên tạc, kích động…, điều mà các cơ quan chức năng đã tích cực thực hiện trong những ngày vừa qua./.
 
Theo Trần Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)