icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chỉ thị của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình

  • 08:21 | Thứ Hai, 21/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Ngày 17-10-2019, đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình, nội dung cụ thể như sau:

Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành và UBND các cấp đã tích cực triển khai nhiệm vụ xây dựng

Chính quyền điện tử, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đến các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; Cổng dịch vụ công và một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 bước đầu đã được triển khai phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; Hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử, Hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội, Hệ thống báo cáo trực tuyến, Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đã và đang được đầu tư, nâng cấp; nhiều kế hoạch, dự án, đề án về Chính quyền điện tử đã và đang triển khai. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh nhìn chung vẫn còn chậm so với lộ trình đặt ra, nhiều hệ thống thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao; chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp.

Để đẩy nhanh lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện

a) Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động số 411/KH-UBND, ngày 29-3-2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chỉnh phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai, hoàn thiện và khai thác, sử dụng có hiệu quả, đúng tiến độ các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh đã và đang được triển khai xây dựng, gồm: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với triển khai xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; Hệ thống thông tin báo cáo theo Nghị định số 09/2019/NĐ-CP; Hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử; Hệ thống Thư điện tử công vụ; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; Phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và đánh giá kết quả làm việc. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành, địa phương.

c) Kiện toàn Tổ triển khai xây dựng Chính quyền điện tử do người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương làm Tổ trưởng; ưu tiên bố trí nguồn nhân lực và kinh phí cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, tạo lập dữ liệu, chuyển đổi số, đầu tư trang thiết bị, đảm bảo an toàn thông tin tại cơ quan, đơn vị.

d) Định kỳ trước ngày 20 tháng cuối quý, báo cáo tình hình thực hiện và phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, trình UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ theo quy định tại Khoản 23, Mục V Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 7-3-2019 của Chính phủ.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đầu tư, nâng cấp và duy trì, quản lý các hệ thống thông tin dùng chung và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử. Trước mắt, từ năm 2019-2020 ưu tiên nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Hệ thống thông tin báo cáo theo Nghị định số 09/2019/NĐ-CP (trên cơ sở nâng cấp Hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội và Hệ thống báo cáo trực tuyến), Hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, Mạng diện rộng của tỉnh, Trung tâm dữ liệu điện tử và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh.

b) Đối với các hệ thống thông tin của tỉnh đang triển khai xây dựng hoặc nâng cấp, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể về triển khai, vận hành chạy thử và đưa vào khai thác sử dụng tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

c) Chủ động làm việc với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh thực hiện đồng bộ hóa các hệ thống thông tin trong quá trình triển khai xây dựng Chính quyền điện tử giữa cơ quan Đảng và Nhà nước, đảm bảo tính thống nhất, tiết kiệm, hiệu quả.

d) Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tổ chức, triển khai các dịch vụ đô thị thông minh như: Tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân, phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát thông tin báo chí, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, giám sát tàu cá, giám sát đảm bảo an toàn thông tin, dịch vụ thẻ điện tử...

đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực tham gia xây dựng Chính quyền điện tử.

e) Phối hợp với các cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công, thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế chi tiết đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin do Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư theo thẩm quyền quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019 và Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, ngày 5-9-2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

g) Tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.

h) Tham mưu tổ chức quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung và hạ tầng công nghệ thông tin Chính quyền điện tử của tỉnh đảm bảo an ninh, an toàn, hoạt động ổn định, liên tục, thông suốt, nhanh chóng, thuận lợi.

i) Tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử làm việc với các Bộ, ngành, Tập đoàn lớn về công nghệ thông tin để tranh thủ sự hỗ trợ về xây dựng Chính quyền điện tử; tham mưu tổ chức học tập kinh nghiệm tại một số địa phương đã triển khai xây dựng Chính quyền điện tử đạt kết quả tốt.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

a) Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp các hệ thống nền tảng Chính quyền điện tử, các hệ thống dùng chung của tỉnh và kinh phí duy trì, quản lý, vận hành Chính quyền điện tử Quảng Bình.

b) Hướng dẫn các cơ quan chuyên môn quản lý về đầu tư, thẩm định dự án thực hiện việc lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế chi tiết của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về công nghệ thông tin đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019 và Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.

4. Sở Nội vụ

a) Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

b) Tham mưu tổ chức rà soát, sắp xếp lại hệ thống, đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của tỉnh và vị trí việc làm về công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn trình độ, năng lực và chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức đảm nhận vị trí việc làm công nghệ thông tin, đảm bảo năng lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin để phổ biến cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết và tham gia hưởng hứng trong quá trình xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh.

6. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ tại Chỉ thị này, kịp thời báo cáo UBND tỉnh.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị này, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện.