icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Trồng thử nghiệm rau rừng ở xã Nghĩa Ninh

  • 08:40 | Thứ Tư, 07/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm góp phần phục hồi và phát triển nguồn rau tự nhiên có giá trị cao, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Công ty TNHH đầu tư và phát triển nông nghiệp Hải Anh đã thử nghiệm mô hình “Sản xuất rau đặc sản rừng” ở thôn Ba Đa, xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới). 
 
Cùng với sự phát triển của kinh tế, đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu thưởng thức các loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên ngày càng cao. Ngày nay, trong bữa cơm hàng ngày, con người không chỉ cần ăn ngon mà đòi hỏi phải được ăn sạch và được thưởng thức những loại thực phẩm độc, lạ. Bởi vậy mà nhiều loài rau rừng dân dã đã trở thành đặc sản, được săn lùng với giá thị trường rất cao.
 
Tuy nhiên, với tình hình khai thác trong tự nhiên như hiện nay thì nguồn cung cấp rau rừng chưa thể đáp ứng được nhu cầu; việc khai thác tận thu khiến các loài rau đặc sản rừng đứng trước nguy cơ cạn kiệt và không còn nguồn để tái sinh. Xuất phát từ thực tiễn đó, từ tháng 6-2018, Công ty TNHH đầu tư và phát triển nông nghiệp Hải Anh đã xây dựng mô hình “Sản xuất rau đặc sản rừng” với 2 loại rau chủ yếu là rau dớn và rau trơng. Mục tiêu của mô hình là xây dựng và chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rau dớn, rau trơng; đồng thời phát triển 2 loài rau này theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân tại vùng đồi núi.
 
Mô hình trồng cây rau dớn ở thôn Ba Đa, xã Nghĩa Ninh đang được theo dõi để có kết quả chính xác hơn.
Mô hình trồng cây rau dớn ở thôn Ba Đa, xã Nghĩa Ninh đang được theo dõi để có kết quả chính xác hơn.
 
Rau dớn là một loài thực vật hoang dại, có hình dáng gần giống cây dương xỉ, cây ưa ẩm, chịu được bóng; sống chủ yếu ở hồ, suối, vùng đất ẩm ven suối trong rừng. Rau ăn được từ giai đoạn cây non, cọng uốn cong như vòi voi đến khi lá bánh tẻ, mặt lá còn bóng, ít nhớt hơn cọng vòi. Rau đặc biệt mềm, ngọt và non hơn vào mùa mưa. Người dân hái càng nhiều càng kích thích sự phát triển, khiến cây ra nhiều cọng mới. Vào những ngày nắng nóng, thiếu độ ẩm, rau sẽ nhanh già, ăn cứng và chát hơn. Trong y học, rau dớn là loài rau giúp lợi tiểu, chống táo bón, chữa các bệnh cảm, ho, viêm họng, làm máu lưu thông, giải độc và giải nhiệt trong mùa nắng nóng, chất nhầy trong lá có tác dụng nhuận trường và làm dịu đau lưng…
 
Còn rau trơng là cây nhỏ leo, thân hơi đen, có gai, mọc thành bụi cao khoảng 1-2m, có nhiều nhánh màu đỏ nhạt, vươn dài có thể tới 10m, có gai ngắn, cong về phía dưới. Ngoài việc dùng để chế biến một số món ăn từ lá non, trong y học, rau trơng dùng để chữa trị bụng lạnh đau, nôn mửa đi tả, trị lãi đũa, trị thấp… Mô hình được thực hiện ở thôn Ba Đa, xã Nghĩa Ninh với quy mô 1.500m2.
 
Sau một thời gian thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình trồng và chăm sóc cây rau dớn và rau trơng, trong đó, thời vụ thích hợp nhất để trồng hai loại rau này là cuối tháng 9, đầu tháng 10. Tỷ lệ sống của rau dớn đạt 82%, rau trơng 84%. Sau khi trồng, khoảng 33 ngày là rau dớn hình thành chồi, còn rau trơng là 27 ngày. Thời gian thu hoạch của rau dớn là 24 ngày, rau trơng là 20 ngày. Năng suất thu được đối với rau dớn đạt 20.962 kg/ha, đạt 70% so với dự kiến ban đầu là do kích thước lá nhỏ hơn so với mọc trong môi trường tự nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Còn năng suất thu được của rau trơng đạt 17.362 kg/ha. Đánh giá về chất lượng, rau trơng và rau dớn khi mọc ngoài tự nhiên và trồng trong mô hình thử nghiệm thì các chỉ tiêu hàm lượng nước, hàm lượng protein, hàm lượng carbonhydrat… đều tương đương với nhau.
 
Mặc dù tỷ lệ sống của 2 loài rau này tương đối cao nhưng hiệu quả kinh tế của mô hình rau dớn còn thấp, chỉ đạt gần 3,4 triệu đồng/ha, trong lúc đó, mô hình rau trơng hiệu quả rất rõ rệt, đạt hơn 36 triệu đồng/ha. Với hiệu quả kinh tế của cây rau trơng mang lại, bước đầu, nhóm nghiên cứu đã chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc rau trơng cho 5 hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Ninh, mỗi hộ đã trồngđược 500m2, đang trong quá trình thu hoạch.
 
Anh Nguyễn Đức Thành, chủ nhiệm mô hình cho biết: "Nguyên nhân mô hình rau dớn hiệu quả kinh tế còn thấp là do năm nay nắng hạn kéo dài, loài rau này lại ưa ẩm nên lượng chồi non tương đối thấp. Mặt khác, đó chỉ mới là kết quả bước đầu của mô hình nên hiệu quả kinh tế cũng chưa thể tính toán được, nếu tiếp thực thực hiện và khai thác thì hiệu quả sẽ tăng dần từ năm thứ 2, do tiết kiệm được khoản chi phí đầu tư cho trồng ban đầu về giống và nhân công. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá để có kết quả chính xác hơn".
 
Việc trồng thử nghiệm 2 loại rau dớn và rau trơng không chỉ cung cấp nguồn rau sạch, chất lượng mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen cây bản địa không bị khai thác cạn kiệt. Cây rau rừng vốn dĩ rất khỏe, sức đề kháng mạnh, do đó việc chăm sóc không quá cầu kỳ và gần như không phải dùng các biện pháp phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Với kết quả này, hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng cho bà con và tiếp tục thử nghiệm thêm các loài mới.
 
Thanh Hoa