.

Bảo tồn và phát triển giống cam mật Hiền Ninh

.
08:39, Thứ Hai, 08/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Cam mật Hiền Ninh là giống cam nổi tiếng ở tỉnh ta, được trồng lâu đời tại thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh). Tuy nhiên, do được trồng lâu năm nhưng không được lựa chọn, phục tráng nên loài cây này đang có biểu hiện thoái hóa giống, nhiễm sâu bệnh nặng, nguy cơ suy thoái giống nếu không có những biện pháp bảo tồn hợp lý.
 
Hiện nay, việc sử dụng giống cây trồng mới, trong đó có nhiều giống nhập ngoại là xu hướng chung nhằm nâng cao năng suất và đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng giống mới tràn lan dẫn đến nhiều loại giống cây bản địa ngày càng bị mai một, thậm chí mất đi. Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát triển giống bản địa có nguồn gốc lâu đời và chất lượng là biện pháp cấp bách để bảo tồn nguồn gen quý hiếm, phục hồi giống.
 
Với nhiều ưu điểm như có vị ngọt đậm, ít hạt, nhiều nước…, cam mật Hiền Ninh từ lâu được xem như đặc sản quý của vùng, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác nên được người dân lưu giữ, trồng ra các vùng lân cận một số xã của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
 
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân địa phương, đến nay, các giống cây này đã có sự thoái hóa, phân ly dẫn đến năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh và có nguy cơ thoái hóa giống.
 
Nhằm khai thác, phát triển được nguồn gen cam mật Hiền Ninh có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (KN-KN) đã triển khai thực hiện đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen cam mật Hiền Ninh, tỉnh Quảng Bình”.
 
Đề tài kết thúc nghiên cứu trong năm 2016 và đã góp phần giúp người dân bảo tồn được nguồn gen quý của địa phương, nhân rộng mô hình tiến tới xây dựng cây đặc sản ở địa phương.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cam mật cho bà con nông dân xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cam mật cho bà con nông dân xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tình, Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi đã đi khảo sát ở một số địa phương, thấy phần lớn cam mật Hiền Ninh đã già cỗi, sâu bệnh, chất lượng, năng suất quả giảm.
 
Sau khi khảo sát, chúng tôi chọn được 8 cây đầu dòng cam mật, tất cả các cây đầu dòng đều có khả năng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và ổn định qua các năm. Từ nguồn cây đầu dòng này, chúng tôi đã tạo ra được 16 cây S0 và xây dựng được vườn cây mẹ gồm 52 cây S1.
 
Đặc biệt, vườn cây mẹ có khả năng sinh trưởng tốt, có kết quả âm tính với 2 loại sâu bệnh nguy hiểm là Greening và Tristeza. Từ vườn cây mẹ sạch, chúng tôi đã nhân giống được 2.000 cây S2 phục vụ cho công tác mở rộng diện tích cây cam mật trên địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy".
 
Trong quá trình nghiên cứu, giống cam mật ghép trên các loại gốc ghép như bưởi chua, cam voi, chanh… đều có khả năng sinh trưởng tốt trong giai đoạn vườn ươm. Cây cam mật ghép vào vụ hè-thu có tỷ lệ bật mầm, khả năng sinh trưởng, tỷ lệ xuất vườn đều đạt cao hơn vụ đông, phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ sinh trưởng đồng đều hơn phương pháp ghép nối ngọn.
 
Sau khi trồng thử nghiệm, áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật cùng với việc hướng dẫn bà con sử dụng phân bón đúng cách, kết quả cho thấy, giống cam mật Hiền Ninh có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất gò đồi huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Cây trong các mô hình sinh trưởng khỏe, không có dấu hiệu của sâu bệnh hại nguy hiểm, năng suất đạt cao hơn vườn cây đối chứng 40%.
 
Trường Thủy (Lệ Thủy) là địa phương được hỗ trợ giống cam mật để nhân rộng. Chị Nguyễn Thị Hoài Thương, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện nay, toàn xã đã nhân rộng được hơn 3ha cam mật Hiền Ninh. Loại cam này rất thích hợp với thổ nhưỡng xã Trường Thủy nên cây đang sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Ngoài giống cam mật Hiền Ninh, để tạo điều kiện giúp nông dân Trường Thủy tiếp cận kỹ thuật, tìm nguồn cây giống chất lượng, năm 2018 Trung tâm KN-KN tỉnh cũng đã hỗ trợ thêm 3ha giống cam Khe Mây và cam Xã Đoài, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy hỗ trợ 1,2ha giống cam Vũ Quang để trồng thử nghiệm, đến nay, toàn xã có hơn 15ha cây cam các loại.
 
Tại xã Trường Xuân (Quảng Ninh), Trung tâm KN-KN tỉnh cũng đã hỗ trợ 3 hộ dân trồng thử nghiệm 360 cây cam mật Hiền Ninh. Đến nay, cây đã ra quả bói và phát triển tốt. Thời gian tới, nếu hiệu quả cao, chính quyền địa phương sẽ khuyến khích bà con nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập cho bà con nơi đây.
 
Việc khôi phục và phát triển giống cam mật Hiền Ninh là việc làm rất có ý nghĩa không chỉ đối với người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát triển giống cây ăn quả bản địa. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả, việc tiếp tục theo dõi, tuyển chọn cần được tiến hành thường xuyên, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm để bảo đảm quyền lợi cho người dân phát triển loại cây ăn quả này.
 
Thanh Hoa
,