.

"Hai lúa" Lệ Thủy

.
16:02, Thứ Bảy, 09/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Từ nhiều năm nay, sáng chế không còn là sản phẩm độc quyền của các nhà khoa học được đào tạo bài bản. Xuất phát từ những khó khăn phải giải quyết trong cuộc sống, nhiều “hai lúa” chân lấm tay bùn đã trở thành những nhà sáng chế tài ba, sáng chế để phục vụ cho chính họ và bà con nông dân.
 
Anh Đặng Văn Lâm và sáng chế máy sấy trục đứng.	Tải
Anh Đặng Văn Lâm và sáng chế máy sấy trục đứng.

Nói đến nhà sáng chế “hai lúa” Lệ Thủy, không ai không biết anh Đặng Văn Lâm, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, người đã có nhiều sáng chế giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của người lao động nơi đây.

Nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất do anh tự mày mò sáng chế có tính ứng dụng cao, góp phần giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 
Các sản phẩm phải kể đến, như: xe xúc lật 180 độ, máy trộn tự hành, máy thái lát đa năng, xe tuần đường sắt, máy bắt chuột trong hang…
 
Gần đây, sản phẩm anh tâm đắc nhất là sáng chế máy sấy trục đứng. Đây là sản phẩm được nhiều người tin dùng và mang tính ứng dụng cao.
 
Nói về ý tưởng để tạo ra chiếc máy sấy trục đứng này, anh Đặng Văn Lâm cho biết: "Trước đây, tôi đã sáng chế ra máy sấy trục ngang dùng để sấy tinh bột nghệ, khoai, sắn… nhưng máy còn có những hạn chế nhất định, như: sản phẩm sấy có độ khô chưa đều, phải mở cửa nhiều lần để đảo vật sấy nên bị tiêu hao lượng nhiệt đáng kể, thời gian sấy tương đối kéo dài, tiêu tốn nhiều điện năng… Từ những hạn chế nói trên, tôi đã mày mò sáng chế máy sấy trục đứng, các sản phẩm đưa vào sấy hiệu quả gấp nhiều lần máy sấy trục ngang".
 
Máy sấy trục đứng do anh Lâm sáng chế được dùng điện thắp bóng tạo sức nóng để sấy. Sản phẩm cần sấy được bỏ vào giá quay tròn đều trên mâm trục đứng, không cần đảo nhưng sản phẩm vẫn khô đều, thời gian sấy ngắn hơn máy sấy trục ngang rất nhiều.
 
Đặc biệt, máy sấy trục đứng tăng cường độ sấy lên đến 180 độ và giảm xuống 45 độ nhờ vào hệ thống rơ-le nhiệt và hệ thống bóng đèn thắp sáng, đây là một chỉ số quan trọng của máy sấy.
 
Máy có thể sấy tất cả các loại nông sản của địa phương, đặc biệt có cả nấm tràm. Đây là loại nấm mọc tự nhiên, mỗi năm có 2 đến 3 vụ, sản lượng nhiều nhưng thời gian thu hái ngắn, chỉ trời mưa mới có nấm tràm và nấm lại rất nhanh hỏng nên khâu bảo quản vô cùng khó khăn. Để bảo quản nấm, nhiều người đã phơi nắng, sấy bằng than củi, luộc để ngăn đá… nhưng hiệu quả không cao. Sử dụng máy sấy trục đứng đã đem lại hiệu quả cao trong quá trình sấy nấm tràm ở địa phương.
 
Ông Mai Văn Châu, thôn Trạng Cau, xã Văn Thủy, Lệ Thủy, người đầu tiên sử dụng thiết bị này cho biết: "Máy sấy trục đứng của anh Lâm là một sáng chế tuyệt vời. Tôi có thể bảo quản được các nông sản của nông dân làm ra, trong đó có nấm tràm. Máy có nhiều ưu việt hơn các máy sấy khác ở cơ chế tự đảo, tự điều chỉnh được nhiệt độ tùy mặt hàng sấy nên tôi thấy rất hữu ích".
 
Từ khi có máy sấy, ông đã thành lập được cơ sở chế biến nấm Hồng Liên, chuyên cung cấp các loại nấm sấy khô, như: nấm tràm, nấm mối, nấm bào ngư, nấm linh chi… Cứ 100kg nấm tràm tươi sau khi sấy cho về khoảng 6kg nấm khô, nấm vẫn giữ nguyên được hương vị ban đầu. Mỗi ngày, máy có thể cho ra thành phẩm từ 17 đến 18 kg nấm tràm khô.
 
Hiện nấm tràm khô của ông đang được nhiều người ưa chuộng, sản phẩm không chỉ xuất bán trong nước mà còn được gửi cho con em quê hương Quảng Bình đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài.
 
Với những sáng chế thiết thực của mình, anh Lâm từng được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Đặc biệt, các sáng chế của anh nhiều lần đạt giải cao tại các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và Hội thi Kỹ thuật nhà nông tỉnh.
Máy nuỗi cắt sắt định vị hiện đang được nhiều nhóm thợ sử dụng trong xây dựng công trình.
Máy nuỗi cắt sắt định vị hiện đang được nhiều nhóm thợ sử dụng trong xây dựng công trình.
Hiện nay, trên các công trình xây dựng, máy dùng để nuỗi sắt thành sợi thẳng đã được sử dụng rất nhiều, tuy nhiên, khi vận hành còn có nhiều bất cập, như: cần cần đến 2 nhân công vận hành (người cầm kéo cắt, người đo kích thước để cắt); sản phẩm tạo ra không đồng đều nên dẫn đến tiêu tốn vật liệu cho chủ đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng và chi phí thi công công trình.
 
Để khắc phục được điểm yếu của thiết bị này, nhóm sáng chế nhà nông do anh Võ Văn Cường, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy làm chủ nhiệm đã sáng chế máy nuỗi cắt sắt định vị. Đó là sáng chế có tính ứng dụng cao và đã đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ VII (2016-2017).
 
Anh Võ Văn Cường, chủ nhiệm nhóm sáng chế cho biết, các sợi sắt thành phẩm đều cho kích cỡ hoàn toàn giống nhau, sai số rất thấp, năng suất cao. Đặc biệt, máy chiếm không gian hoạt động rất nhỏ nên có thể sử dụng được mọi lúc, mọi nơi và chỉ cần một người vận hành máy Với những lợi ích vượt trội, giá thành tương đối rẻ, máy đã được nhiều đội xây dựng trên địa bàn đặt mua và sử dụng.
 
Những sáng chế kể trên đã được công nhận và được sử dụng rộng rãi tại các địa phương trong tỉnh, đem lại tiện ích và hiệu quả cho người sử dụng. Say mê sáng tạo là thế nhưng những nông dân “hai lúa” vẫn gặp phải không ít khó khăn.
 
Để có được sáng chế, họ phải tự mày mò mà không có sự hỗ trợ của các nhà khoa học chuyên ngành, không được cung cấp tài liệu kỹ thuật và tự mình hoàn thiện bản vẽ kỹ thuật. Vật tư và tiền vốn ban đầu đều do họ tự bỏ ra, chưa kể đến công sức lao động của chính mình. Nếu thành công, sản phẩm bán được, các anh còn có nguồn thu bù đắp, nhưng nếu thất bại thì mất trắng.
 
Mặt khác, chặng đường đi từ sáng kiến kỹ thuật đến áp dụng đại trà vào thực tiễn, được cấp bằng sáng chế cũng còn quá xa xôi. Để được nhận bằng sáng chế, cần phải hoàn tất bao gồm cả hồ sơ và thử nghiệm thiết bị công nghệ theo quy định, đây là việc “nan giải” hơn cả phát minh đối với nhà sáng chế. Việc áp dụng sáng chế đại trà không chỉ phụ thuộc vào tính năng hữu ích của sản phẩm để thuyết phục người dùng mà còn phụ thuộc vào nguồn vốn, cấp phép của cơ quan chức năng…
 
Mong muốn của các nhà sáng chế “hai lúa” hiện nay là được tạo điều kiện thuận lợi để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học; vay vốn, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm đại trà…
 
Đồng thời, các nông dân cần được động viên khen ngợi thỏa đáng để ngày càng có nhiều hơn những sáng chế góp phần quan trọng giải phóng sức lao động cho người nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp của nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng.
 
Thanh Hoa
,