.

VQG Phong Nha-Kẻ Bàng: Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững hệ sinh thái

.
08:09, Thứ Ba, 11/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một trong những vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất ở Việt Nam, nhưng VQG Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa, như: săn bẫy động vật hoang dã (ĐVHD), khai thác gỗ trái phép, xâm lấn đất rừng… Do đó, Ban quản lý VQG PN-KB luôn quan tâm chỉ đạo triển khai công tác bảo tồn ĐDSH, xem đây là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng và được thực hiện thường xuyên.

Đa dạng sinh học nổi bật

VQG PN-KB có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,57% diện tích, trong đó, 83,74% diện tích VQG là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động.

Công tác chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (ảnh VQG PN-KB cung cấp).
Công tác chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (ảnh VQG PN-KB cung cấp).

Nhờ đó, PN-KB có hệ sinh thái động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, đặc biệt có những loài quý hiếm, giá trị vượt bậc. Dưới tán rừng xanh đại ngàn của VQG PN-KB ghi nhận sự có mặt của 1.394 loài động vật.

Trong đó, có 110 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 83 loài có trong Sách đỏ Việt Nam. PN-KB cũng được thiên nhiên ưu ái một hệ thực vật phong phú với sự có mặt của 2.951 loài. Trong đó, có 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 112 loài trong Sách đỏ Việt Nam.

Ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (thuộc Ban quản lý VQG PN-KB), cho biết, ngoài những loài động, thực vật đã được ghi nhận có mặt ở VQG PN-KB, trong 20 năm qua, 42 loài mới đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới.

Đặc biệt, việc ghi nhận mẫu chuột đá Trường Sơn, một đại diện sống duy nhất của họ thú cổ đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm, là minh chứng quan trọng về ĐDSH của VQG PN-KB. Quần thể bách xanh đá mọc ưu thế trên núi đá vôi ở độ cao trên 700m được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn. Đây là loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam, chỉ còn sót lại chủ yếu ở VQG PN-KB.

Với những giá trị nổi bật về tiến trình phát triển các hệ sinh thái và ĐDSH, năm 2015, VQG PN-KB được ghi danh lần thứ 2 vào danh sách Di sản thế giới với 2 tiêu chí mới: “Có giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hoá và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn”, “sở hữu môi trường tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn ĐDSH”.

Tăng cường giải pháp bảo tồn

Với mục tiêu bảo tồn các quá trình sinh thái và hệ động, thực vật bị đe dọa toàn cầu của Di sản, Ban quản lý VQG PN-KB đã triển khai các chương trình bảo tồn giá trị di sản, ĐDSH trên tất cả các mặt.

Hàng năm, Ban quản lý Vườn xây dựng các chương trình hành động: bảo vệ ĐVHD; bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn ĐDSH… để đáp ứng yêu cầu công tác bảo tồn di sản theo tình hình thực tế. Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật và nhận thức liên quan đến bảo tồn ĐDSH được Ban quản lý Vườn chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức, như: lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn, bản; duy trì hoạt động các CLB bảo tồn ở cơ sở…

Nhờ đó, nhận thức về bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của người dân được nâng cao. Một số người dân đã có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc giao nộp các cá thể ĐVHD để cứu hộ, góp phần bảo tồn các loài ĐVHD của VQG PN-KB. Đây cũng là yếu tố góp phần thực hiện hiệu quả công tác phát triển sinh vật, chăm sóc và cứu hộ ĐVHD.

Từ năm 2013 đến nay, Vườn đã cứu hộ 598 cá thể, chuyển thả về môi trường tự nhiên 337 cá thể, tỷ lệ cứu hộ thành công đạt trên 92%, trong đó, có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm, như: tê tê, vượn siki, voọc Hà Tĩnh, chà vá chân nâu, khỉ vàng, trăn…

Công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại đến ĐDSH được thực hiện quyết liệt, giúp ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa các mối đe dọa khác đến ĐDSH của Vườn.

Một số loài động vật quý hiếm ở VQG PN-KB (ảnh VQG PN-KB cung cấp).
Một số loài động vật quý hiếm ở VQG PN-KB (ảnh VQG PN-KB cung cấp).

Ban quản lý Vườn đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, vận chuyển lâm sản trái phép… với lực lượng kiểm lâm, biên phòng, công an, lâm nghiệp…; ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo vệ rừng VQG với các hộ kinh doanh, buôn bán thuộc 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch… Ngoài ra, Ban quản lý Vườn còn ký kết trong bảo tồn ĐDSH với khu bảo tồn ĐDSH Hin Nậm Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào).      

Sự hỗ trợ của các dự án KFW, dự án rừng đặc dụng Phong Nha đã huy động được sự tham gia bảo tồn của 400 cộng tác viên, thuộc 28 tổ bảo vệ rừng và 21 nhóm bảo tồn thôn bản của 9 xã vùng đệm.

Trong đó, mô hình nhóm bảo tồn thôn bản là một trong những cách thức để bảo đảm về cơ chế huy động sự tham gia trực tiếp của cộng động trong bảo tồn ĐDSH. Theo các chuyên gia quốc tế, đây là mô thức áp dụng đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý VQG PN-KB, cho biết, với những nỗ lực trong công tác bảo tồn ĐDSH thời gian qua, có thể thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã từng bước được cải thiện, có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng vi phạm lâm luật giảm so với trước.

Đặc biệt, độ che phủ rừng, các quần thể ĐVHD được phục hồi và tăng số lượng, khả năng bắt gặp ngoài tự nhiên cao… Thời gian tới, Ban quản lý Vườn sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo tồn ĐDSH một cách linh hoạt, hiệu quả.  

Lê Mai
 

,