.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý thông tin học sinh

.
15:16, Thứ Ba, 06/03/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Qua các buổi hội thảo, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ, đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý công tác tuyển sinh, xét tốt nghiệp và tổ chức các kỳ thi từ mầm non đến phổ thông tại tỉnh Quảng Bình” đã được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đánh giá cao về tính thực tiễn, chất lượng hệ thống và lợi ích mà đề tài mang lại. Hiện đề tài đang xem xét ứng dụng vào thực tế của ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh ta.
 
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT), việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực này vào công tác quản lý hành chính nhà nước đã đem lại nhiều thành công và hiệu quả to lớn. Trong lĩnh vực giáo dục, CNTT là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục hiện nay.
 
Trong ngành Giáo dục, việc quản lý thông tin học sinh là việc làm rất cần thiết. Hệ thống hồ sơ thông tin học sinh được lập qua các thời kỳ và được lưu giữ ở các cấp khác nhau. Tuy nhiên, việc quản lý, cấp phát, tra cứu thông tin học sinh chưa được đổi mới, thực hiện chủ yếu bằng tay hoặc nếu có sử dụng phần mềm thì phần mềm còn đơn lẻ, chưa thống nhất nên gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian cho công tác tìm kiếm, thống kê, báo cáo, tra cứu thông tin học sinh. Từ thực tế đó, việc nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý công tác tuyển sinh, xét tốt nghiệp và tổ chức các kỳ thi từ mầm non đến phổ thông tại tỉnh ta là rất cần thiết.
 
Đề tài nghiên cứu do Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu, chương trình hỗ trợ nhập, cập nhật, lưu trữ, xử lý, trích xuất dữ liệu học sinh trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đem lại hiệu quả cao cho các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý trong công tác tuyển sinh, xét tốt nghiệp và tổ chức các kỳ thi từ tiểu học đến phổ thông trong toàn tỉnh.
 Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần quản lý thông tin học sinh một cách dễ dàng, thuận tiện hơn.
Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần quản lý thông tin học sinh một cách dễ dàng, thuận tiện hơn.
Phần mềm quản lý thông tin học sinh được xây dựng và phát triển bằng ngôn ngữ lập trình C# và quản lý cơ sở dữ liệu bằng MS SQL 2005. Phần mềm có thể chạy trên Window 2000, XP, Win7... Phần mềm có các chức năng gồm: chức năng quản trị và phân quyền người dùng; chức năng quản lý học sinh gồm: quản lý hồ sơ học sinh, chuyển lớp, chuyển trường, nghỉ học, đình chỉ, tạm thôi học và bảo lưu, học sinh học lại; chức năng quản lý năm học như phân lớp đầu khóa, tiếp nhận học sinh đầu cấp, chuyển lớp, chuyển trường, xét tốt nghiệp; chức năng báo cáo thống kê: danh sách học sinh toàn trường, học sinh theo khối, theo lớp...
 
Đề tài đã xây dựng trang thông tin điện tử quản lý thông tin học sinh, bảo đảm được xây dựng trên kiến trúc mở, cho phép điều chỉnh, triển khai các ứng dụng mới khi cần, trang thông tin điện tử được công khai trên mạng internet nên có thể truy cập từ các máy trạm có kết nối internet. Ngoài ra, trang có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, có thể truy cập trên cả smartphone, máy tính bảng....
 
Khi được đưa vào ứng dụng thực tiễn, đề tài sẽ góp phần nâng cao năng lực ứng dụng CNTT đối với cán bộ công chức, giúp các đơn vị tiết kiệm nhân lực, thời gian và kinh phí trong công tác quản lý hồ sơ học sinh, giúp tra cứu thông tin học sinh một cách nhanh chóng và tiện lợi. Mặc dù thời gian phần mềm chạy thử nghiệm chưa lâu nhưng kết quả sử dụng bảo đảm tính chính xác, giao diện thân thiện và dễ sử dụng. Cơ sở dữ liệu hoạt động ổn định, truy xuất dữ liệu tốt và đáp ứng tốt yêu cầu của đề tài, như: lưu giữ, tra cứu thông tin chính xác, có cơ chế sao lưu bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu. Sau khi được đưa vào sử dụng, phần mềm sẽ cung cấp kho dữ liệu lớn về thông tin học sinh, giúp quản lý dễ dàng và thuận tiện.
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm đề tài cho biết, để hệ thống phần mềm triển khai có hiệu quả, những người thực hiện mong muốn UBND tỉnh cho triển khai áp dụng tại các cơ quan liên quan đến công tác sử dụng thông tin học sinh trong tỉnh sau khi đề tài được nghiên cứu được nghiệm thu. Sở Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ, giáo viên trong ngành nhằm sử dụng tốt kết quả của đề tài. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá trang thông tin điện tử quản lý học sinh để các cán bộ, đơn vị liên quan biết và tra cứu...
 
T. Hoa
,