.

Mới cứu thế giới khỏi WannaCry lại bị bắt vì... tạo mã độc

Thứ Sáu, 04/08/2017, 17:20 [GMT+7]

Marcus Hutchins, người từng được vinh danh đã ngăn chặn mã độc tống tiền WannaCry hồi tháng 5, vừa bị bắt tại Mỹ với cáo buộc tạo mã độc tấn công các ngân hàng châu Âu.

 Marcus Hutchins từng được xem là người hùng - Ảnh chụp màn hình
Marcus Hutchins từng được xem là người hùng - Ảnh chụp màn hình

Đó là thế giới hai mặt của tin tặc mũ trắng/ mũ đen. Anh Hutchins, 23 tuổi, bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ tại Las Vegas ngày 2-8 khi đang tham dự một sự kiện dành riêng cho giới bảo mật mạng. Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận thông tin trên.

Theo cáo trạng được nộp lên Tòa địa hạt liên bang Wisconsin, "người hùng" một thời chặn đứng WannaCry bị cáo buộc đã tạo ra mã độc "Kronos". Loại mã độc này khi xâm nhập máy tính của nạn nhân sẽ đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng.

Các hoạt động của Hutchins diễn ra trong khoảng thời gian 1 năm, từ tháng 7-2014 tới tháng 7-2015, hãng tin Reuters dẫn cáo trạng cho biết.

Tổng cộng, tin tặc này bị truy tố ở 6 điểm liên quan tới mã độc Kronos.

Hutchins đã xuất hiện trước tòa vào ngày 3-8 (giờ Mỹ). Luật sư biện hộ khẳng định thân chủ của ông từng hợp tác với chính phủ Mỹ trước khi bị truy tố. Dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục vào chiều ngày hôm nay (4-8) theo giờ Mỹ.

Đối với giới bảo mật mạng, Hutchins được xem là người hùng khi góp phần chặn đứng đà lây lan của mã độc tống tiền WannaCry trên toàn cầu hồi tháng 5 vừa qua.

Đại diện Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định vụ bắt giữ không liên quan tới loại mã độc này.

Hutchins bị bắt vì đã quảng bá, cung cấp và hưởng lợi từ việc cung cấp mã độc Kronos trên AlphaBay, một chợ đen ngầm vừa bị đánh sập hồi tháng rồi.

Một số chuyên gia máy tính và luật sư hoài nghi về các cáo buộc chống lại Hutchins. Họ cho rằng những điểm này chưa đủ để cấu thành tội. Họ cho rằng hành động của Hutchins là tạo ra mã độc chứ không phải tấn công máy tính của nạn nhân.

"Chính phủ cần chứng minh thêm các điểm khác để cấu thành tội phạm. Nếu chỉ đơn thuần là tạo ra và bán mã độc thôi là chưa đủ", giáo sư Orin Kerr, thuộc trường Luật của Đại học George Washington, nhận định với hãng tin Reuters.

Theo Bảo Duy (Tuổi trẻ)