.

Quần thể núi Thần Đinh: Giá trị linh thiêng cần được bảo tồn

Thứ Tư, 12/04/2017, 15:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 3 vừa qua, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu quần thể di tích khu vực núi Thần Đinh”, do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đây là công trình nghiên cứu chuyên sâu về quần thể núi Thần Đinh (xã Trường Xuân, Quảng Ninh) mà dân gian vẫn gọi nôm na là lèn Rào Đá hay núi Chùa Non, được các sách xưa ghi chép và lưu truyền: “Núi Thần Đinh chót vót, khí thế nuốt phăng bốn trăm châu”.

Theo Quyết định xếp hạng di tích của Ủy ban nhân dân tỉnh số 2541/QĐ-UB về việc xếp hạng Di tích danh thắng núi Thần Đinh ký ngày 18-8-2004, di tích danh thắng núi Thần Đinh bao hàm cả cảnh thiên nhiên núi Thần Đinh và di tích lịch sử văn hóa chùa Kim Phong - Thần Đinh.

Thực hiện từ tháng 10-2015, đề tài “Nghiên cứu quần thể di tích khu vực núi Thần Đinh” có mục đích nghiên cứu làm rõ nội dung và giá trị của quần thể di tích danh thắng và lịch sử - văn hóa của núi Thần Đinh và chùa cổ Kim Phong, làm cơ sở khoa học để ngành chức năng đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận di tích danh thắng và lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Từ đó, đề xuất những giải pháp phù hợp, có giá trị thực tiễn để tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích, góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Di sản Văn hóa. Đây cũng sẽ là cơ sở để biên soạn và xuất bản sách quảng bá quần thể di tích khu vực núi Thần Đinh đến với nhân dân và du khách, góp phần nối dài con đường du lịch di sản thiên nhiên và lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình trong chương trình kết nối du lịch di sản miền Trung và quốc gia.

Sau thời gian 18 tháng thực hiện, đề tài đã đi sâu nghiên cứu, giới thiệu địa danh Trường Xuân, di tích danh thắng khu vực Thần Đinh, chùa cổ Kim Phong - một địa chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh Phật giáo. Từ những nét phác họa ban đầu ấy, đề tài đã chuyên sâu phân tích những giá trị của tổ hợp quần thể di tích khu vực núi Thần Đinh, nhấn mạnh đến những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích linh thiêng này. Đây là lĩnh vực mới trên địa bàn được nghiên cứu một cách khách quan, khoa học, theo Luật Di sản quy định nhằm phản ánh đúng bản chất của sự vật, hiện tượng trong tiến trình lịch sử của quần thể cảnh quan danh thắng và di tích lịch sử văn hóa khu vực núi Thần Đinh. Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ sẽ cung cấp luận cứ khoa học về quần thể di tích khu vực núi Thần Đinh để từ đó đề xuất những khuyến nghị phục vụ những quyết sách phù hợp phát huy giá trị của tổ hợp di tích.

Mỗi dịp xuân đến, di tích núi Thần Đinh đón rất nhiều lượt khách tham quan.
Mỗi dịp xuân đến, di tích núi Thần Đinh đón rất nhiều lượt khách tham quan.

Nhóm thực hiện đề tài cũng khẳng định, khu vực núi Thần Đinh có quần thể di tích danh thắng và di tích lịch sử rất đa dạng, phong phú, với mật độ khá dày đặc, liên kết, liên thông với điểm trung tâm là núi Thần Đinh. Quần thể di tích có giá trị về vật chất, giá trị tinh thần và giá trị khoa học. Giá trị vật chất biểu hiện trong cảnh quan sinh thái và các di sản vật thể mang dấu ấn nhân tạo về lịch sử văn hóa. Giá trị tinh thần biểu hiện qua văn hóa tâm linh Phật giáo hòa quyện với tín ngưỡng dân gian, cùng sự tri ân các thế hệ tạo lập nên các di sản lịch sử - văn hóa qua các thời kỳ của đất nước trên địa bàn. Từ đó, du khách được thỏa mãn nhu cầu tinh thần - tâm linh, tri ân tiền nhân với ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Giá trị khoa học là sự gợi mở các đề tài nghiên cứu về môi trường sinh thái, cảnh quan, kiến tạo địa chất, địa tầng, địa mạo và môi sinh động thực vật qua các thời kỳ. Đây cũng là đề tài nghiên cứu về  lịch sử - văn hóa Phật giáo, dân tộc học và lịch sử của công cuộc dựng nước và giữ nước gắn với địa bàn.

Ngoài việc nghiên cứu các giá trị quý giá của núi Thần Đinh, đề tài “Nghiên cứu quần thể di tích khu vực núi Thần Đinh” còn đề xuất những giải pháp để bảo tồn, tôn tạo cảnh quan, sinh thái khu di tích danh thắng linh thiêng này. Đề tài nhấn mạnh, để cảnh quan thiên nhiên núi Thần Đinh thực sự là một danh thắng, cần quan tâm việc bảo tồn hệ sinh thái động - thực vật bản địa với nguồn gen quý hiếm; có biện pháp ngăn chặn việc đào phá các mầm đá, nhũ đá tự nhiên ở ba đỉnh trên núi và các nhũ đá trong động; với các hạng mục chùa núi, miếu, tháp mộ, tam quan, trụ biểu bị hoang phế mất dấu vết cấu trúc, khi tôn tạo cần nghiên cứu kỹ để vừa mang tính kế thừa truyền thống, vừa bảo đảm tính bền vững lâu dài, mỹ quan, mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc chùa miền Trung thời cận đại. Đồng thời, chính quyền và các ban, ngành các cấp cần có chính sách phát triển du lịch bền vững.

Suy cho cùng, mỗi di tích chỉ thực sự phát huy giá trị trong đời sống thực tiễn khi được bảo tồn, trân trọng và được “đánh thức” những tiềm năng vốn có của mình. Vì vậy, trong quá trình bảo tồn, giữ gìn di tích núi Thần Đinh, ngoài vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước, cần thiết phải có sự tham gia một cách tích cực và ý thức tôn trọng di tích của người dân. Bởi không ai có thể giữ gìn di tích tốt hơn, hiệu quả hơn chính chủ nhân của các loại hình di tích văn hóa, lịch sử ấy.

Ngọc Minh