.

Cho mùa vàng trĩu hạt

Thứ Bảy, 21/01/2017, 20:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau hơn 2 năm triển khai, tháng 12-2016, Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài KH và CN cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu, tuyển chọn giống lúa mới năng suất chất lượng cao, phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích sản xuất lúa tại Quảng Bình”, do Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình chủ trì thực hiện. Đề tài hứa hẹn sẽ tuyển chọn thêm những giống lúa mới, năng suất, hiệu quả cao để những mùa vàng thêm trĩu hạt.  

Anh Nguyễn Xuân Kỳ, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Trong những năm gần đây, chủ trương của ngành nông nghiệp Quảng Bình là chuyển giống lúa dài ngày qua sản xuất các giống trung và ngắn ngày có năng suất, chất lượng, vừa rút ngắn được thời gian sản xuất trên đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất, vừa là cách để tránh những tổn hại do sự khắc nghiệt của thời tiết. Từ thực tế đó, chúng tôi tiến hành đề tài này để tuyển chọn giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cho bà con nông nghiệp tỉnh nhà”.

Để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, sau khi đánh giá thực trạng giống lúa tại Quảng Bình, nhóm thực hiện đã tiến hành chọn lọc, làm thuần bằng phương pháp chọn cá thể để nhân giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng các giống mới. Nhóm cũng đã tập trung hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất các giống mới được chọn theo hướng tiết kiệm chi phí đầu vào, gồm: lượng giống gieo, lượng phân bón cho giống mới; khảo nghiệm VCU (Value of Cultivation and Use là quá trình đánh giá giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống cây trồng mới, như: năng suất, chất lượng...), DUS là quá trình đánh giá tính khác biệt (Distinctness), tính đồng nhất (Uniformity), tính ổn định (Stability) của giống cây trồng mới theo Quy phạm khảo nghiệm nhằm hoàn thiện các thủ tục để công nhận giống mới cho Quảng Bình và khu vực.

Kiểm tra mô hình giống lúa chất lượng cao SV181.
Kiểm tra mô hình giống lúa chất lượng cao SV181.

Kết quả khảo nghiệm VCU, DUS đã khẳng định được các giống lúa SV181, SV46, SVN1 và GL105 là các giống lúa mới có tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định, năng suất chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá, phù hợp với thực tế sản xuất, đủ điều kiện để công nhận giống mới cho sản xuất ở Quảng Bình và trên toàn quốc.

Theo anh Nguyễn Xuân Kỳ, giống lúa SV181, SV46 năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng (TGST) ngắn. Trong đó, giống SV181, vụ đông-xuân có TGST từ 105 - 110 ngày, vụ hè-thu có TGST từ 84 - 87 ngày. Giống SV46, vụ đông-xuân có TGST từ 110 - 115 ngày, vụ hè-thu có TGST từ 90 - 92 ngày phù hợp cho sản xuất cả 2 vụ đông-xuân và hè-thu. Đặc biệt, giống SV181 rất phù hợp cho sản xuất vụ hè-thu chạy lũ tại Quảng Bình. Đây là một trong những ưu điểm phù hợp với tình hình thời tiết nhiều bất thường tại tỉnh ta, từ đó, hạn chế được những thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân. “Đó là chưa kể đến việc giống lúa GL105 và SVN1 năng suất cao, sạch sâu bệnh, chất lượng khá, thời gian sinh trưởng trung ngày phù hợp cho sản xuất vụ đông-xuân, thay thế các giống lúa dài ngày XI23, X21, NX30, VN20”, anh Kỳ cho biết thêm.

Trên cơ sở thực hiện các thí nghiệm về lượng giống gieo và lượng phân bón, nhóm nghiên cứu đã xác định được công thức về lượng giống gieo và phân bón cho năng suất, chất lượng cao nhất đối với hai giống lúa vụ đông-xuân và hai giống lúa trong vụ hè-thu, đề xuất sử dụng giống lúa mới trong cơ cấu bộ giống lúa trên địa bàn tỉnh. Từ đó, cần căn cứ tình hình sản xuất, cơ cấu thời vụ và diễn biến thời tiết khí hậu của từng địa phương để bố trí thời vụ gieo sạ hợp lý. Theo đó, vụ đông-xuân áp dụng cho cả 4 giống lúa bắt đầu từ 20-1 đến 5-2. Riêng thời gian gieo sạ vụ hè-thu của ba giống lúa SV181, SV46, SVN1 phải tiến hành từ 10-5 đến 30-5. Nhóm thực hiện đề tài cũng nhấn mạnh đến một số lưu ý trong kỹ thuật ngâm ủ hạt và lượng giống gieo để cho hiệu quả tốt nhất. Trong đó, lượng giống gieo phải đạt 80 kg/ha để bảo đảm được năng suất, tiết kiệm được chi phí đầu tư hạt giống, hạn chế các đối tượng sâu bệnh hại và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất.  

Theo đánh giá của Hội đồng khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH và CN cấp tỉnh, đề tài “Nghiên cứu, tuyển chọn giống lúa mới năng suất chất lượng cao, phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích sản xuất lúa tại Quảng Bình” của Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình có tính ứng dụng thực tiễn cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở đề xuất sử dụng giống lúa mới trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế sản xuất lúa.

Ngọc Minh