"Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời"

  • 09:41 | Chủ Nhật, 29/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 có chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”, được tổ chức từ ngày 1-7/10; lễ phát động được tổ chức vào ngày 1/10.
 
Đưa chủ đề của tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực
Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030 tỉnh
 
Căn cứ vào chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” và điều kiện thực tế của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với hình thức, nội dung phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, huy động tối đa các nguồn lực tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập (XHHT).
 
Theo đó, lễ phát động tuần lễ cấp tỉnh được tổ chức tại huyện Lệ Thủy; các huyện, thị xã, thành phố tự lựa chọn địa điểm khai mạc. 
Thư viện Trường tiểu học Chu Văn An (TP. Đồng Hới) đầu tư hiện đại, đồng bộ, khuyến khích học sinh tích cực tiếp cận thường xuyên với sách.
Thư viện Trường tiểu học Chu Văn An (TP. Đồng Hới) đầu tư hiện đại, đồng bộ, khuyến khích học sinh tích cực tiếp cận thường xuyên với sách.
Các hoạt động của tuần lễ được các đơn vị, địa phương tổ chức thiết thực, hiệu quả và gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Cụ thể, tổ chức các hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; thành lập các câu lạc bộ đọc sách, báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận; tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách, báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách, báo.
 
Tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình; huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, tủ sách, sách cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng khó khăn; đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn... 
Thành đoàn Đồng Hới ra mắt tập sách “Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu nhi TP. Đồng Hới giai đoạn 1930-2020”, nâng cao hơn nữa việc đọc, tìm hiểu lịch sử của tuổi trẻ.
Thành đoàn Đồng Hới ra mắt tập sách “Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu nhi TP. Đồng Hới giai đoạn 1930-2020”, nâng cao hơn nữa việc đọc, tìm hiểu lịch sử của tuổi trẻ.
Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời-một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
 
Đồng thời, đẩy mạnh vai trò của hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến đọc đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên và người dân, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; đa dạng hóa các hình thức học tập (học theo lớp, học trong trường chính quy, học ở ngoài nhà trường, học qua mạng, từ xa, học qua đồng nghiệp,…); khuyến khích người dân chủ động học thường xuyên, liên tục và suốt đời, hướng tới xây dựng một XHHT, trong đó đọc sách là một hoạt động học phổ biến và có hiệu quả giúp mở rộng kiến thức, phát triển tư duy, cải thiện, phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp; tạo môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân, tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, đưa chủ đề của tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực.
Hương Trà (thực hiện)
 
Điểm sáng Khe Ngang
 
“Mặc dù là địa bàn miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân vẫn còn không ít khó khăn nhưng bản Khe Ngang, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) rất chú trọng đến phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, học tập suốt đời. Với nhiều thành tích nổi bật, Khe Ngang trở thành điểm sáng về xây dựng mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn huyện”, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quảng Ninh Lê Trọng Duận khẳng định. 
Một tiết học của học sinh Trường tiểu học và THCS Trường Xuân, điểm trường bản Khe Ngang.
Một tiết học của học sinh Trường tiểu học và THCS Trường Xuân, điểm trường bản Khe Ngang.
“Năm học 2023-2024, bản Khe Ngang có 37 học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, trong đó có 20 học sinh tiểu học và 17 học sinh THCS. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, bản có 4 em tốt nghiệp đại học, ra trường xin được việc làm ổn định với mức lương cao. Bản nhiều năm liền đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, được UBND huyện Quảng Ninh khen thưởng…”, anh Hồ Văn Nam, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học bản Khe Ngang chia sẻ. Theo anh Nam, phong trào học tập ở bản ngày càng phát triển đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo khu dân cư.
 
Bản hiện có 122 hộ dân với 459 nhân khẩu, trong đó 97 hộ thuộc đồng bào Bru-Vân Kiều. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với tương lai con em cũng như sự phát triển của địa phương, cấp ủy, chính quyền bản rất quan tâm, chú trọng xây dựng phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập. Hiệu quả của phong trào đã góp phần tích cực vào việc phát triển giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
 
Để phong trào đạt hiệu quả, hàng năm, Chi hội Khuyến học bản xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể; phân công hội viên tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình có con em trong độ tuổi đến trường bảo đảm điều kiện cho các em được đi học, đi học chuyên cần, không bỏ giữa chừng. Chi hội rà soát, nắm thông tin những gia đình khó khăn để kịp thời động viên, ưu tiên hỗ trợ cho con em họ khi có nguồn tài trợ; đồng thời vào các dịp Quốc tế Thiếu nhi hay Tết Nguyên đán, tổ chức khen thưởng, trao quà cho học sinh có thành tích học tập tốt để động viên, khích lệ các em cũng như lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài...
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình gia đình học tập, tiêu biểu như gia đình chị Hồ Thị Pan (có 3 con học đại học đã ra trường, 1 con học trung cấp), gia đình anh Hồ Văn Lai, Hồ Văn Nam, Nguyễn Xuân Việt…
 
“Vì ít học mà thế hệ cha ông đã khổ rồi nên bây giờ phải quan tâm, ưu tiên cho việc học hành của con em. Đây là nhiệm vụ hàng đầu, không thể lơ là”, Hồ Văn Nam nhấn mạnh.
Tâm An (thực hiện)
 
Khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng
Nguyễn Bá Tước, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh
 
Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã nỗ lực phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời cho người dân thông qua nhiều giải pháp sáng tạo và hiệu quả.
 
Thư viện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đọc; đồng thời, thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, tổ chức các chương trình tuyên truyền đa dạng, từ việc sử dụng báo chí, truyền hình đến mạng xã hội để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân. Bằng cách tiếp cận này, thư viện không chỉ nhắm đến đối tượng bạn đọc tại chỗ mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận đến bạn đọc ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
 
Nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam hàng năm, Thư viện tỉnh tổ chức chuỗi các hoạt động để khuyến khích sự tham gia của người dân; thu hút sự quan tâm của bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ. Những sự kiện này không chỉ giúp người dân tiếp cận với sách mà còn khơi dậy niềm yêu thích đọc sách và rèn luyện thói quen học tập suốt đời.
Các hoạt động tại thư viện góp phần khơi dậy niềm yêu thích đọc sách và rèn luyện thói quen học tập suốt đời.
Các hoạt động tại thư viện góp phần khơi dậy niềm yêu thích đọc sách và rèn luyện thói quen học tập suốt đời.
Một sáng kiến nổi bật khác của Thư viện tỉnh là dịch vụ thư viện lưu động mang sách đến các trường học và những vùng miền núi, biên giới xa xôi, nơi người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu. Sự hợp tác giữa thư viện với các trung tâm văn hóa xã và các thư viện tư nhân đã giúp mở rộng quy mô phục vụ, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận tri thức mà không gặp nhiều trở ngại về không gian.
 
Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn tích cực tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời, qua đó, giúp nâng cao ý thức tự học cho học sinh, sinh viên và người dân, góp phần hình thành thói quen học tập thường xuyên trong cộng đồng.
 
Thư viện tỉnh cũng rất chú trọng đến công tác xã hội hóa trong việc phát triển vốn tài liệu để bổ sung cho kho sách đơn vị và xây dựng các tủ sách tại cơ sở. Hiện, Thư viện tỉnh có gần 139.900 bản sách giấy và hàng nghìn sách điện tử, tài liệu số, phục vụ cho cả bạn đọc truyền thống lẫn người dùng qua mạng.
 
Thư viện tỉnh đầu tư công nghệ thông tin và xây dựng thư viện điện tử, thư viện số đã giúp bạn đọc có thể dễ dàng truy cập kho tài liệu phong phú từ xa, không cần đến trực tiếp tại thư viện.
 
Việc tăng cường công tác luân chuyển sách báo giữa các địa phương, đơn vị cũng là một điểm sáng trong hoạt động của Thư viện tỉnh. Qua đó, sách và tài liệu được luân chuyển liên tục giữa các khu vực, bảo đảm người dân ở những vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận tri thức một cách bình đẳng và thuận lợi.
 
Những giải pháp và sáng kiến này không chỉ giúp Thư viện tỉnh xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả văn hóa đọc trong nhân dân mà còn thúc đẩy, khuyến khích người dân học tập suốt đời, góp phần tạo dựng một XHHT toàn diện.
Diệu Hương (thực hiện)

tin liên quan

Lan tỏa tinh thần học nữa, học mãi

(QBĐT) - Nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của quê hương "Hai giỏi", công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thường xuyên, suốt đời trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các cấp đặc biệt quan tâm, từng bước đi vào chiều sâu và ngày càng lan tỏa rộng trong mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng..., góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho tỉnh.

Khai mạc chương trình "Qua miền di sản" năm 2024

(QBĐT) - Sáng nay, 28/9, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo cùng các sở, ban, ngành liên quan tổ chức khai mạc chương trình "Qua miền di sản" năm 2024. 

Địa phương quyết liệt chống lạm thu đầu năm học

Đầu năm học, những khoản thu ngoài quy định, tự nguyện trở thành nỗi bức bối của phụ huynh. Một số địa phương đã đưa ra những quy định để chống lạm thu.