Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ giáo dục-đào tạo
(QBĐT) - Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) TX. Ba Đồn tiếp tục chuyển biến tích cực, rõ nét với nhiều kết quả nổi bật. Chất lượng giáo dục phát triển cả về đại trà và mũi nhọn.
Những kết quả đáng ghi nhận
Trường THCS Ba Đồn là một trong những trường có chất lượng giáo dục khá toàn diện và luôn đi đầu trong các phong trào của ngành GD-ĐT TX. Ba Đồn. Năm 2024, trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2. Điều đáng ghi nhận nữa là, liên tiếp trong 3 năm qua, Trường THCS Ba Đồn đều nằm trong “top” 10 trường THCS có số lượng học sinh thi đỗ vào lớp 10, trong số 172 trường trên địa bàn tỉnh.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đồn Lê Thanh Hoàn, để có được kết quả nêu trên, trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, như: Trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới. Việc xây dựng kế hoạch bài giảng tránh áp dụng hình thức, khuôn mẫu. Mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể, linh hoạt, phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Phó trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo TX. Ba Đồn Hoàng Đình Thi cho biết, năm học 2023-2024, ngành GD-ĐT thị xã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chất lượng giáo dục có bước phát triển cả về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục được đẩy mạnh. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%; giữ vững 100% số xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% các trường học đã tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và ứng dụng trong công tác quản lý. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn thị xã có 44/53 trường công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,9%, xếp thứ 2 toàn tỉnh.
Tuy nhiên, ngành GD-ĐT thị xã vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp tập trung còn chậm (hiện trên địa bàn thị xã còn 25 điểm lẻ trường lớp mầm non và tiểu học); cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học của một số trường vẫn còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là việc triển khai dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 vẫn còn gặp khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục nói chung và đầu tư vào các trường trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia nói riêng còn hạn chế, khiến một số trường quá hạn công nhận chuẩn quốc gia do cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng học.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Năm 2018, Trường THCS Quảng Phúc được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Theo thời hạn năm 2023, trường được rà soát, đánh giá lại để được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, do còn thiếu nhiều phòng học, nên trường lỡ mất cơ hội và “sụt chuẩn”.
Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phúc Đinh Sơn Trường cho biết, hiện tại, trường còn thiếu 8 phòng học, trong đó có 4 phòng học và 4 phòng chức năng. Trường có 2 dãy phòng học cấp 4, gồm 12 phòng học xây dựng cách đây hơn 25 năm trước đã bị xuống cấp. Trong số đó, năm 2022, một dãy phòng xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng học sinh, nên đã đóng cửa, không đưa vào sử dụng.
Những năm qua, để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, nhà trường phải cải tạo, trưng dụng, khối phòng học cấp 4 đã xuống cấp để bố trí phòng học cho học sinh và giáo viên.
Thầy giáo Đinh Sơn Trường chia sẻ: “Trước đó, chính quyền địa phương đã tìm được nguồn vốn để đầu tư xây dựng 1 khối nhà 2 tầng, với 12 phòng học. Đơn vị chủ đầu tư đã về khảo sát, thiết kế, song do dịch Covid-19 xảy ra, nguồn đầu tư bị dừng lại. Năm 2024, địa phương cũng tìm được nguồn vốn để xây dựng trường, dự kiến khởi công xây dựng trong năm nay, tuy nhiên do gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, hiện công trình vẫn chưa được triển khai. Ngoài ra, theo quy định để đạt chuẩn, 100% giáo viên phải đạt chuẩn trình độ đào tạo. Hiện, trường có 3 giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo tốt nghiệp đại học trở lên”.
Theo Phó trưởng Phòng GD-ĐT TX. Ba Đồn Hoàng Đình Thi, hiện trên địa bàn có 5 trường quá hạn công nhận chuẩn quốc gia, nhưng chưa được kiểm tra, đánh giá để công nhận lại vì thiếu cơ sở vật chất. Ngoài ra, cơ sở vật chất trường lớp, phòng bộ môn, phòng làm việc, sân bãi tập, thiết bị dạy học... của một số trường vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai dạy học Chương trình GDPT 2018 vẫn còn gặp khó khăn trong bố trí giáo viên dạy môn Tin học lớp 3, 4 và các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
“Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương; rà soát thực trạng, nhu cầu cơ sở vật chất, thiết bị trường học và những trường thuộc diện kiểm tra lại, “sụt chuẩn” để có kế hoạch đầu tư xây dựng gắn với việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Về nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ Chương trình GDPT 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; tinh giản nội dung, phương thức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Cùng với đó, chỉ đạo các trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong GD-ĐT thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của ngành và các cấp triển khai, phát động”, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TX. Ba Đồn Hoàng Đình Thi thông tin thêm.
TX. Ba Đồn hiện có 51 trường mầm non, tiểu học, THCS, TH-THCS công lập và 2 trường mầm non tư thục với gần 24.700 học sinh. Năm học 2023-2024, học sinh các cấp trên địa bàn thị xã đoạt 50 giải/huy chương cấp tỉnh các loại và 1 huy chương cấp quốc gia. |
D.C.Hợp