Gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong trường học

  • 07:35 | Thứ Năm, 09/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua môi trường giáo dục sẽ giúp học sinh (HS) có những hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn hóa, thời gian qua, nhiều trường học, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai hoạt động này bằng nhiều hình thức. Từ đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo môi trường học đường lành mạnh, thân thiện.
 
Trường PTDTNT tỉnh là nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn toàn tỉnh nên ngoài việc chú trọng chất lượng giáo dục, trường còn quan tâm, triển khai nhiều hoạt động để HS có cơ hội thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc mình, tạo sự giao thoa văn hóa trong học đường.
 
Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với đặc thù là trường PTDTNT, đối tượng tuyển sinh là con em vùng đồng bào DTTS nên nhà trường chú trọng tạo điều kiện cho các em thích nghi với môi trường mới để học tập tốt và giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
 
Trường đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống cho HS, hỗ trợ HS cả về học tập cũng như trong sinh hoạt nội trú tại trường. Vào đầu mỗi năm học, trường đều xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tuyên truyền cho giáo viên,  HS về tầm quan trọng của việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
 
Nhiều hoạt động được nhà trường triển khai, như: Tạo điều kiện cho HS tham gia lễ hội truyền thống của địa phương, cuộc thi tìm hiểu về bản sắc văn hóa vùng dân tộc, khích lệ, động viên các em phát huy giá trị của văn hóa dân tộc mình trong cuộc sống... Ngoài ra, trường còn quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu nét đẹp văn hóa của các địa phương, sưu tầm làn điệu dân ca, nhạc cụ và trang phục truyền thống.
Không gian văn hóa truyền thống ở Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy.
Không gian văn hóa truyền thống ở Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy.

Vào các dịp lễ hội, như: Lễ hội đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, Bố Trạch), lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa, lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều..., trường luôn tạo điều kiện cho HS tham gia, giúp các em có cơ hội hòa mình vào không gian lễ hội và các hoạt động thể thao của địa phương mình.

Bên cạnh đó, trường còn tích hợp lồng ghép việc giáo dục văn hóa truyền thống vào những bộ môn, như: Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân...; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho các em. Hàng năm, trường luôn tổ chức Hội khỏe Phù Đổng thu hút rất đông HS tham gia. Ngoài điền kinh, bơi lội.., trường đã đưa vào các môn thể thao dân tộc phổ biến ở vùng DTTS như kéo co, đẩy gậy...

Em Hồ Thị Biên, HS lớp 10, người Khùa ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa) cho hay: "Em biết chơi các môn thể thao dân tộc và hát làn điệu dân ca Minh Hóa. Việc nhà trường tổ chức cho HS tham gia các môn thể thao dân tộc và giáo dục chúng em gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống giúp HS được thể hiện năng khiếu bản thân, tự hào hơn về quê hương của mình. Nhờ đó, chúng em đỡ nhớ nhà và học tập tốt hơn".

Em Đinh Xuân Lâm, HS lớp 12, người Mã Liềng, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) chia sẻ, nhà em có 4 anh chị em và ai cũng biết chơi các môn thể thao dân tộc, nhất là môn đẩy gậy. Nhờ chơi thể thao mà em có sức khỏe tốt và có thêm nhiều bạn bè. Em mong muốn sẽ có nhiều môn thể thao dân tộc được đưa vào thi đấu để các em có cơ hội tham gia.

Thực tế cho thấy, việc quan tâm, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho HS về gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo nên nhiều thay đổi đáng mừng trong nhận thức, hành động của HS. Đa số HS của trường đều rất ngoan, có ý thức học tập và chấp hành tốt các nội quy quy định của nhà trường.

Các em biết lựa chọn, học hỏi những nét đẹp văn hóa dân tộc từ các bạn cùng lớp, cùng trường, biết đấu tranh xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội. Những năm gần đây, trường không có HS bỏ học giữa chừng để lập gia đình. Số HS thi đỗ vào đại học, cao đẳng ngày càng tăng.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Phạm Hồng Việt cho biết thêm: Sắp tới, trường sẽ nghiên cứu, lựa chọn đưa thêm một số bộ môn thể thao dân tộc của các địa phương vào các giải thi đấu của trường; tiếp tục sưu tầm dân ca, nhạc cụ dân tộc và tổ chức nhiều hơn hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm tạo bức tranh văn hóa đa sắc màu, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho giáo viên, HS trong toàn trường.

Tại Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy, hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương được chú trọng thực hiện từ nhiều năm nay. Trường có không gian trưng bày khá đầy đủ nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống của vùng đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Ngoài việc tạo điều kiện cho HS được học dân ca từ các nghệ nhân, được nghe giới thiệu các đặc trưng văn hóa dân tộc, được truyền dạy nhạc cụ dân tộc..., trường còn lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến giá trị của văn hóa truyền thống vào các môn học tích hợp, hoạt động ngoại khóa. Nhờ đó, trường có rất nhiều HS hát, trình diễn dân ca và nhạc cụ dân tộc khá tốt.

Nhiều trường học cũng có những hoạt động thiết thực nhằm giáo dục cho HS nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Hoạt động phổ biến là sưu tầm dân ca, nhạc cụ dân tộc, thành lập phòng trưng bày văn hóa dân gian và tổ chức cho HS tham gia các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc, trình diễn trang phục truyền thống, hát dân ca…

Các trường còn lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống trong hoạt động dạy học và những buổi sinh hoạt ngoại khóa, khơi dậy trong mỗi HS niềm tự hào dân tộc. Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, học tập.

Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, chính khóa, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trình diễn dân ca, nhạc cụ truyền thống… đã góp phần nâng cao nhận thức trong mỗi HS về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của HS, tạo động lực để mỗi HS học tập, rèn luyện tốt hơn nhằm đóng góp công sức, trí tuệ phục vụ quê hương.
Mỹ Huệ

tin liên quan

Ươm mầm "hạt giống đỏ"

(QBĐT) - Làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh ưu tú để kết nạp vào Đảng, Chi bộ Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã ươm mầm những "hạt giống đỏ".

Tích hợp môn học nhằm tạo thuận lợi cho dạy học cụ thể một cách toàn diện

Từ chỗ quen với việc mỗi giáo viên dạy 1 môn, giáo viên cho rằng việc thực hiện giảng dạy các môn tích hợp bậc trung học cơ sở theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều khó khăn, bất cập.

Chính thức bước vào Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT

Các thí sinh tham gia đội tuyển đã được các nhà trường, thầy cô tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập, ôn luyện, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu để dự thi học sinh giỏi quốc gia.