Nhà vệ sinh trường học: Câu chuyện dài kỳ

Bài 1: Bức tranh chung

  • 08:16 | Thứ Hai, 10/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực trạng nhà vệ sinh (NVS) trường học với những khó khăn, bất cập, vướng mắc là câu chuyện dài kỳ. Đối với nhiều em học sinh (HS), NVS là nỗi ám ảnh trong suốt thời gian đến trường. Để khắc phục thực trạng này, những năm qua, các địa phương đã quan tâm đầu tư và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, dần tháo gỡ khó khăn, tạo sự yên tâm cho HS và phụ huynh (PH). Tuy nhiên về tổng thể, NVS trường học vẫn còn là câu chuyện dài kỳ, cần sự chung tay từ nhiều phía.
 
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, lại được xem là “công trình phụ” nên tại nhiều trường học, NVS được đầu tư chỉ “cho có”. Một số công trình sau khi xây dựng vẫn chưa phát huy tác dụng vì thiếu nguồn nước hoặc bị hư hỏng sau một thời gian sử dụng. Ngay cả một số trường được đầu tư hoàn thiện, việc quản lý, sử dụng vẫn còn nhiều bất cập.
 
Trường THCS và THPT Trung Hóa (Minh Hóa) hiện có trên 700 HS với 1 công trình NVS rộng 36m2 gồm 2 phòng nam, nữ, mỗi phòng được trang bị một bồn cầu và một chậu rửa. Được xây dựng từ năm 2000, mặc dù đã nhiều lần cải tạo, sửa chữa nhưng do kinh phí khó khăn nên công trình bị xuống cấp, hư hỏng, đặc biệt là tình trạng quá tải khi trường có trên 700 HS. Ước mơ về khu vệ sinh đạt chuẩn, đáp ứng cơ bản nhu cầu của HS luôn canh cánh trong lòng thầy cô giáo và HS nơi đây.
 
Năm học 2018-2019, Trường tiểu học số 1 Hoàn Lão (Bố Trạch), được UBND huyện đầu tư 200 triệu đồng xây mới NVS cùng với 12 đơn vị trong toàn huyện. Nhờ sự chung tay của PH và các tổ chức, cá nhân, khu vệ sinh của trường được bổ sung thiết kế phù hợp hơn cả điều kiện bên trong lẫn ngoài khuôn viên. Năm học 2022-2023 này trường có gần 600 HS, thực tế đang quá tải gấp nhiều lần theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.
 NVS Trường tiểu học số 1 Hoàn Lão cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn “nợ” tiêu chí này trong quá trình công nhận danh hiệu trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
NVS Trường tiểu học số 1 Hoàn Lão cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn “nợ” tiêu chí này trong quá trình công nhận danh hiệu trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
“Cụ thể với 6 bệ xí, 6 chậu rửa/586 HS/20 phút giờ ra chơi, trong khi quy định là 30 HS nam/1 bệ, 20 HS nữ/1 bệ, muốn bảo đảm vệ sinh và đáp ứng nhu cầu của các em là bài toán rất khó. Để quản lý và sử dụng tốt NVS, nhà trường đã chỉ đạo liên đội thường xuyên kết hợp với giáo viên (GV) chủ nhiệm cùng bộ phận y tế luôn nhắc nhở và có những hoạt động nhằm nâng cao ý thức cho HS, đồng thời thỏa thuận với PH thuê thêm nhân viên để bảo đảm vệ sinh được thường xuyên sạch sẽ hơn. Những nỗ lực này cũng góp phần để trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào tháng 12/2022. Tuy nhiên để đánh giá chính xác theo quy chuẩn thì tiêu chí NVS trường chúng tôi vẫn còn phải “nợ” như một số trường học khác và cần đưa vào kế hoạch cải tiến cho thời gian sắp tới!”, cô Phan Thị Thu Liễu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
 
Tại TP.Đồng Hới, đô thị trung tâm của tỉnh, các trường học từ bậc mầm non đến THPT cơ bản được đầu tư khang trang, hiện đại. Tuy nhiên ngoại trừ bậc học mầm non với hệ thống NVS được chú trọng và cơ bản đạt chuẩn, thì các cấp học khác vẫn còn gặp khó khăn, nhất là đối với các trường tổ chức bán trú.
 
Vấn đề chung nhất vẫn là tình trạng quá tải, NVS được đầu tư chưa đồng bộ, ý thức sử dụng của các em HS chưa cao, đặc biệt là đối với HS tiểu học. Bên cạnh đó, chi phí điện, nước, chất tẩy rửa, thuê nhân viên vệ sinh… cũng là những vấn đề các trường phải tính toán để bảo đảm đáp ứng yêu cầu vận hành và sử dụng NVS.
 
Trường THCS Đồng Mỹ (TP. Đồng Hới) là ngôi trường có bề dày thành tích, các công trình, hạng mục của trường, trong đó có NVS cũng được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên đối chiếu với các quy định chung đối với bậc học về NVS nhằm bảo đảm sức khỏe học đường cho các em vẫn còn nhiều bất cập.
 
Đó là NVS xây dựng từ năm 2005 đang xuống cấp; các trang thiết bị cần thiết chưa bảo đảm, quy mô chưa đáp ứng được số lượng HS theo quy định chung. Hệ thống cấp nước qua hơn 30 năm sử dụng đã bị rò rỉ, ảnh hưởng đến việc vận hành NVS… Ý thức sử dụng của một số HS chưa cao cũng góp phần khiến NVS chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
 
Tại những địa bàn vùng sâu vùng xa, việc một ngôi trường gồm nhiều điểm trường lẻ càng gia tăng cái khó về hệ thống NVS. Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa (Minh Hóa) là một trong những ví dụ. Trường gồm 1 điểm chính và 7 điểm lẻ, trong đó có 4 điểm trường chưa có NVS; 2 điểm trường có NVS nhưng thiếu nước để hoạt động, trong đó có 1 điểm bị xuống cấp nghiêm trọng.
Điểm trường bản Sy thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa chỉ có hai phòng học, 1 phòng ăn và chái bếp.
Điểm trường bản Sy thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa (Minh Hóa) chỉ có hai phòng học, 1 phòng ăn và chái bếp.
Tương tự, tại Trường tiểu học số 1 Thượng Trạch (Bố Trạch) hiện có 2/6 điểm trường với gần 80 HS và GV nhưng chưa có bất cứ công trình NVS nào. Thầy giáo Phan Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không chỉ thiếu NVS, cơ sở vật chất tại hai điểm trường hiện còn tạm bợ, trong đó phòng học làm bằng ván ghép nên có công trình NVS sạch đẹp, đạt chuẩn là “giấc mơ” còn xa.
 
Những vấn đề tồn tại và bất cập của việc đầu tư, quản lý, sử dụng NVS đã nhận được sự quan tâm của không chỉ nhà trường, HS và PH. Tháng 5/2022, Sở Giáo dục-Đào tạo và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá mức độ thân thiện của hệ thống NVS trong trường học với sự tham gia của cán bộ, GV và HS các trường tại TP. Đồng Hới và huyện Minh Hóa.
 
Tính đến cuối năm 2021, 100% trường học trong tỉnh đều có NVS với tổng số trên 2.700 công trình, trong đó có trên 80% NVS đạt chuẩn. So với yêu cầu hiện vẫn còn thiếu trên 600 NVS. Bên cạnh đó, việc có NVS và quản lý, sử dụng hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của HS và PH còn rất nhiều bất cập.
Những tham luận tại hội thảo đã chỉ rõ các vướng mắc đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Trong đó, bên cạnh các ý kiến đề nghị các cấp ngành, địa phương quan tâm bố trí kinh phí đầu tư NVS thì nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý, sử dụng, đặc biệt là việc giáo dục nâng cao ý thức cho các em HS để sử dụng hiệu quả công trình. Cùng với những ý kiến của đại biểu, thầy cô giáo, các em HS cũng bày tỏ mong muốn của mình đối với ngôi trường nói chung, hệ thống NVS nói riêng. Em Trần Minh Uyên, Trường THCS Nam Lý (TP.Đồng Hới) cho biết, cá nhân em thấy hệ thống NVS của trường đã có nhiều thay đổi tích cực trong những năm học vừa qua.
 
Tuy nhiên để NVS thật sự đáp ứng được mong đợi của HS thì vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Ngoài việc nhà trường cần đầu tư thêm NVS để bảo đảm nhu cầu HS, sửa chữa những hỏng hóc, cải tạo phù hợp, tạo sự thông thoáng, thì theo em, mang cây xanh vào NVS, làm vệ sinh thường xuyên là việc làm cần thiết để giữ gìn NVS sạch đẹp.
 
Việc nâng cao ý thức cho HS là yếu tố quan trọng nên trong các buổi sinh hoạt cần chú trọng nội dung này. “Em nghĩ những việc này không quá khó, chỉ cần mọi người đoàn kết và chung tay thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết!”, em Trần Minh Uyên khẳng định.
 
Ngọc Mai
 
                                                                       Bài 2: Những “ngôi trường vui vẻ”

tin liên quan

Kết nối những ước mơ

(QBĐT) - Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã đứng ra vận động, kết nối các nhà hảo tâm trong cả nước, chung tay hỗ trợ cho trẻ em nghèo. 

Tăng cường thực hiện Đề án ''Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025''

(QBĐT) - Ngày 28/9, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1781/UBND-NCVX về việc tăng cường thực hiện Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025" theo Quyết định số 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Xét tuyển Đại học 2022: Ngày cuối để thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

30/9 là ngày cuối để thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn.