Xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

  • 07:35 | Thứ Năm, 22/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội, trong đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) là lực lượng trực tiếp, đóng vai trò quan trọng. Do đó, việc xây dựng đội ngũ CBGVNV bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành GD-ĐT Quảng Bình chú trọng thực hiện.
 
Tính đến tháng 6 năm 2022, đội ngũ CBGVNV khối mầm non, giáo dục phổ thông toàn ngành GD-ĐT Quảng Bình có 18.000 người (trong biên chế), trong đó, cán bộ quản lý 1.300 người; giáo viên 13.644 người; nhân viên 3.056 người. So với 5 năm trước, chất lượng đội ngũ CBGVNV ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Riêng về trình độ chuyên môn, so với năm 2018, đội ngũ có trình độ thạc sĩ tăng hơn 80 người, trình độ đại học tăng hơn 1.800 người.
 
Để đạt được kết quả đó, những năm qua, ngành GD-ĐT luôn xem việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBGVNV là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Toàn ngành đã triển khai thực hiện tốt việc tham mưu UBND tỉnh tuyển dụng bổ sung giáo viên, cân đối về cơ cấu bộ môn để phấn đấu bảo đảm tỷ lệ giáo viên theo quy định.
 
Ngành luôn quan tâm đến chất lượng đội ngũ CBGVNV, coi đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện các mục tiêu đổi mới. Do đó, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ GD-ĐT tổ chức, hàng năm, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch nâng trình độ chuẩn được đào tạo bảo đảm đúng độ tuổi, trình độ quy định tại Luật Giáo dục 2019 và Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, ngày 30/6/2020 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho đội ngũ không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn về tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ quản lý và lý luận chính trị, an ninh, quốc phòng… Công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp được ngành thực hiện hiệu quả, bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch đối với từng vị trí việc làm…
Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp thông qua hoạt động họp công tác chuyên môn để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBGVNV.
Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp thông qua hoạt động họp công tác chuyên môn để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBGVNV.
Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp là một trong những đơn vị điển hình thực hiện tốt công tác xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ CBGV. Hiện, trường có 114 CBGVNV, trong đó có 113 viên chức và 1 hợp đồng 68. Chất lượng đội ngũ CBGV 100% đạt chuẩn trở lên; trong đó có 89 CBGV trình độ thạc sĩ (chiếm 76% tổng số CBGVNV và 84,5% tổng CBGV); 1 giáo viên đang tham gia nghiên cứu sinh.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp cho biết: “Nhằm nâng chuẩn đội ngũ CBGVNV, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện cho tất cả CBGVNV được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Nhà trường xem xét cử CBGV đi học cao học, nghiên cứu sinh theo thứ tự ưu tiên phù hợp (giáo viên được tuyển thẳng sau đại học, giáo viên giỏi, giáo viên dạy các lớp chuyên, bồi dưỡng học sinh giỏi…). Tùy theo năng lực tài chính, hàng năm, nhà trường hỗ trợ cho CBGVNV đi học theo Quy chế chi tiêu nội bộ. Bên cạnh đó, hàng năm, nhà trường cùng với tổ chuyên môn sẽ tổ chức đánh giá, xếp loại nghiêm túc đối với CBGVNV theo quy định, bảo đảm đánh giá chính xác, công bằng, khách quan”.
 
Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhiệm vụ đặt lên vai mỗi CBGVNV về chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực giáo dục, có khả năng truyền động lực học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân cách tới mỗi học sinh và cộng đồng xã hội. Nhiều năm qua, cùng với sự chủ động của mỗi CBGVNV, để nâng cao chất lượng đội ngũ, ngành GD-ĐT đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ; tăng cường thăm lớp, dự giờ, tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp, đánh giá xếp loại viên chức...
 
Kết quả thực hiện các giải pháp cho thấy, mỗi năm, Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều đợt với các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, tập trung vào chương trình dạy học, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học; 100% cán bộ quản lý được tổ chức bồi dưỡng về lý luận chính trị, nâng cao nghiệp vụ quản lý giáo dục...
 
Tuy nhiên, đánh giá về thực trạng đội ngũ CBGVNV của ngành hiện nay cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng đội ngũ, đòi hỏi ngành phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
 
Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn cho biết: “Để xây dựng đội ngũ CBGVNV đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, Sở GD-ĐT tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của CBGVNV và nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của phát triển đội ngũ CBGVNV trong phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung đổi mới công tác quản lý nhà nước về biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, xếp loại đội ngũ CBGVNV; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD-ĐT; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ CBGVNV; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét giao biên chế theo định mức quy định để bảo đảm thực hiện các hoạt động dạy học, từ đó, nâng cao chất lượng đội ngũ CBGVNV. Cùng với đó, ngành GD-ĐT cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với CBGVNV; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để đội ngũ CBGVNV phát huy năng lực và sáng tạo…”.
 
“Chất lượng đội ngũ CBGVNV trên toàn tỉnh ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ CBGVNV về cơ bản bảo đảm chất lượng, 88,5% giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo, tỷ lệ trên chuẩn ngày càng cao”, ông Đặng Ngọc Tuấn cho hay.
 
Lê Mai

tin liên quan

Sau khi trúng tuyển đại học thí sinh cần nộp những giấy tờ gì?

Sau khi xác nhận nhập học trực tuyến thành công, thí sinh cần chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để hoàn tất việc nhập học.

Việc thông báo kết quả và xác nhận nhập học đại học năm 2022 ra sao?

Điều 21 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ về việc thông báo kết quả và xác nhận nhập học đại học năm 2022.

Mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến

Từ ngày 18/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Thí sinh không thực hiện quy trình này coi như từ chối cơ hội học tập.