Mấu chốt thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới

  • 14:57 | Thứ Tư, 29/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Sau khi hoàn thành việc chọn sách giáo khoa vào cuối tháng 5 vừa qua, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các nhà xuất bản và đơn vị liên quan bảo đảm cung ứng đủ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10. Tuy nhiên, để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới, mấu chốt không nằm ở vấn đề có đủ sách giáo khoa hay không.
Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN
Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 bắt đầu triển khai với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong năm học mới, đồng thời, tích cực phối hợp với các nhà xuất bản để triển khai công tác bồi dưỡng sử dụng sách cho giáo viên.
 
Theo thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, công tác bồi dưỡng cho giáo viên các địa phương sử dụng sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông mới (2018) đã được triển khai từ đầu tháng 6. Công tác tập huấn trực tuyến được chia làm nhiều đợt, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7/2022.
 
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chuẩn bị nguồn tài liệu, dữ liệu đa dạng phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên gồm: sách giáo khoa và sách giáo viên, tài liệu tập huấn sách giáo khoa môn học, slide tập huấn giáo viên sử dụng sách; video giới thiệu sách giáo khoa, video tiết học minh hoạ...
 
Tất cả các tài liệu, dữ liệu trên đều được đưa lên website: taphuan.nxbgd.vn để cán bộ quản lý, giáo viên các địa phương có thể chủ động tìm hiểu, nghiên cứu (tự tập huấn) về sách giáo khoa các môn học.
 
Bên cạnh đó, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã chuyển các bản in sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu tập huấn tới tất cả các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác tập huấn; xây dựng phương án, lịch trình tổ chức bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến tới 100% giáo viên và cán bộ quản lí trên địa bàn tất cả các tỉnh, thành phố.
 
Kết thúc đợt tập huấn, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên phải thực hiện bài kiểm tra, đánh giá tập huấn. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chuẩn bị các câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm. Giáo viên các địa phương sẽ làm bài trên nền tảng Tập huấn (taphuan.nxbgd.vn). Lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo có thể giám sát, đánh giá chất lượng công tác tập huấn, thu thập, thống kê kết quả đánh giá giáo viên của tỉnh thông qua các tính năng trên nền tảng này.
 
Trước đó, cuối tháng 1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 438/QĐ-BGDĐT, Quyết định 441/QĐ-BGDĐT và Quyết định 442/QĐ-BGDĐT năm 2022 phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm học 2022-2023.
 
Theo các Quyết định, danh mục sách giáo khoa lớp 3 gồm 43 sách giáo khoa của 11 môn học và hoạt động giáo dục; lớp 7 gồm 40 sách giáo khoa của 12 môn học và hoạt động giáo dục và lớp 10 gồm 44 sách giáo khoa của 14 môn học và hoạt động giáo dục. 
 
Ngay từ những ngày đầu tháng 3/2022, các nhà xuất bản, các đơn vị biên soạn sách đã tiến hành giới thiệu sách giáo khoa cho giáo viên các tỉnh, thành phố để các địa phương lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới. 
 
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lựa chọn sách giáo khoa mới của các địa phương phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng (trước 5/4). Tuy nhiên, trên thực tế, công tác lựa chọn sách giáo khoa của các tỉnh, thành phố thường triển khai chậm hơn thời gian này, phải đến cuối tháng 5 mới hoàn thành. Do vậy, trong tháng 6 và 7, các nhà xuất bản đều gấp rút triển khai công tác bồi dưỡng cho giáo viên các địa phương sử dụng sách giáo khoa mới. 
 
Sau khi hoàn thành việc chọn sách giáo khoa, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các nhà xuất bản và đơn vị liên quan bảo đảm cung ứng sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đến cơ sở giáo dục phổ thông, các đơn vị liên quan, đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh trước ngày 15/8.
 
Mới đây, tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mấu chốt là vấn đề con người, do đó, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo cần nắm chắc mọi vấn đề trong triển khai chương trình, qua đó kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn các nhà trường, giáo viên thực hiện. Các địa phương cần rà soát lại việc tập huấn giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên một cách hiệu quả, thiết thực. 
 
Đối với việc mua sắm các thiết bị dạy học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, các địa phương sẽ căn cứ vào đó để mua sắm đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị dạy và học cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, các Sở Giáo dục và Đào tạo phải kiểm tra trong các nhà trường xem có tình trạng "thiết bị đến trường mà không ra lớp", nếu để xảy ra tình trạng này sẽ rất lãng phí trong khi học sinh rất cần có trang thiết bị để học tập. 
Theo Việt Hà (TTXVN)

tin liên quan

Góp sức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa có quyết định tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9. Đây là "quả ngọt" cho hành trình nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường trong đào tạo nghề, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh nhà.

Thiết kế môn Lịch sử trong trường phổ thông phải có cả phần bắt buộc và lựa chọn

Tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, những vấn đề nóng trong giáo dục như môn lịch sử, giá sách giáo khoa được Quốc hội quyết nghị.

Tập trung rà soát các khâu nhằm bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, hiệu quả

(QBĐT) - Ngày 27/6, Đoàn kiểm tra số 3 của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do PGS-TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) làm trưởng đoàn tổ chức buổi làm việc với Ban Chỉ đạo kỳ thi TN THPT năm 2022 tỉnh.