Người mẹ thứ hai của trẻ

  • 07:54 | Thứ Bảy, 28/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhớ lời Bác dạy, dạy trẻ như trồng cây non, trồng cây non tốt thì sau này cây sẽ tốt, dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt, cô giáo Hoàng Thị Dung (Trường mầm non Quang Phú, TP. Đồng Hới) luôn nỗ lực với sự nghiệp trồng người, là một trong những điển hình của ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
 
Sinh ra, lớn lên ở một vùng quê miền núi (xã Quảng Thạch, Quảng Trạch), ngay từ nhỏ, chị Hoàng Thị Dung đã ước mơ được trở thành cô giáo. Người truyền lửa để chị luôn nỗ lực học tập, biến ước mơ thành hiện thực là một cô giáo mầm non ở ngay chính trên quê hương của chị. Hình ảnh cô giáo ngày ngày cần mẫn chăm lo cho học sinh từ miếng ăn, giấc ngủ, ân cần dạy dỗ học sinh từ những điều nhỏ nhất đã hằn sâu trong trí nhớ của chị Dung. Hành động, việc làm của cô giáo đã thôi thúc chị cố gắng học tập để được đứng vào đội ngũ nhà giáo, gắn bó với sự nghiệp trồng người.
 
Việc học của con em ở các vùng quê miền núi như Quảng Thạch phải trải qua rất nhiều khó khăn. Không ít bạn bè cùng trang lứa với chị Dung sau khi hoàn thành chương trình THCS đã phải dừng việc học để lo mưu sinh. Bản thân chị cũng gặp nhiều rào cản nhưng được sự động viên khích lệ từ gia đình, từ cô giáo cũ, chị Dung đã quyết tâm thi và đỗ vào Trường đại học Sư phạm Huế rồi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Ra trường, chị Dung được nhận công tác tại một trường mầm non ở huyện Lệ Thủy, sau đó được chuyển về Trường mầm non Quang Phú (TP. Đồng Hới).
 
Xác định giáo viên mầm non là người đặt “viên gạch” đầu tiên, xây dựng “nền móng” cho sự phát triển của trẻ, cô giáo Hoàng Thị Dung luôn đem hết tình yêu thương, tâm huyết và kiến thức để nuôi dạy, chăm sóc trẻ.
Cô giáo Hoàng Thị Dung luôn nỗ lực để làm tốt vai trò “người mẹ thứ 2” của trẻ.
Cô giáo Hoàng Thị Dung luôn nỗ lực để làm tốt vai trò “người mẹ thứ 2” của trẻ.

Cô giáo Dung chia sẻ, kiến thức được học ở nhà trường chỉ là hành trang ban đầu để giúp chị tiếp cận với giáo dục mầm non. Và muốn “dạy tốt”, người giáo viên phải không ngừng học hỏi để đổi mới phương pháp dạy học. Nhằm thực hiện tốt phương pháp giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, chị luôn trăn trở, đầu tư tâm sức trong xây dựng bài giảng. Trong hoạt động dạy học, chị đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tạo cho trẻ cơ hội được khám phá, trải nghiệm nhiều điều mới lạ, bổ ích theo hình thức học mà chơi, chơi mà học.

Để làm được điều đó, chị luôn lắng nghe, nhận biết tính cách, sở trường, năng khiếu của mỗi trẻ để đưa ra các biện pháp giáo dục, chăm sóc phù hợp, tạo hứng thú cho trẻ khi đến trường. Trong các tiết dạy, chị còn ứng dụng công nghệ thông tin, trình chiếu các hình ảnh, video giúp trẻ được quan sát trực quan sinh động. Chị còn có nhiều sáng tạo trong việc làm đồ dùng, đồ chơi và khai thác  tiện ích của công nghệ phục vụ hoạt động dạy học.

Trong những năm gắn bó với nghề, cô giáo Hoàng Thị Dung luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và không ngừng trau dồi đạo đức nhà giáo. Theo chị, ngoài kiến thức chuyên môn,  giáo viên mầm non cần phải có tấm lòng nhân ái, tình kiên trì mới có thể đảm nhận tốt vai trò làm người mẹ thứ hai của trẻ. Vì vậy, chị luôn ân cần, chu đáo trong mọi công việc, gần gũi và hết mực yêu thương trẻ. Chị còn được đồng nghiệp yêu mến bởi đức tính giản dị, cần cù, chịu khó, thân thiện, cởi mở.
 
Một điều đáng ghi nhận ở cô giáo Hoàng Thị Dung là mặc dù công việc rất vất vả nhưng chị luôn cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoài việc tự tìm hiểu, học hỏi qua internet, sách, báo, chị còn học hỏi từ đồng nghiệp đi trước để không ngừng hoàn thiện bản thân. Chị luôn bám sát kế hoạch, nhiệm vụ năm học của trường và ứng dụng nhạy bén những thành quả từ năm trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, Chị còn lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ đồng nghiệp, mạnh dạn đề xuất những giải pháp thiết thực và gương mẫu đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học. 
 
Nhờ sự ân cần, tận tình trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục mà trẻ thuộc lớp do cô giáo Hoàng Thị Dung chủ nhiệm đều phát huy được tính tích cực, năng động, sáng tạo trong quá trình tham gia các hoạt động học tập, vui chơi. Đa số trẻ đều có sự phát triển tốt về thể chất, ngôn ngữ, giao tiếp và ngoan ngoãn, lễ phép… tạo nền tảng vững chắc về trí, lực để phát triển toàn diện.
 
Nói về cô giáo Hoàng Thị Dung, cô Ngô Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Quang Phú cho rằng: “Không chỉ sáng tạo, đổi mới trong phương pháp dạy học, cô Dung còn nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của trường và ngành GD-ĐT tổ chức. Tại hội thi giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh năm học 2021-2022 vừa qua, cô Hoàng Thị Dung vinh dự đạt giải nhất. Thành công đó tạo sức lan tỏa trong toàn trường đối với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nói chung, phong trào “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập”, “Dạy tốt-Học tốt” của ngành GD-ĐT nói riêng".

Nh.V

tin liên quan

Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh

(QBĐT) - Công tác thi, tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 đang ở giai đoạn "nước rút". Ngành Giáo dục-Đào tạo đã và đang tập trung mọi nguồn lực nhằm bảo đảm cho kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Cơ sở giáo dục nào được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trong đó quy định những cơ sở giáo dục nào được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ.

Phát động cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

Ngày 26/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.