99,57% học sinh trên cả nước đi học trực tiếp

  • 07:58 | Thứ Tư, 20/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Hiện tất cả 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh các cấp học trực tiếp. Tính đến ngày 18/4, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp đạt 99,57%.
Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trên đường đến trường. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trên đường đến trường. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Ngày 19/4, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Ngay sau chỉ đạo mở cửa trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi kiểm tra tình hình triển khai tại các địa phương. Qua những chuyến kiểm tra, có thể thấy, được đi học trở lại là mong muốn rất lớn của học sinh, giáo viên, phụ huynh. Các địa phương cũng rất quan tâm xây dựng kịch bản, lộ trình, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện với quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học tập.
 
Về giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi trở lại học trực tiếp, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để thích ứng với điều kiện dịch bệnh, ngay từ đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.
 
Trong đó xác định rõ mục tiêu hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học. Thực hiện dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học. Theo đó, dạy những nội dung cốt lõi của chương trình kết hợp với việc tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã học cho các nhóm đối tượng học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
 
Khi học sinh trở lại trường học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương.
 
Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.
 
Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến. Dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
 
Sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.
 
Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
 
Theo Quỳnh Nguyễn (Nhandan.vn)

tin liên quan

Công bố mức điểm thí sinh được tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic năm 2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, trường đại học có Trường Trung học phổ thông chuyên, Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc về việc chuẩn bị cho kỳ thi chọn đội tuyển Olympic năm 2022.

Chương trình lớp 3, lớp 7, lớp 10 sẽ thay đổi như thế nào?

Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng cùng lúc ở lớp 3, lớp 7, lớp 10. Nếu như ở lớp 3, số tiết học sẽ được tăng lên so với chương trình hiện hành, thì lớp 10, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.

29 học sinh đạt giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2021-2022

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết: Tại kỳ thi chọn học sinh (HS) giỏi Quốc gia trung học phổ thông (THPT) năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 29 HS đạt giải, đạt tỷ lệ 45,3%.