Ngành GD-ĐT Bố Trạch:

Nỗ lực vượt khó để phát triển toàn diện

  • 07:56 | Thứ Ba, 18/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ năm năm 2021 đến nay, huyện Bố Trạch là một trong những địa phương bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, nhất là công tác giáo dục, đào tạo (GD-ĐT). Để triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, huyện đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên (GV), học sinh (HS).
 
Có những thời điểm, Bố Trạch được xem là điểm nóng của dịch Covid-19 (tháng 8 và 9/2021). Nhiều đơn vị trường học trên địa bàn huyện được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Không ít HS, GV nhiễm hoặc có liên quan đến ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, huyện đã từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt triển khai các hình thức dạy học phù hợp nhằm triển khai chương trình giáo dục theo đúng quy định.
 
Để bảo đảm tính liên tục trong dạy học, vào các thời điểm không thể tổ chức dạy học tập trung, các trường học tiểu học (TH), THCS, THPT đã thực hiện nghiêm túc việc dạy và học trực tuyến trên phần mềm Zoom, Google meet, K12 kết hợp với trang web học trực tuyến OLM.VN. Hiện tại, các trường vẫn duy trì và phát huy hiệu quả các phần mềm này phục vụ ôn tập, củng cố kiến thức cho HS; đồng thời tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp để bảo đảm tiến độ chương trình cũng như chất lượng dạy học.
Huyện Bố Trạch và Sở GD-ĐT bàn các biện pháp phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện.
Huyện Bố Trạch và Sở GD-ĐT bàn các biện pháp phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn

Ông Võ Hải Quân, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch cho biết: Nhiều năm qua, huyện luôn có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học và trang thiết bị phục vụ dạy học. Ngay từ đầu năm học, huyện đã bố trí đội ngũ GV, cán bộ quản lý tại các trường học.

Quy mô trường, lớp được sắp xếp phù hợp với từng địa phương, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Điều đáng mừng là các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục (PCGD) được duy trì và nâng cao về chất lượng, PCGD MN cho trẻ 5 tuổi đạt 100%, PCGD TH đạt mức 3, đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3...
 
Công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp các bậc học được triển khai và thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ huy động HS vào các cấp học đạt kế hoạch đề ra. Năm học 2020-2021, tỷ lệ huy động trẻ vào mẫu giáo đạt 98%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, HS vào lớp 6 đạt 100%, vào lớp 10 đạt 79% kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được duy trì và củng cố. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã có 75/114 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Toàn huyện hiện có 1 trung tâm giáo dục dạy nghề, 114 trường học. Đa số cán bộ, GV đạt chuẩn về trình độ đào tạo, chất lượng GD-ĐT ngày càng được nâng lên.
 
Ở bậc học MN, các trường học đã duy trì và nâng cao công tác bán trú, mở thêm được 4 nhóm, lớp bán trú tại Trường MN Tân Thượng Trạch với 84 trẻ (từ nguồn kinh phí hỗ trợ tự nguyện của nhóm thiện nguyện tại Hà Tĩnh). Các đơn vị luôn duy trì và đẩy mạnh hoạt động làm vườn rau sạch, cung cấp trên 50% nguồn rau sạch tại chỗ góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ. Tiêu biểu là các trường MN: Cự Nẫm, Khương Hà, Liên Trạch, Cổ Giang, Tây Trạch, Sơn Lộc, Bắc Dinh, số 1 Hoàn Lão...
 
Ở bậc học TH, THCS, 100% đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng kế hoạch nhiệm vụ năm học, bảo đảm đầy đủ nội dung các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Các trường đều lựa chọn nội dung, xây dựng hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu thực tế của HS, điều kiện của nhà trường, địa phương, hoàn thành chương trình học kỳ 1 đúng tiến độ.
 
Đến nay, toàn huyện có 37/39 trường TH  đủ phòng học bảo đảm cho dạy học 2 buổi/ngày. Các trường đã thực hiện nghiêm túc chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, chương trình GDPT 2006 đối với lớp 2, 3, 4, 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS nghiêm túc, đúng tiến độ và có chất lượng.
 
Các trường học đều tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS, tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chủ đề dạy học trên cơ sở rà soát chương trình hiện hành, nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục duy trì và phát triển quy mô mạng lưới trường lớp tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai hiệu quả việc nâng cao chất lượng toàn diện và bảo đảm tốt chế độ chính sách đối với HS, cán bộ quản lý, GV ở các cơ sở giáo dục (CSGD) vùng dân tộc thiểu số. Các trường học trên địa bàn đã triển khai được hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa địa phương thông qua các hoạt động nội khóa và ngoại khóa.
 
Tuy nhiên, để phát triển giáo dục toàn diện, Bố Trạch hiện vẫn gặp không ít vướng mắc, rào cản. Nhiều trường học có cơ sở vật chất xuống cấp nên khó khăn trên hành trình phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, có 32 trường đã đến và quá thời gian công nhận nhưng không đủ điều kiện đề nghị công nhận lại. Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của HS tốt nghiệp THCS. Việc sáp nhập, tách trường các CSGD gặp nhiều bất cập. Công tác quy hoạch trường THPT chưa phù hợp với thực tiễn của huyện. Địa bàn các xã: Nhân Trạch, Lý Trạch, Nam Trạch, Đại Trạch chưa có trường THPT.
 
Một số xã có mật độ dân số thấp, quy mô trường lớp nhỏ lẻ, gây khó khăn trong công tác nâng cao chất lượng dạy và học. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất còn dàn trải, gây tốn kém. Đội ngũ cán bộ, GV cơ bản đáp ứng được yêu cầu tối thiểu tổ chức dạy học. Song, do áp lực và bất cập giữa yêu cầu về nâng cao chất lượng dạy học trong điều kiện tinh giản biên chế, dẫn đến việc phải ghép lớp vì tỷ lệ GV/lớp giảm, số HS/lớp tăng… ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện tại, Bố Trạch còn thiếu GV, nhất là GV bộ môn tiếng Anh, Tin học, GV TH… Nhiều GV phải dạy quá số tiết quy định trong tuần. 
 
Để phát triển sự nghiệp giáo dục, thời gian tới, huyện tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Mặt khác, toàn huyện tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó chú trọng vệ sinh môi trường, tiêm vắc-xin phòng dịch và các biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe cho HS, GV tại các trường học trên địa bàn huyện.
 
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, huyện Bố Trạch kiến nghị, đề xuất với ngành chức năng, cấp có thẩm quyền trong công tác quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp, học sinh và công tác PCGD. Huyện dự kiến sẽ thành lập Trường TH-THCS Phúc Trạch, tách Trường MN Phong Nha và MN Thanh Trạch; chuyển đổi Trường phổ thông Dân tộc nội trú Thượng Trạch thành Trường THCS-THPT nội trú để tạo điều kiện thuận lợi cho HS các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, bản Rào Con (thị trấn Phong Nha) tham gia học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương…

                                                                                                Nh. V

 
 

tin liên quan

Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình, dòng họ học tập

(QBĐT) - Phát huy truyền thống hiếu học, những năm qua, huyện Bố Trạch đã đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập (GĐHT, DHHT), đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục của địa phương.
 

Chính phủ phê duyệt Chương trình Sách quốc gia giai đoạn 2022-2026

Chương trình Sách quốc gia 2022-2026 sẽ xuất bản mới và tái bản 500 đầu sách thể loại chính trị-xã hội và văn hóa; sách thông tin đối ngoại; sách thiếu niên nhi đồng dưới dạng xuất bản phẩm điện tử.

Tuyển sinh ĐH 2022: Không có sự bất bình đẳng khi xét tuyển bằng IELTS, TOEFL

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thí sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng, bởi xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 cũng sẽ không thay đổi quá nhiều, phương án tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định tương đối so với năm 2020, 2021.