Bộ GD-ĐT hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học

  • 14:00 | Thứ Hai, 13/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ngày 13-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 5766/BGDĐT-GDTT về việc "Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh Tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch COVID-19".
 
Điểm đáng chú ý của công văn này là hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp với hình thức tổ chức dạy học ứng phó với dịch COVID-19, khi thời điểm kiểm tra cuối học kỳ I của các cơ sở giáo dục phổ thông đã tới gần.
 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) tổ chức đón học sinh đi học trở lại theo đúng quy định 5K của Bộ Y tế. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) tổ chức đón học sinh đi học trở lại theo đúng quy định 5K của Bộ Y tế. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Đa dạng hình thức đánh giá thường xuyên     
 
Công văn nêu rõ, việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện theo quy định hiện hành, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng học tập của người học, linh hoạt trong tổ chức thực hiện khi ứng phó với dịch COVID-19.
 
Về đánh giá thường xuyên, đối với hình thức học tập qua truyền hình, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các nhà trường, giáo viên thực hiện giao nhiệm vụ học tập thông qua các hình thức linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế. Các thầy, cô cần hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập gắn với nội dung dạy học trên truyền hình; tổ chức thực hiện phiếu học tập để hướng dẫn học sinh tự học, hoàn thành nhiệm vụ học tập theo yêu cầu cần đạt của từng môn học và hoạt động giáo dục.
 
Nhà trường, giáo viên cần phối hợp với gia đình học sinh, các giáo viên thực hiện đánh giá học sinh trong quá trình học tập với hình thức phù hợp, hướng dẫn các em phản hồi thông tin qua phiếu học tập. Giáo viên cần ứng dụng công nghệ thông tin để giao bài và nhận bài làm, sản phẩm học tập của học sinh qua các ứng dụng phần mềm phổ biến, thuận tiện trong sử dụng như Zalo, Facebook, Email.
 
Đối với hình thức dạy học trực tuyến (hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến), trong quá trình giảng dạy giáo viên cần chú trọng việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; thực hiện linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật đánh giá thường xuyên theo quy định. Thầy, cô cần tăng cường khuyến khích, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ học trò tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoàn thành phiếu học tập, thu thập thông tin phản hồi qua các buổi học trực tuyến để đánh giá học sinh.
 
Nhà trường, giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn để cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá người học. Trong đó, phụ huynh cần khuyến khích, hỗ trợ học sinh tự học, luyện tập, thực hành, vận dụng và trải nghiệm kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống để hình thành các phẩm chất, năng lực theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục. Cha, mẹ cần quan sát các biểu hiện theo yêu cầu cần đạt của một số phẩm chất, năng lực ở học sinh thông qua trò chuyện, tương tác và giao nhiệm vụ cho học sinh ở nhà để phản hồi thông tin, trao đổi cùng giáo viên trong quá trình đánh giá.
 
Học sinh lớp 1, 2 làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tiếp
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, chỉ thực hiện việc đánh giá định kỳ khi học sinh đã được học nội dung chương trình các môn học, hoạt động giáo dục tương ứng; đã được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập và được tổng hợp kết quả đánh giá tại các thời điểm theo quy định (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học).
 
Các nhà trường có thể tổ chức đánh giá định kỳ linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với từng đối tượng và điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương.
 
Đối với lớp 1, lớp 2, việc tổ chức bài kiểm tra định được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Điều này là nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, cơ sở giáo dục phải thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
 
Cụ thể, nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường cần chia nhỏ số học sinh, số lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung "cốt lõi" trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học.
 
Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp thì cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng Giáo dục và Đào tạo để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. Ở trường hợp này, theo quy định trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
 
Đối với các lớp 3, lớp 4, lớp 5, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và phù hợp với tình hình phòng dịch COVID-19 tại địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá. Các nhà trường thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc. Riêng khối lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II đối với môn Toán, môn Tiếng Việt.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá đúng chất lượng học tập của người học. Nội dung đề kiểm tra phải phù hợp với yêu cầu cần đạt về nội dung học tập và các thành phần năng lực của môn học. Câu hỏi, bài tập kiểm tra phải được thiết kế đảm bảo các mức theo quy định, tập trung vào nội dung học tập "cốt lõi" theo công văn "Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành ngày 10-9-2021.
 
Theo Việt Hà (TTXVN)

tin liên quan

Vượt khó trong mùa dịch

(QBĐT) - Minh Hóa là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Để triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, huyện đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên, học sinh (GV, HS).

Tâm huyết truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho học sinh

(QBĐT) - Còn khá trẻ về cả tuổi đời và tuổi nghề, nhưng anh Lê Thanh Sơn (SN 1984), giảng viên Khoa Cơ khí và Xây dựng công trình (Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình) đã nỗ lực giành giải nhì hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2021 ngay trong lần đầu tham dự.
 

Cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tổ chức kỳ thi Olympic cho học sinh THPT

Ngày 12-12, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin về việc tổ chức kỳ thi Olympic năm học 2021-2022 cho học sinh trung học phổ thông (THPT) trên toàn quốc.