Ngành GD-ĐT Minh Hóa:

Vượt khó trong mùa dịch

  • 08:18 | Thứ Ba, 30/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Minh Hóa là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Để triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, huyện đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên, học sinh (GV, HS).
 
Chị Trần Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa cho biết: Từ tháng 7 đến nay, trên địa bàn huyện phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa, tiếp đến là tổ dân phố 9, tổ dân phố 5, thị trấn Quy Đạt, sau đó là xã Thượng Hóa, một số thôn của xã Trung Hóa, Hóa Hợp.
 
Nguồn lây chủ yếu là do công dân nhập cảnh qua biên giới, người về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Từ đợt dịch bùng phát đầu tiên đến nay (28-11), toàn ngành có 7 HS và 2 GV nhiễm Covid-19, 43 F1 là cán bộ quản lý, GV, nhân viên, 54 F1 là HS… (không tính những người đã hoàn thành cách ly).
 
Tuy nhiên, nhờ thực hiện khá tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các trường học. Minh Hóa cũng là địa bàn có tỷ lệ cán bộ quản lý, GV, nhân viên trong ngành GD-ĐT được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khá cao (96,7%) với 1.328/1.374được tiêm, trong đó có 1.273 người đã được tiêm 2 mũi, 55 người đã tiêm 1 mũi và 64 người chưa tiêm (chủ yếu là người có bệnh nền phức tạp…).
Học sinh Minh Hóa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi học tập trung.
Học sinh Minh Hóa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi học tập trung.
Để tổ chức tốt hoạt động dạy học, huyện đã liên tục thay đổi phương án, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức tốt hoạt động dạy học trực tuyến. Trong các thời điểm không thể đến trường học tập trung do phòng, chống dịch Covdi-19, các trường học đã có nhiều nỗ lực trong triển khai dạy học trực tuyến, học qua truyền hình.
 
Đối với các địa bàn và những HS không đủ điều kiện học tập, GV đã biên soạn bài giảng chi tiết, cụ thể và mang tới tận nhà cho HS, hướng dẫn HS cách học, làm bài tập. Ngay từ khi quay trở lại dạy học trực tiếp, các trường đều tranh thủ thời gian “vàng” để dạy bù, phụ đạo cho những HS không thể học trực tuyến, học qua truyền hình hoặc học nhưng hiệu quả không cao để bảo đảm cho HS nắm vững kiến thức cơ bản.
 
Hiện tại, toàn huyện có 9 trường học đang tổ chức dạy học trực tiếp (THCS Hồng Hóa, Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTTBT) TH-THCS Dân Hóa, PTDTBT TH-THCS số 2 Trọng Hóa, TH Xuân Hóa, TH Bãi Dinh, TH Hóa Lương, TH-THCS Hóa Phúc, TH-THCS số 1 Trọng Hóa). Một trường học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp (TH-THCS Hóa Sơn).
 
Riêng Trường TH-THCS Thượng Hóa không tổ chức dạy học trong thời điểm hiện tại vì địa bàn thuộc cấp độ 4 trong phòng, chống dịch Covid-19 và HS không đủ điều kiện để học trực tuyến. Theo thống kê, toàn huyện có 2.138/3.046 (70,1%) HS THCS và 4.300/6.117 (70,29%) HS TH đủ điều kiện học trực tuyến. Hiện tại, phần lớn các chương trình học đều chậm so với tiến độ, nhất là Trường TH-THCS Thượng Hóa vì đang ở khu vực phong tỏa.
 
Nguyên nhân của vấn đề trên là do các trường học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số địa bàn HS không thể học trực tuyến vì thiếu thiết bị, khả năng sử dụng các tiện ích của công nghệ thông tin còn hạn chế….
 
Đối với bậc học mầm non (MN), huyện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc hoàn thành chương trình giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi trước khi trẻ vào lớp 1. Hiện tại, huyện vẫn chưa tổ chức hình thức dạy học trực tiếp do nhiều trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung (12 trường). Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các trường xây dựng video clip hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà thông qua nhóm zalo và mạng xã hội…
 
Phòng GD-ĐT huyện cũng đã kêu gọi toàn ngành tham gia ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” với số tiền quyên góp được trên 323 triệu đồng để mua thiết bị học tập cho HS thuộc hộ nghèo ở các địa phương trên địa bàn huyện. Hiện tại, trường vẫn còn 8 HS đang mắc kẹt ở vùng dịch phía Nam. Trước những rào cản đó, huyện Minh Hóa khó có thể hoàn thành chương trình học kỳ I (trước ngày 16-1) theo kế hoạch.
 
Vì vậy, huyện đang tích cực, chủ động, áp dụng linh hoạt các biện pháp dạy học để có thể bảo đảm nội dung chương trình, gắn với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Song song với dạy học trực tiếp, đội ngũ cán bộ, GV thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ thiết bị cho HS có hoàn cảnh khó khăn để chủ động chuyển trạng thái dạy học tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
 
Năm học 2021-2022 được xác định là năm đầy khó khăn, thử thách của ngành GD-ĐT. Toàn ngành đã và đang tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch vừa giảng dạy hiệu quả. Cùng với toàn tỉnh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Minh Hóa đang triển khai kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp, tăng cường kỹ năng tự học cho HS và chú trọng giáo dục kỹ năng sống, trang bị cho HS những kiến thức phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe nhằm thích ứng an toàn trong mùa dịch.
 
                                                                                       Nh.V

tin liên quan

Tích cực thi đua "Dạy tốt-Học tốt"

(QBĐT) - Đứng chân trên địa bàn tổ dân phố 3, phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn), Trường tiểu học (TH) Quảng Phong được biết đến là một trong những điểm sáng của bậc giáo dục TH. 

Thành phố Đồng Hới: Chuyển hình thức dạy học phù hợp với tình hình mới

(QBĐT) - Từ ngày 29-11, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Đồng Hới, trừ địa bàn xã Bảo Ninh sẽ tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh (HS) các bậc học trên cơ sở bảo đảm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Xếp hạng, xếp lương theo thông tư mới phải bảo đảm quyền lợi giáo viên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, "thực sự có sự đổi mới về chế độ."