Chú trọng phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học

  • 08:38 | Thứ Bảy, 27/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa duy trì chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình đã tích cực, chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong nhà trường nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên. 
 
Bác sỹ Hồ Huy Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh trong các nhà trường khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, thời gian qua, CDC tỉnh đã lập kế hoạch phối hợp với các phòng GD-ĐT, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Ghi nhận tại Trường mầm non (MN) Nam Lý (TP. Đồng Hới), cứ đầu giờ học hàng ngày, các giáo viên, bảo vệ nhà trường đều có mặt trước cổng trường để thực hiện hướng dẫn, đo thân nhiệt, nhắc nhở các cháu bảo đảm giãn cách theo quy định; thực hiện phân luồng học sinh, tránh tình trạng tập trung quá đông ngoài cổng trường.
 
Trước đó, để bảo đảm an toàn môi trường lớp học, Trường MN Nam Lý đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới khử khuẩn toàn bộ khu vực từ ngoài sân vào các lớp học; phân công cán bộ, giáo viên vệ sinh, khử khuẩn bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, các đồ vật, đồ chơi, sàn nhà, phòng học, khu vệ sinh...
 Các trường học đầu tư thêm các máy đo thân nhiệt tự động.
Các trường học đầu tư thêm các máy đo thân nhiệt tự động.
Cô Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường MN Nam Lý cho biết: Hiện nay, trường có gần 550 trẻ, trong tổng số 21 nhóm lớp. Xác định vai trò quan trọng của y tế trường học trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhà trường đã kịp thời bổ sung trang thiết bị y tế; thành lập tổ chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 với sự tham gia của Ban giám hiệu, tổ trưởng các tổ chuyên môn, văn phòng, nhân viên y tế, ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện Trạm Y tế phường.
 
Trong đó, nhân viên phụ trách y tế có nhiệm vụ hướng dẫn, phối hợp với giáo viên các lớp theo dõi sức khỏe cho học sinh, vệ sinh trường lớp học, chú trọng công tác phòng, chống dịch cho các cháu. Trước khi các cháu ăn, ngủ và sau khi thức dậy đều thực hiện lau dọn vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ nhằm tạo môi trường an toàn nhất cho trẻ.
 
Ông Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay khi học sinh quay lại trường học, phòng đã có hướng dẫn tổ chức dạy học “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đến các nhà trường và yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong quá trình học tập. Mặt khác, chú trọng kiểm tra, rà soát, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị, chủ động xây dựng các phương án, đáp ứng với mọi tình huống của dịch có thể xảy ra.
 
Tại Trường tiểu học số 2 thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy), mỗi lớp học đều được bố trí dung dịch rửa tay để các em giữ vệ sinh thường xuyên, 100% học sinh và giáo viên tuân thủ nghiêm túc việc đeo khẩu trang khi đến trường học.
 
Học sinh tự chuẩn bị bình nước uống cá nhân, tránh tình trạng dùng chung ly cốc; nhà trường không tổ chức giờ ra chơi và giờ tan học được bố trí theo từng lớp, từng khung giờ để phụ huynh đón, hạn chế tụ tập đông người trước cổng trường. Nhà trường cũng đã chủ động bố trí phòng riêng để cách ly, theo dõi sức khỏe kịp thời khi phát hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt...
 
Trường tiểu học thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh) cũng tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn trường lớp sẵn sàng ứng phó với dịch. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thường xuyên việc đeo khẩu trang từ nhà đến trường và từ trường về nhà; cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19; khách tới làm việc với trường đều được quét mã QR…
 
Bên cạnh đó, trường rà soát, lập danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh có lịch trình đi-đến từ vùng có dịch, phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
 
Cô Lê Thị Hường, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Quán Hàu chia sẻ: Năm học 2021-2022, công tác dạy và học diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song cùng với sự nỗ lực và quyết tâm cao để hoàn thành “mục tiêu kép”, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch năm học linh hoạt.
 
Trong đó, nâng cao vai trò của y tế trường học, sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đến nay, cơ bản, các đơn vị trường học đều có phòng y tế riêng, thuận tiện cho công tác sơ cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
 
Ông Nguyễn Văn Thông, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT cho biết: Để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, sở đã xây dựng phương án tổ chức dạy học bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa duy trì chất lượng dạy và học.
 
Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ, kịp thời vật tư, thiết bị y tế (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay, máy đo thân nhiệt, thuốc y tế…); bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế bảo đảm theo quy định; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, công tác y tế trường học cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thông qua sổ liên lạc điện tử, hệ thống sổ tay phòng, chống Covid-19.
 
Các đơn vị trường học thực hiện vệ sinh, khử trùng trường lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế; kiện toàn bộ phận thường trực về công tác y tế trường học; tổ chức giao nhận học sinh tại cổng trường, đo thân nhiệt cho cán bộ, giáo viên, học sinh trước khi vào khu vực trường học; phân luồng lối vào ra khu vực trường; phân công cán bộ kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch theo quy định.
 
Đặc biệt, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa “thời gian vàng” để tổ chức dạy học trực tiếp nhằm nâng cao chất lượng dạy học; khi có nguy cơ của dịch bệnh (có F1, F2 trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh) thì kịp thời chuyển ngay sang hình thức dạy học trực tuyến để bảo đảm sức khỏe cho toàn trường.
 
Thành Trung
(CDC Quảng Bình)

tin liên quan

Tập trung triển khai hoạt động dạy học thích ứng, linh hoạt với dịch Covid-19

(QBĐT) - Chiều 26-11, Sở Giáo dục-Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ giữa học kỳ I năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Tăng mức đầu tư cho giảng viên học tiến sỹ – đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách

Nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, giảng viên bậc đại học, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030 (gọi tắt là Đề án 89).

Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo

Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8589/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.