Sáng tạo từ vùng lũ

  • 08:47 | Chủ Nhật, 21/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với dự án “Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh”, hai học sinh Nguyễn Khánh Trang và Đào Hoàng Quỳnh Như, lớp 8b Trường THCS thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa đã đạt giải nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021.
 
Chúng tôi gặp Trang và Như khi hai em vừa trở về sau cuộc thi KHKT cấp tỉnh vừa được tổ chức. Hai em không giấu nỗi niềm vui khi kể về những trải nghiệm tham gia cuộc thi. Với đề tài “Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh”, hai học sinh Trang và Như cùng thầy giáo hướng dẫn Cao Ngọc Giang đã đạt giải nhất tại hội thi cấp huyện, cạnh tranh cùng nhiều đề tài của các học sinh khác trong toàn tỉnh, các em tiếp tục đạt giải nhất cấp tỉnh, mang về niềm tự hào cho trường và cho ngành Giáo dục-Đào tạo huyện nhà.
 
Thầy giáo Phan Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Quy Đạt cho biết: "Ngay từ đầu năm học, nhà trường rất khuyến khích học sinh sáng tạo những đề tài hay và hướng các em thực hiện để tham gia hội thi sáng tạo KHKT do ngành phát động và đề tài “Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh” của hai em Trang và Như được chúng tôi lựa chọn đề động viên các em tham gia hội thi. Nhà trường tạo điều kiện tốt nhất để nhóm thầy, trò nghiên cứu, thực hiện sản phẩm."
Hai học sinh Nguyễn Khánh Trang và Đào Hoàng Quỳnh Như cùng thảo luận với thầy giáo về thiết bị cảnh báo mực nước thông minh.
Hai học sinh Nguyễn Khánh Trang và Đào Hoàng Quỳnh Như cùng thảo luận với thầy giáo về thiết bị cảnh báo mực nước thông minh.
Nói về lý do chọn đề tài này, em Nguyễn Khánh Trang cho biết: Từ thực tế trong những năm gần đây trên địa bàn huyện Minh Hóa, vấn đề thiên tai, lũ lụt xảy ra dẫn đến tình trạng mưa kéo dài thường xuyên, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, của cải và môi trường sinh thái...
 
Việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra đang là một vấn đề hết sức cấp bách được nhiều tổ chức và các nhà khoa học trên thế giới tập trung nghiên cứu. Với địa bàn Huyện Minh Hóa do địa đồi núi, khe suối nhiều cho nên nước lũ (lũ ống, lũ quét..) thường xuyên xảy ra.
 
Dù trên thị trường đã có những thiết bị cảnh báo mực nước, nhưng để phù hợp với địa hình của những vùng rốn lũ như Tân Hóa, Minh Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến của huyện Minh Hóa, hai em Trang và Như đã suy nghĩ và nghiên cứu chế tạo ra một sản phẩm cảnh báo mực nước thông minh, có thể khắc phục được các nhược điểm của các thiết bị đang có trên thị trường.
 
Từ ý tưởng đến hoàn thiện dự án “Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh”, 3 thầy trò phải mất hơn 1 năm nghiên cứu, tự mày mò, lắp đặt. Ưu điểm của thiết bị này là chi phí lắp đặt rẻ, kích thước gọn nhẹ, dễ dàng vận chuyển, lắp đặt, thân thiện với người dùng, chỉ cần hướng dẫn 20 phút là bất cứ ai cũng có thể dùng được; phương thức báo động nhanh chóng trực tiếp tại vị trí đặt, không cần sử dụng sức người; sử dụng các linh kiện dễ kiếm trên thị trường.
 
Việc sử dụng mã nguồn mở ngôn ngữ lập trình Arduino, không khác gì một máy tính thu nhỏ, cho phép người dùng có thể lập trình và thực hiện các dự án điện tử mà không cần phải có các công cụ chuyên biệt, để phục vụ việc nạp mã code. Chỉ cần 10 dụng cụ với giá thành rất rẻ, tổng chi phí hơn 3 triệu đồng là đã có một thiết bị cảnh báo mực nước thông minh. Trong khi giá bán của các thiết bị cảnh báo mực nước trên thị trường hiện trên dưới 100 triệu đồng chưa kể chi phí bảo dưỡng mỗi năm trên 18 triệu đồng.
 
Trong quá trình tham gia hội thi, vượt qua rất nhiều đề tài khác, hai em Trang và Như đã tự tin thuyết phục ban giám khảo để giành được số điểm cao nhất. Em Đào Hoàng Quỳnh Như chia sẻ: "Chúng em nghiên cứu đề tài rất kỹ, trong quá trình thực hiện đã xử lý những lỗi nhỏ nhất để cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Chính vì vậy, những câu hỏi ban giám khảo đưa ra chúng em đều trả lời được."
 
Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh này sẽ cảnh báo cho người dân thường xuyên qua lại khe suối, ngầm tràn và những người dân sống xung quanh khu vực thường xuyên ngập được biết mức độ nguy hiểm; trợ giúp cho các nhà chức năng có biện pháp kịp thời di dời dân đến nơi an toàn, giảm thiệt hại về người và tài sản; xây dựng biện pháp phòng, chống các đợt lũ.
 
Một ưu điểm nữa là thiết bị có cảnh báo bằng giọng nói thiết thực với người dân ở các vị trí xa không thể nhìn qua bảng LED; đồng thời, lưu lại dữ liệu để làm cơ sở báo cáo số liệu hàng năm, nhằm có biện pháp phòng, chống lũ cho từng địa phương. Sản phẩm có thể truyền hình ảnh, video thực tế tại các vị trí đặt thiết bị. Với sự thông minh của thiết bị cảnh báo mực nước, đề tài của hai em Trang và Như nếu các cơ quan chức năng đầu tư thỏa đáng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
 
Thùy Linh