Mô hình "Trường học an toàn về an ninh trật tự":

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

  • 12:03 | Thứ Sáu, 11/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên địa bàn toàn tỉnh, các loại tội phạm diễn biến khá phức tạp, có dấu hiệu gia tăng, trong đó, lứa tuổi thanh thiếu niên phạm tội đáng báo động. Việc thực hiện hiệu quả mô hình “Trường học an toàn về an ninh trật tự (ANTT)" giai đoạn 2016-2020 góp phần ổn định an ninh chính trị; trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
 
Thực trạng ANTT trong trường học
 
Theo Đại tá Trần Quang Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh, tình hình ANTT trường học những năm qua khá ổn định, số vụ việc liên quan đến ANTT học đường năm sau giảm so với các năm học trước. Theo số liệu, năm học 2015-2016, toàn tỉnh xảy ra 64 vụ; năm học 2017-2018 có 57 vụ; năm học 2018-2019 còn 48 vụ và đến năm học 2019-2020 chỉ có 46 vụ.
 
Học sinh, sinh viên (HSSV) vi phạm pháp luật còn nhiều vấn đề cần quan tâm, từ năm học 2015-2016 đến tháng 7-2020, toàn tỉnh xảy ra 278 vụ việc với 451 đối tượng liên quan đến ANTT trường học, trong đó số vụ việc do đối tượng ngoài xã hội gây ra là 47 vụ với 65 đối tượng (đánh nhau, gây rối trật tự 24 vụ, 38 đối tượng; cố ý gây thương tích 3 vụ; trộm cắp tài sản 8 vụ; vi phạm khác 11 vụ, 15 đối tượng…).
 
Các vụ việc do HSSV gây ra là 148 vụ liên quan đến 295 đối tượng, trong đó gây gổ đánh nhau mất trật tự 130 vụ, 257 đối tượng; cố ý gây thương tích 4 vụ, 6 đối tượng; trộm cắp tài sản 1 vụ, 1 đối tượng; cờ bạc, cá độ 1 vụ và vi phạm khác 9 vụ; có 83 vụ việc liên quan đến vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT).
 
Nghiêm trọng nhất, có 2 HS bị khởi tố về tội danh “Giết người” là Đinh Phú Quang (SN 2000), HS Trường THCS Xuân Hóa (Minh Hóa) xảy ra năm 2016 và Nguyễn Thế Tài (SN 2002), HS Trường THCS Mai Hóa (Tuyên Hóa) xảy ra năm 2017. Các vụ việc liên quan đến ANTT trường học còn lại xuất phát chủ yếu từ mâu thuẫn cá nhân; xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; sử dụng, tham gia trò chơi trên không gian mạng thiếu lành mạnh; vi phạm trật tự ATGT; gây rối trật tự công cộng…
 
Kết quả xây dựng mô hình “Trường học về ANTT”
 
Ông Võ Khắc Hoan, Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung cho biết: “Trường cao đẳng Luật miền Trung nguyên là Trường trung cấp Luật Đồng Hới, từ năm 2012 đến nay đã và đang đào tạo cho hơn 2.000 HSSV đến từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước và khoảng 300 lưu HS nước ngoài. Đứng chân ở vùng đất phía Tây tỉnh, địa bàn khá phức tạp, nhưng thời gian qua, ANTT của nhà trường được bảo đảm vì chúng tôi luôn quán triệt các nhóm vấn đề sau: liên tục hoàn thiện thể chế quản lý HSSV và cơ chế quản lý khu nội trú chặt chẽ; có hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động của nhà trường; phối hợp với TAND tỉnh tổ chức nhiều phiên tòa lưu động xét xử tại trường; hàng tháng, hàng quý đều có phiếu thông tin của HSSV gửi về cho gia đình và địa phương nơi cư trú… Đặc biệt, nhà trường chủ động ký kết chương trình phối hợp với Công an phường Bắc Lý, Công an tỉnh trong vấn đề quản lý ANTT trường học”.
Trường cao đẳng Luật miền Trung là điểm sáng trong xây dựng mô hình “Trường học về ANTT”.
Trường cao đẳng Luật miền Trung là điểm sáng trong xây dựng mô hình “Trường học về ANTT”.
Trường cao đẳng Luật miền Trung trở thành một điểm sáng trong xây dựng mô hình “Trường học về ANTT” theo Quy chế phối hợp số 611/2016/LN-CAT-SGDĐT năm 2016 của Công an tỉnh và Sở GD-ĐT về công tác bảo đảm ANTT, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục.
 
Qua 5 năm triển khai mô hình, đến nay, đã có 589/598 nhà trường đạt chuẩn “Trường học ANTT”, trong đó 36/41 trường cấp tỉnh; 553/557 trường cấp huyện. Trên địa bàn toàn tỉnh xây dựng được 1.706 loại mô hình và tổ chức nòng cốt bảo đảm ANTT trường học. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, phát huy tác dụng, như: Đội an ninh trường học, Lớp học tự quản, Cổng trường an toàn, Đội cờ đỏ tự quản, Đội xung kích trường học (huyện Bố Trạch); mô hình liên kết “Trường-xã-phường bảo đảm ANTT”, Đội thanh niên xung kích, Đội tự vệ, Đội tuyên truyền măng non (huyện Quảng Trạch); mô hình “Cờ an toàn giao thông”, “Giúp bạn đến trường” của Trường THPT Hùng Vương; các mô hình CLB phòng chống ma túy, CLB tuyên truyền ATGT, CLB pháp luật của Đoàn Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp…
 
Công tác xây dựng lực lượng nòng cốt trong thực hiện mô hình “Trường học ANTT” luôn được Ban Chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhà trường quan tâm. Đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách lực lượng nòng cốt là những người tâm huyết, tiên phong trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức HS, có ý thức trách nhiệm cao trong bảo đảm ANTT trường học.
 
Theo ông Hồ Giang Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp số 611/2016/LN-CAT-SGDĐT giữa Công an tỉnh và Sở GD-ĐT về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục, trong thời gian tới, hai ngành Công an và Giáo dục cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp về xây dựng mô hình “Trường học an toàn về ANTT”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, HSSV.
 
Đồng thời, cần chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống tội phạm, phòng ngừa ma túy, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội; tập trung xây dựng các mô hình tự quản bảo đảm ANTT trong trường học, như: Đội thanh niên xung kích, Đội cờ đỏ, Lớp tự quản, Ký túc xá tự quản; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường…
 
Thanh Long