Cô trò gồng mình qua những ngày rét mướt

  • 08:38 | Thứ Hai, 21/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tại các trường học vùng núi phía tây của tỉnh Quảng Bình, ngoài việc dạy dỗ học sinh trên lớp, các giáo viên đang nỗ lực vận động, kêu gọi cộng đồng hỗ trợ chăn màn, áo ấm và vật dụng cho học sinh để giúp các em ấm áp hơn trong những ngày mùa đông rét mướt.
 
Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại đang diễn ra ở khu vực miền Trung, đặc biệt là ở miền núi, giáo viên các trường học ngoài việc duy trì sĩ số hàng ngày còn phải tìm mọi biện pháp để giữ ấm cho học sinh trong những ngày giá rét.
 
Ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Minh Hóa cho biết, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh trước diễn biến bất thường của thời tiết, Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tập trung việc chống rét cho học sinh khi đến trường. Các trường học chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để các em học sinh được ngủ ấm, lớp học đủ ánh sáng và kín gió, tăng thêm khẩu phần ăn đối với học sinh ở bán trú, mọi hoạt động học tập của học sinh được bảo đảm.
Giáo viên các Trường mầm non ở Tuyên Hóa tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ áo ấm cho học sinh.
Giáo viên các Trường mầm non ở Tuyên Hóa tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ áo ấm cho học sinh.
Tuy nhiên, Minh Hóa là huyện còn nhiều khó khăn,  việc đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế, có nhiều điểm trường lẻ học sinh đã và đang phải học ở những phòng học tạm bợ, nhà lắp ghép nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc học của các em.
 
Tại các điểm trường thuộc xã Dân Hóa, Trọng Hóa… được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, ở đây đã có những phòng học, nhà lắp ghép để học sinh có chỗ học. Tuy nhiên, nhà lắp ghép vẫn bộc lộ một số yếu điểm như vào mùa nắng thì quá nóng, còn mùa lạnh thì gió lùa vào làm các em lạnh thêm.
Gíao viên Trường mầm non Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa bổ sung nước ấm cho các cháu.
Gíao viên Trường mầm non Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa bổ sung nước ấm cho các cháu.
"Để khắc phục, Phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa đã đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí mua quạt hơi nước, gia cố phòng học để học sinh chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bảo đảm được sĩ số và giữ được sức khỏe cho các em. Mong rằng, trong thời gian tới, các điểm trường vùng khó sẽ được quan tâm đầu tư phòng học kiên cố hơn, ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hè để học sinh đến trường an tâm học tập…", ông Đinh Tuấn Anh tâm sự.
 
Tại điểm trường mầm non bản Cà Xen thuộc xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, nơi học tập của 22 học sinh dân tộc Chứt, các em đang học trong ngôi nhà cấp 4 khoảng 35m2. Các em đều là người dân tộc thiểu số, chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn và thiếu thốn. Trong những ngày giá rét, nhà trường đã tăng cường bổ sung thêm chăn, đệm ấm cho các em để sức khỏe các em được bảo đảm.
Cô và trò miền núi vẫn miệt mài học tập trong giá rét.
Cô và trò miền núi vẫn miệt mài học tập trong giá rét.
Cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Lạng, xã Thanh Hóa tâm sự: Là trường học ở địa bàn vùng khó, thường ngày việc vận động các em học sinh đến trường đã khó khăn nay điều kiện thời tiết rét mướt như vậy càng khó hơn.
 
Những buổi sáng, giáo viên của nhà trường phải đến nhà để động viên và chở các em đến trường. Mong muốn của nhà trường là có cái máy lọc nước nóng lạnh để thường xuyên có nước ấm cho các cháu uống nhưng chưa đủ kinh phí, hàng ngày, các giáo viên phải nấu nước sôi để hòa vào bình cho đủ ấm. Thời tiết ở vùng núi khá lạnh, nhà trường cũng chỉ tổ chức việc dạy học cho các cháu trong phòng thôi, những hoạt động ngoài trời đã được cắt giảm để bảo vệ sức khỏe cho học sinh.
 
Sau bão lũ, các giáo viên và cả lãnh đạo nhà trường đều đi tìm nguồn tài trợ để mong họ hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ việc học cho học sinh. Những mặt hàng như đồ dùng học tập, áo quần ấm, chăn màn cho các em dùng trong mùa đông cũng đã được chia sẻ để các em đến trường ấm áp hơn…
 
Vĩnh An