Thầy, trò vùng lũ vượt gian khó

  • 08:33 | Chủ Nhật, 22/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có lẽ, chưa bao giờ miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Bình lại bị thiên tai dồn dập đến vậy, bão chồng bão, lũ chồng lũ gây nhiều thiệt hại, trong đó có ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Sau bão lũ, trường lớp bị hư hỏng, sách vở, đồ dùng học tập đều bị lũ cuốn trôi khiến công tác tổ chức dạy học trở lại gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ trong gian nan đó, thầy và trò vùng lũ Quảng Bình đã lan tỏa tinh thần vượt khó để vươn lên.
 
Những câu chuyện vượt khó… khó quên
 
Bản Sắt, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) không chỉ bị ngập sâu, nước ngâm nhiều ngày mà còn bị lở núi nguy hiểm nên chính quyền và Bộ đội Biên phòng phải di dời bà con đến khu vực an toàn. Điểm trường cũng bị ngập tới mái, nửa tháng mà nước vẫn sâu. Thế là cùng với nơi ở cho 34 hộ dân, Bộ đội Biên phòng còn dựng cho điểm trường một cái lán làm lớp học tạm để các em theo kịp chương trình.
 Điểm trường bản Sắt, xã Trường Sơn có nguy cơ bị sạt lở, học sinh phải học tạm trong lán do Bộ đội Biên phòng dựng.
Điểm trường bản Sắt, xã Trường Sơn có nguy cơ bị sạt lở, học sinh phải học tạm trong lán do Bộ đội Biên phòng dựng.
Cô Từ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú tiểu học Trường Sơn cho biết, trường có 90% học sinh là con em đồng bào Vân Kiều với 8 điểm trường và 306 học sinh. Sáng 9-11-2020, học sinh tại bản Sắt được đi học trở lại tại lớp học vừa dựng tạm là điểm trường cuối cùng tổ chức được dạy học trở lại sau trận lũ lớn. Lớp học này gồm 15 em thuộc các lớp 1,2 và 3.
 
Riêng học sinh lớp 4 được đưa về học tập và ở nội trú tại trường trung tâm. “Cô, trò tại bản Sắt học tại lớp học tạm này, khi đủ điều kiện an toàn thì sẽ về điểm trường cũ. Để kịp chương trình, chúng tôi dạy cả thứ 7 và chủ nhật. Trong những ngày qua, trường đã vận động và hỗ trợ đầy đủ về sách vở, quần áo, giày dép cho các em học sinh, không để các em không thiếu thốn.”, cô Hà chia sẻ.
 
Trận mưa lũ “lịch sử” trong tháng 10 vừa qua đã khiến 2 xã vùng cao huyện Bố Trạch là Tân Trạch và Thượng Trạch bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài trong thời gian dài. Nước rút chậm, tuyến giao thông độc đạo nối miền xuôi với vùng cao này là đường 20 Quyết Thắng cũng như các đường từ trung tâm xã về các bản bị sạt lở nghiêm trọng. Các thầy, cô giáo Trường PTDT nội trú Bố Trạch rất lo cho sự an toàn của hơn 280 học sinh nội trú.
 
Trước tình hình này, thầy Hiệu trưởng Hoàng Đức Hòa chia sẻ: “Lương thực dự trữ đã cạn kiệt sau hai tuần cầm cự với mưa lũ. Từ bảo đảm lương thực, thực phẩm đầy đủ cho học sinh, chúng tôi chuyển qua nấu cầm chừng, bữa ăn chỉ còn là cơm trắng và cá khô. Dè sẻn dần rồi cũng hết, không còn cách nào khác là phải băng qua lũ dữ để ra bên ngoài tìm lương thực, thực phẩm cho học sinh”.
 
Các thầy quyết định lên rừng chặt chuối kết thành bè, để bám vào đó, vượt qua các điểm ngập sâu, ra bên ngoài tìm cách tiếp tế lương thực cho học sinh. “Kết bè chuối vượt lũ là việc làm diễn ra hàng năm, trở thành kỹ năng của thầy, cô giáo khi lên dạy học ở Tân Trạch, Thượng Trạch. Song năm nay, nước lũ ngập quá sâu, chia cắt lâu ngày nên bè chuối là phương tiện duy nhất để chúng tôi di chuyển trên các đoạn ngập nước ra ngoài.”, thầy Hòa nói thêm.
 
Bây giờ, con đường độc đạo xuyên rừng già Phong Nha-Kẻ Bàng vào Thượng Trạch dù đã thông nhưng vẫn còn những bất trắc khó lường trong mùa mưa lũ. Thế nhưng, để đưa cái chữ lên với con em đồng bào Ma Coong, Vân Kiều ở vùng biên giới Thượng Trạch, những cán bộ, giáo viên của Trường PTDT nội trú Bố Trạch vẫn kiên trì bám trụ, vượt muôn vàn khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
 
Gượng dậy sau lũ
 
Ở vùng “rốn lũ” nhưng chưa bao giờ cô giáo Hồ Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy) lại chứng kiến trận lũ kinh hoàng như thế. Mưa đặc biệt lớn nên nước lên rất nhanh trong đêm. Người dân Sơn Thủy kéo nhau lên trú trên gác tránh lũ, vị trí cao nhất trong mỗi ngôi nhà, nhưng gần nửa đêm, nước ngập tới, nhiều người phải dỡ ngói trèo lên mái nhà cầu cứu. 
   Học sinh Trường TPT Lệ Thủy học trở lại sau nhiều ngày nghỉ do mưa lũ.
Học sinh Trường TPT Lệ Thủy học trở lại sau nhiều ngày nghỉ do mưa lũ.
Khi lũ bắt đầu rút, cô Thư và đồng nghiệp mượn được chiếc thuyền đến thăm trường thì trước mắt là nhiều đoạn tường rào đổ sập, hệ thống cửa phòng khu hiệu bộ và phòng học bị sóng đánh tan tành, nhiều mảng tường bong trốc, hư hỏng. Nước dâng cao, dù đã cẩn thận cất giữ nhưng nhiều tài sản của nhà trường bị ướt, sổ sách trôi trắng phòng. Trước khung cảnh tan hoang ấy, các cô giáo đã òa khóc.
 
Cô Hồ Thị Anh Thư cho biết, trước đây, hơn 600 học sinh được phân bổ học tại 2 điểm trường thì nay phải bố trí về 1 điểm. Các em di chuyển từ điểm trường lẻ đến điểm trung tâm để học quá xa. Để hỗ trợ học sinh điểm trường lẻ, các cô giáo đã tự đóng góp nguồn lực, thực phẩm tổ chức ăn bán trú tạm thời cho các em đến từ điểm trường lẻ.
 
Trận lũ lịch sử đã trôi qua nhiều ngày nhưng đến nay, điểm trường mầm non thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy chưa thể đón trẻ trở lại bởi toàn bộ bức tường che chắn phòng học đã bị đổ sập. Để bảo đảm an toàn cho trẻ cũng như khung chương trình dạy học, nhà trường chuyển 170 cháu tại điểm trường Đại Phong về học tập trung tại điểm trường chính ở thôn Thượng Phong.
 
Theo lãnh đạo nhà trường, việc ghép trẻ về một điểm trường cũng gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất thiếu thốn, số lượng trẻ trong mỗi lớp tăng nên việc chăm sóc, dạy dỗ của giáo viên cũng vất vả hơn. Mặt khác, phụ huynh ở điểm trường lẻ phải di chuyển xa hơn khi đưa đón trẻ đến học tại điểm trường trung tâm.
 
Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vững cho biết: “Để khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử này, chúng tôi cần nguồn kinh phí lớn để tu sửa lại trường lớp, hàng rào, trang thiết bị dạy và học. Hiện, ở những điểm trường, phòng học hư hỏng chưa thể tổ chức dạy học được, chúng tôi chỉ đạo dồn điểm, ghép lớp, vận động hỗ trợ sách vở để học sinh đến trường học tập.”
 
Từ trong khó khăn, hoạn nạn do thiên tai, thầy, trò vùng lũ Quảng Bình vẫn ánh lên tinh thần lạc quan và ấm áp yêu thương thông qua bức thư cảm động mà thầy Hà Văn Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Ninh gửi cho học sinh trước ngày đi học trở lại sau đợt lũ lụt.
 
Bức thư có đoạn: “Vậy là nước lũ đã rút, nhiều gia đình đang cố gắng dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, và thầy biết nhiều em cũng đang sắp xếp áo quần, sách vở-dù không còn nhiều để xếp-chuẩn bị ngày mai đi học trở lại. Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé! Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc dép có quai hậu, chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!
 
Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường Quảng Ninh mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để “learn by heart” mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé! Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt và nhớ ghi rõ tên và trường để bà con gửi trả về nếu lỡ nước có cuốn trôi, em nhé!”.
 
Và sau cuối, bức thư kết thúc bằng những lời truyền cảm hứng và niềm tin về một ngày mai tươi sáng: “Ngày mai đi học, thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập và thầy tin tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta!”.
 
Bức thư thương yêu được gói trong những ngôn từ dung dị của tuổi học trò, đậm giá trị nhân văn, khiến nhiều người xúc động. Từ đó lan tỏa tinh thần vượt qua gian khó do thiên tai để vươn lên của thầy, cô giáo và học sinh vùng lũ Quảng Bình.
 
Hoàng Phúc