Thầy giáo trẻ đam mê nghiên cứu khoa học

  • 09:46 | Thứ Ba, 13/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, ngoài giảng dạy, thầy giáo Phạm Xuân Hậu, Trưởng khoa Kỹ thuật-Công nghệ thông tin, Trường đại học Quảng Bình đã dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học với nhiều công trình, đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống.
 
Sinh ra và lớn lên ở làng Uẩn Áo, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, từ nhỏ, thầy giáo Phạm Xuân Hậu (SN 1980) đã luôn cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp ngành Tin học (Trường đại học Sư phạm Huế), từ năm 2003, thầy về công tác tại Trường đại học Quảng Bình. Sau đó, thầy Phạm Xuân Hậu lần lượt bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 2007; bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Trường đại học Yeungnam, Hàn Quốc, chuyên ngành Kỹ thuật máy tính vào năm 2013 khi mới 33 tuổi.
 
Say mê và tâm huyết với nghề, thầy giáo trẻ ấy luôn khao khát làm giàu tri thức, chiếm lĩnh nhiều hơn nữa những kiến thức chuyên ngành để truyền đạt cho sinh viên. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, thầy ở lại Hàn Quốc thêm 1 năm nữa để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu ngành Kỹ thuật máy tính phục vụ cho công tác giảng dạy.
 
Năm 2014, thầy trở về trường tiếp tục công việc giảng viên. Trong quá trình giảng dạy, thầy Phạm Xuân Hậu luôn truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho các học viên, sinh viên. Với niềm đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ, thầy Hậu trở thành giảng viên trẻ có nhiều nghiên cứu và bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế. 
  Bên cạnh công tác giảng dạy, thầy giáo Phạm Xuân Hậu còn dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh công tác giảng dạy, thầy giáo Phạm Xuân Hậu còn dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học.
Thầy đã xuất bản 12 bài báo trên tạp chí quốc tế, trong đó có 6 bài trong tạp chí có chỉ số ISI (có 2 bài SCI) và 6 bài hội nghị quốc tế, xuất bản 5 bài báo trong nước. Các bài báo của thầy đã góp phần nâng tầm Trường đại học Quảng Bình trên bảng xếp hạng quốc gia và khu vực.
 
Bên cạnh đó, thầy còn chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp bộ do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ, hầu hết các đề tài đều có tính khoa học và tính thực tiễn cao. Ngoài ra, thầy đã hướng dẫn thành công cho 3 học viên cao học, hướng dẫn 10 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
 
Đặc biệt, với đặc thù khoa Kỹ thuật-Công nghệ thông tin có nhiều sinh viên Lào nói và viết tiếng Việt còn yếu, ý tưởng xây dựng ứng dụng Từ điển Lào-Việt trên điện thoại thông minh đã được thầy ấp ủ từ lâu. Năm 2018, thầy cùng với cộng sự xây dựng thành công ứng dụng này trên điện thoại thông minh.
 
Nói về ứng dụng này, TS. Phạm Xuân Hậu cho biết: “Hiện nay, trên hệ thống kho ứng dụng của Play Store đã có các ứng dụng về từ điển cho các ngôn ngữ khác nhau sang tiếng Việt và ngược lại, trong đó có cả từ điển Việt-Lào. Tuy nhiên, các sản phẩm đó sử dụng còn phức tạp, một số chưa mô tả đầy đủ các từ và minh họa, việc dịch văn bản còn chưa được tích hợp nên người sử dụng gặp nhiều khó khăn. Từ những hạn chế đó chúng tôi đã tìm hiểu và xây dựng thành công ứng dụng Từ điển Lào-Việt trên điện thoại thông minh".
 
Tính mới của ứng dụng là hệ thống sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu thời gian thực dựa vào lưu trữ đám mây và nội dung từ điển được tổ chức theo cấu trúc dữ liệu định dạng phù hợp nên tốc độ tìm kiếm, trả về nhanh, việc bổ sung, cập nhật từ thuận lợi và nhanh chóng. Các từ đều có phần phát âm, phiên âm và đính kèm các hình ảnh minh họa, các diễn giải và ví dụ cần thiết giúp người dùng hiểu rõ hơn về từ đó.
 
Bên cạnh đó, người dùng còn có thể bổ sung nguồn từ điển của mình cho ứng dụng, các từ mới sẽ lưu cục bộ trên máy người dùng và sẽ được cập nhật lên cơ sở dữ liệu khi đã qua kiểm duyệt để mọi người có thể sử dụng, giúp cơ sở dữ liệu của ứng dụng ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
 
Hệ thống từ điển Lào-Việt rất hữu ích bởi đối tượng có nhu cầu tương đối nhiều trong đó phải kể đến, như: sinh viên, người lao động, khách du lịch, bộ đội biên phòng... Sản phẩm có thể cài đặt một cách dễ dàng thông qua Play Store trên điện thoại thông minh. Người dùng truy cập và thử nghiệm sản phẩm trực tiếp vào Play Store của Google, nhập từ khóa tìm kiếm là LaoViet Dictionary-Từ Điển Lào Việt.
 
Với những ưu điểm vượt trội và tính thực tiễn cao nên sáng kiến này đã đạt giải ba trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình năm 2019, đạt giải khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
 
Với cương vị là Trưởng khoa Kỹ thuật-Công nghệ thông tin, thầy Phạm Xuân Hậu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, từng bước khắc phục những khó khăn, phát huy những thế mạnh của mình, cùng tập thể cán bộ giảng viên xây dựng khoa ngày càng vững mạnh, đồng thời vừa truyền thụ kiến thức, vừa truyền lửa nhiệt huyết cho các em sinh viên của trường trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
Nhận xét về đồng nghiệp của mình, PGS.TS Hoàng Dương Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình cho biết, TS. Phạm Xuân Hậu là một cán bộ quản lý tốt, giảng viên giỏi có năng lực và uy tín, đã lãnh đạo khoa Kỹ thuật-Công nghệ thông tin trong nhiệm kỳ qua đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
 
Thầy Hậu luôn có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động trong công việc, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ năm 2014 đến nay, thầy Hậu đã được tặng 4 danh hiệu chiến sỹ thi đua (CSTĐ) cấp cơ sở, 1 CSTĐ cấp tỉnh, 1 bằng khen của Bộ GD-ĐT, 1 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và 1 bằng khen của Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
 
Để Trường đại học Quảng Bình nói riêng, đội ngũ trí thức của tỉnh nói chung có nhiều cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” và phát triển khoa học kỹ thuật, rất cần những tấm gương sáng như thầy Phạm Xuân Hậu.
 
Thanh Hoa