Hoạt động trải nghiệm là bắt buộc nhưng không thể thu tiền tràn lan

  • 08:15 | Thứ Bảy, 03/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Năm học 2020-2021, lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào triển khai với học sinh lớp 1. Trong đó, hoạt động trải nghiệm là môn học bắt buộc nằm trong chương trình chính khóa, xuyên suốt các cấp học. Nhưng đâu đó vẫn có tình trạng thu tiền môn học này qua hình thức đi dã ngoại, phong trào trải nghiệm.
 
Không bắt buộc đóng góp      
 
Những năm gần đây, nhiều trường học tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, tham quan thực tế… Để tổ chức chuyến đi như vậy cần các dịch vụ như xe đưa đón, tiền vé tham quan (nếu có), ăn uống… Và thường Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp đứng ra thu tiền của học sinh để trang trải cho các hoạt động này.  
Các em nhỏ tham gia hoạt động trải nghiệm: tìm hiểu cờ, tiền tệ và thủ đô các nước. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
Các em nhỏ tham gia hoạt động trải nghiệm: tìm hiểu cờ, tiền tệ và thủ đô các nước. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
Tuy nhiên, năm học 2020 - 2021, hoạt động trải nghiệm trở thành môn học bắt buộc. Do đó, việc có nơi thu tiền khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. 
 
Chị N.T.M (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Ngay từ buổi họp phụ huynh, hoạt động trải nghiệm được cô giáo nói là môn học bắt buộc. Nhưng để đa dạng hoạt động này thì có lúc học sinh được đi tham quan thực tế. Để có thể tổ chức chuyến đi cần kinh phí và để thu phí thì cần sự đồng thuận của phụ huynh. Một số phụ huynh lớp con tôi rất băn khoăn. Có phụ huynh kiên quyết không cho con tham gia, không nộp tiền”.  
 
Về việc học sinh phải đóng kinh phí cho hoạt động trải nghiệm, giáo viên lý giải rằng để đảm bảo sự đa dạng hoá của hoạt động trải nghiệm và theo chủ trương xã hội hoá của môn học này. 
 
Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm: Chương trình hoạt động trải nghiệm là chương trình giáo dục bắt buộc nên không đòi hỏi việc đóng góp. Các trường học có thể tổ chức những hoạt động trải nghiệm mang tính xã hội như tình nguyện, vì cộng đồng nhưng kinh phí không tốn kém và lại rất hiệu quả, thiết thực với xã  hội.   
 
Với những hoạt động trải nghiệm mang tính chất khám phá hay đi thực địa như các cuộc tham quan, dã ngoại… cần được “xã hội hóa” từ các tổ chức đoàn thể, các đơn vị, cá nhân hỗ trợ để nhà trường thực hiện tốt. Điều này cần nhà trường chủ động thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục.  
 
Tuy nhiên, theo PGS TS Đinh Thị Kim Thoa, các khoản kinh phí phát sinh có thể sử dụng từ đóng góp của phụ huynh và từ công tác “xã hội hóa” nhưng cũng cần được các bên thống nhất, công khai.  
 
Không thể trở thành “phong trào trải nghiệm”     
 
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học giúp hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; Thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; Biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; Hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; Có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.     
 
Làm rõ về các hình thức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Hoạt động trải nghiệm trong chương trình phổ thông 2018 là một môn học bắt buộc và là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học được gọi là hoạt động trải nghiệm, ở THCS và THPT là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
 
Theo TS Thái Văn Tài thì hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học có nội dung cơ bản như sau: Với quy mô nhóm nhỏ (hoạt động trải nghiệm tích hợp trong chính tiết học). Ví dụ, hoạt động trải nghiệm môn Toán thì giáo viên vận dụng phép cộng giải quyết vấn đề trong cuộc sống; Với quy mô nhóm vừa là giữa các lớp với nhau hoặc giữa các khối trong toàn trường được hoạt động theo chủ đề tích hợp; Quy mô nhóm lớn là hoạt động theo thiết kế của nhà trường. Đối với nhóm lớn này nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch theo nhu cầu người học và đóng góp theo văn bản quy định.      
 
“Điều đó có nghĩa là có những hoạt động nhà trường công khai bắt buộc như học chính khoá; Có những hoạt động theo nhu cầu người học thì nhà trường, giáo viên phải tiến hành khảo sát nhu cầu, công khai từng bước các khoản thu để tham gia hoạt động trải nghiệm”, TS Thái Văn Tài cho biết. 
    
Còn PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT khẳng định: Hoạt động trải nghiệm không thể tổ chức thành “phong trào trải nghiệm” - một năm tổ chức mấy đợt bên ngoài nhà trường, rồi thu tiền của phụ huynh – như thế là không đúng tinh thần. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm là môn học bắt buộc. Hoạt động này có lồng ghép trong các môn học.
 
Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm để thu tiền (nếu có) của phụ huynh, đưa học sinh đi thăm quan bên ngoài… đều phải theo quy định, ngay cả khi có nhà tài trợ cũng phải thực hiện theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ GD&ĐT “Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh”.         
 
Theo Lê Vân (Báo Tin tức)