Vì một năm học mới an toàn và hiệu quả

  • 15:10 | Thứ Năm, 17/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) TP. Đồng Hới đã nỗ lực hoàn tất các khâu chuẩn bị từ cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học đến việc ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để đón học sinh đến lớp. Tất cả cho năm học mới 2020-2021 diễn ra an toàn, hiệu quả với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
 
Để bảo đảm trường, lớp cho năm học mới, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống CSVC, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập được các đơn vị trường trên địa bàn TP. Đồng Hới triển khai thực hiện ngay khi kết thúc năm học 2019-2020.
 
Cô giáo Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Đình cho biết: “Trong dịp nghỉ hè vừa qua, Trường THCS Hải Đình được đầu tư vốn duy tu, sửa chữa khu nhà 3 tầng gồm 13 phòng học và mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác dạy học với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Công trình hiện đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng đầu năm học mới. Đây là niềm vui, khích lệ tinh thần giáo viên và học sinh chúng tôi…”.
 
Tại Trường THCS số 1 Nam Lý, công tác xây dựng CSVC luôn được nhà trường chú trọng. Nhà trường tích cực tham mưu với UBND thành phố, chính quyền địa phương và Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh, các nhà hảo tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tăng trưởng CSVC, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học. Riêng tổng số tiền đầu tư xây dựng, sửa chữa, thiết bị dạy học trong năm học 2019-2020 là trên 2,4 tỷ đồng.
 
Hiện tại, 23/23 phòng học được lắp đặt smart tivi, hệ thống wifi phủ sóng toàn trường. Các phòng học, sân bãi, cổng trường được lắp đặt 42 camera giám sát. Cảnh quan môi trường thoáng mát, khang trang, bảo đảm trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn.
Trường THCS Hải Đình ổn định hoạt động dạy và học trong điều kiện cơ sở vật chất được tu sửa, nâng cấp khang trang, sạch đẹp.
Trường THCS Hải Đình ổn định hoạt động dạy và học trong điều kiện cơ sở vật chất được tu sửa, nâng cấp khang trang, sạch đẹp.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn cho các em học sinh, 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, như: khử khuẩn trường lớp, khai báo y tế, bổ sung xà phòng, nước sát khuẩn, khẩu trang… Qua đó, giúp các em học sinh, phụ huynh học sinh yên tâm hơn khi bước vào năm học mới.  
 
Theo ông Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới, năm học 2020-2021, toàn thành phố có trên 30.000 học sinh của 63 trường học từ mầm non đến THCS (25 trường mầm non, 21 trường tiểu học, 2 trường TH-THCS và 15 trường THCS).
 
Nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học, TP. Đồng Hới đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng và mở rộng CSVC trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Ngành GD-ĐT đã phối hợp với một số sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho thành phố chỉ đạo bổ sung kinh phí đầu tư cho giáo dục.
 
Bên cạnh đó, thành phố huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư sửa chữa phòng học, các công trình phụ trợ, mua sắm trang thiết bị dạy học. Trong năm học 2019-2020, các trường học trên địa bàn huy động từ các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh trên 7,9 tỷ đồng để tăng trưởng CSVC, trang thiết bị dạy học, cảnh quan môi trường.
 
Nhờ đó, đến nay, toàn thành phố có 48/52 (tỷ lệ 92,3%) trường công lập đạt chuẩn quốc gia và 1/10 (tỷ lệ 10%) trường ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia. Toàn ngành có 897 phòng học, trong đó, phòng kiên cố 877 phòng, chiếm 97,8%. Đáng kể, hệ thống trường, lớp ở các cấp học của thành phố ngày càng được củng cố, phát triển và đa dạng với nhiều loại hình, gồm: trường công lập, trường tư thục, trường dân lập, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập từ nguồn lực của xã hội đã góp phần huy động trẻ đến trường, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn thành phố.
 
Ngành cũng đã tích cực chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; chú trọng bồi dưỡng trên các lĩnh vực, như: năng lực sư phạm, tham gia các lớp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tiếp cận với phương pháp dạy học mới, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ… Đặc biệt, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chuẩn bị cho triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được tích cực triển khai.
 
Hiện tại, 100% giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, ngành GD-ĐT cũng yêu cầu giáo viên phải nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục, năng động, tự học, tự đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Đến nay, thành phố có 1.958 cán bộ, giáo viên, nhân viên (công lập 1.673 người và ngoài công lập 285 người), trong đó, 134 cán bộ quản lý, 1.594 giáo viên và 230 nhân viên. Hiện tại, giáo viên có trình độ đào tạo đại học và trên đại học đạt trên 88,9%...
 
Tuy nhiên, năm học mới 2020-2021, ngành GD-ĐT TP. Đồng Hới vẫn đang đứng trước không ít thách thức. Khó khăn lớn nhất là tình trạng quá tải về số lượng học sinh/lớp ở một số địa bàn phường trung tâm; CSVC và trang thiết bị cho giáo dục vẫn chưa đáp ứng được với tốc độ phát triển và yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay; một số trường đạt chuẩn quốc gia song thiếu tính bền vững; vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, trong khi ngành vẫn đang phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định của Bộ Nội vụ...
 
Ông Hồ Thanh Hải cho biết, năm học 2020-2021, toàn ngành sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, phấn đấu xây dựng, nâng cao phẩm chất nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên và cán bộ quản lý, thực hiện nhiệm vụ đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT trên địa bàn.
 
Các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Dạy tốt, học tốt”, hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”… cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, rèn luyện, tạo bước chuyển biển mới trong nhà trường.
 
Điểm nổi bật trong năm học này là chương trình giáo dục phổ thông mới đã được thực hiện, học sinh lớp 1 là khóa đầu tiên được áp dụng chương trình và thực hiện cuốn chiếu trong những năm tiếp theo. Vì vậy, ngành GD-ĐT thành phố cũng tập trung thực hiện có chất lượng chương trình sách giáo khoa lớp 1; tích cực chuẩn bị các điều kiện theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 vào năm học 2021-2022. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản và phương thức dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Mặt khác, ngành tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ...
 
Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của các trường học trên địa bàn thành phố, cùng với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, ngành GD-ĐT TP. Đồng Hới quyết tâm giành thành tích cao nhất trong năm học mới 2020-2021 và xứng đáng là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh.
Thùy Lâm