Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ em làm trung tâm": Sáng tạo và hiệu quả

  • 14:57 | Thứ Sáu, 21/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2016-2020 đã và đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho các trường mầm non huyện Lệ Thủy. Theo đó, cơ sở vật chất, khu vực học tập, vận động, vui chơi của trẻ em được đầu tư bài bản; chất lượng giáo viên, học sinh từng bước được nâng cao.
 
Những năm qua, Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm".
 
Hưởng ứng chuyên đề, các đơn vị đã chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, các trường tích cực đổi mới các hoạt động giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường hoạt động vui chơi, tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, khám phá, hình thành và phát triển kỹ năng. 
 
Hàng năm, Phòng GD-ĐT huyện đều triển khai tổ chức tập huấn chuyên môn, tổ chức hội thảo, tham quan học tập chuyên đề, học tập kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường mầm non; tổ chức hội thi "Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” giữa các trường, cụm để thúc đẩy phong trào thêm phát triển.
Các cháu Trường mầm non Mỹ Thủy trải nghiệm công việc trồng, chăm sóc rau.
Các cháu Trường mầm non Mỹ Thủy trải nghiệm công việc trồng, chăm sóc rau.
Hiện 30/30 đơn vị mầm non của huyện Lệ Thủy đã quy hoạch, mở rộng khuôn viên và có điểm trường trung tâm từ 3 nhóm lớp trở lên. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng hàng trăm phòng học, phòng chức năng kiên cố, xóa bỏ toàn bộ phòng học tạm, phòng học mượn. Nhiều đơn vị đã tiến hành cải tạo khuôn viên hàng rào, cổng, mua sắm trang thiết bị theo hướng hiện đại, đồng bộ. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã xây dựng mới 19 khu phát triển vận động có mái che kiên cố cho các trường mầm non. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập và vui chơi gần 268 tỷ đồng.
 
Hiện nay, đa số các trường MN trên địa bàn huyện Lệ Thủy đều có hàng rào bao quanh, khuôn viên được bố trí nhiều cây xanh, vườn hoa, vườn rau và các khu vui chơi, vận động phù hợp với trẻ. Các lớp học, hành lang đều được tận dụng tối đa không gian để bố trí khu vui chơi, học tập, sáng tạo cho trẻ.
 
Để làm được việc này, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã tận dụng các nguyên vật liệu rẻ tiền, phế liệu để tạo nên chậu hoa, lẵng hoa, các con vật, đồ chơi ngoài trời cho trẻ luyện tập, giáo dục phát triển vận động. Nhiều đơn vị có sự sáng tạo trong sắp xếp các góc học tập theo hướng đẹp, mở, hiệu quả.
 
Cô giáo Hoàng Thị Lài, Hiệu Trưởng Trường mầm non Trường Thủy chia sẻ: "Thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", nhà trường đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; bồi dưỡng năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; xây dựng những góc chơi trong lớp cho trẻ phù hợp, bắt mắt. Bên ngoài lớp học, nhà trường bố trí các khu vui chơi, vườn rau, công viên, cây xanh an toàn, sạch sẽ để trẻ có thể tham gia trải nghiệm, phát triển tư duy”.
 
Với cách làm đó, sân trường được trồng nhiều cây bóng mát, bố trí các chậu hoa, cây cảnh đa màu sắc, hình khối. Ngoài ra, sân trường được quy hoạch bố trí phù hợp, có khoảng sân được lát đá dành cho hoạt động tập thể, có khu vui chơi với cát, nước, sỏi, đá để trẻ trải nghiệm. Dưới bóng cây là những thảm cỏ, vườn cổ tích có hình ảnh cô Tấm ngồi bên giếng nước, xung quanh là các con vật đáng yêu, ngộ nghĩnh. Hòn non bộ được bố trí hợp lý với dòng suối lượn quanh co, những đàn cá bơi trong nước giúp cho trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời, làm phong phú thêm tư duy và trí tưởng tượng của trẻ. Mô hình vườn rau của bé xanh tốt, có biển tên từng loại rau, đường đi lối lại thuận tiện cho trẻ được hoạt động trải nghiệm, vừa cung cấp 60-70% nguồn rau sạch cho bếp ăn bán trú…
 
Anh Lương Văn Bình, một phụ huynh có con học tại Trường mầm non Trường Thủy phấn khởi: “Tôi thấy cách dạy và học trong môi trường lấy trẻ làm trung tâm rất tốt. Bởi ở trường, con tôi được trực tiếp trải nghiệm khám phá tìm tòi nên cháu rất thích thú. Từ đó, cháu đã mạnh dạn, tự tin khám phá, tự mình tham gia thực hành các hoạt động theo ý tưởng cả ở lớp lẫn ở nhà. Đó là những kỹ năng rất bổ ích, cần thiết để làm hành trang cho cháu bước vào lớp một”.
 
Cô giáo Võ Thị Tường Vy, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy cho biết: “Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của cấp ủy, chính quyền và toàn thể cộng đồng xã hội. Phong trào đã thúc đẩy việc xây dựng cơ sở vật chất, tạo nên diện mạo mới về môi trường trong và ngoài lớp học ở các trường mầm non theo hướng phát huy tính tích cực của trẻ. Đặc biệt, một số đơn vị mặc dù điều kiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã mạnh dạn, đột phá, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sức người, sức của để làm các khu vui chơi, học tập cho trẻ, hướng đến những ngôi trường xanh-sạch-đẹp”...
Xuân Vương