Kỹ năng mềm của lao động Việt Nam chỉ ở mức trung bình hoặc yếu

  • 10:11 | Thứ Bảy, 25/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại Hội thảo khoa học "Trường Đại học với xây dựng và triển khai mô hình công dân học tập suốt đời – tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
 
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 3,79 điểm trên thang 10 điểm. Đến nay, lực lượng lao động Việt Nam khoảng 55,16 triệu người, chiếm xấp xỉ 59% dân số. Song tỷ lệ lao động đã qua đào tạo bằng các hình thức chỉ đạt khoảng 50% tổng lực lượng lao động của cả nước, gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có văn bằng, chứng chỉ đào tạo.     
 Nhiều sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Ảnh: TTXVN.
Nhiều sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Ảnh: TTXVN.
GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết: Nhiều sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động do thiếu năng lực sử dụng ngoại ngữ, thiếu năng động, sáng tạo và kiến thức thực tế. Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan mới đây đã chỉ ra, kỹ năng mềm của lao động Việt Nam nằm ở mức trung bình hoặc yếu, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo. Trong khi đó, sức mạnh mềm lại là thế mạnh của người Việt Nam.     
 
Bên cạnh đó, Việt Nam thiếu nhân lực chất luợng cao. Trong 1,4 triệu người lao động có kỹ năng cao, thì 1/4 trong số đó không có bằng cấp hoặc chỉ có bằng sơ cấp, trung cấp. Cơ cấu đào tạo của Việt Nam cũng bất hợp lý vì sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán (STEM) là ngành cơ bản tạo năng lực sản xuất dài hạn, đưa năng suất lao động tăng nhanh, bền vững, thì chỉ có 23% sinh viên nam và 9% sinh viên nữ đăng ký theo học. Do đó, năng suất lao động của Việt Nam tuy có tăng, nhưng tốc độ tăng chậm hơn các nước trong khu vực.     
 
Trong khi với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo trong nền kinh tế số sẽ đe dọa sự tồn tại của lực lượng lao động này bởi thất nghiệp sẽ gia tăng. Nếu như không nhìn nhận đúng thời cơ và thách thức đối với hệ thống đào tạo của Việt Nam, trước tiên là với hệ thống đào tạo đại học và đào tạo nghề thì kết quả đào tạo sẽ luôn đi sau sự phát triển của thực tiễn.     
 
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trước những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong cách mạng 4.0, trước tình hình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào trường quốc tế, với nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết, trước yêu cầu về lực lượng lao động có kỹ năng cao của nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến Việt Nam sau đại dịch COVID-19. Các trường đại học phải xây dựng các tiêu chí cho các sản phẩm đào tạo nguồn nhân lực, gọi chung là tiêu chí cho các "Công dân học tập" của từng ngành, để các trường có nội dung và phương pháp đào gạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu đề ra.
 
Theo Lê Vân (Báo Tin tức)