Khơi nguồn sáng tạo cho học sinh trung học

  • 07:55 | Thứ Ba, 31/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm học 2019-2020 là năm thứ 7 Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh (HS) trung học cấp tỉnh. Hưởng  ứng cuộc thi, mỗi năm có hàng trăm dự án nghiên cứu khoa học của HS tham gia từ cấp huyện đến cấp tỉnh, mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, khơi nguồn sáng tạo cho HS toàn tỉnh. Tuy thời gian này, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, HS cả nước phải nghỉ học dài ngày để phòng, chống dịch bệnh, Bộ GD-ĐT đã hoãn cuộc thi KHKT cấp quốc gia, nhưng niềm đam mê sáng tạo trong các em HS vẫn luôn cháy bỏng…
 
Phát huy thành tích đạt được tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học 2018-2019 (Quảng Bình có 4/5 dự án đạt giải, bao gồm 1 giải nhất, 1 giải ba và 2 giải tư), cũng như xác định vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong việc chuyển từ dạy học theo định hướng nội dung sang dạy học theo định hướng năng lực người học, toàn ngành đã phát động sâu rộng công tác nghiên cứu KHKT trong toàn thể HS.
 
Năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT đã nhận được hồ sơ dự thi của 28 đơn vị trực thuộc và 8 phòng GD-ĐT với 106 dự án thông qua mạng “Trường học kết nối”. Qua vòng sơ khảo đã lựa chọn được 72 dự án tiêu biểu của 48 đơn vị dự thi tại khu vực trưng bày (23 dự án cấp THCS, 25 dự án cấp THPT) và đã có 63 dự án được trao giải (2 giải nhất, 7 giải nhì, 30 giải ba và 24 giải khuyến khích). 
Lãnh đạo Sở GD-ĐT chúc mừng 2 dự án đạt giải nhất và được chọn tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2019-2020.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT chúc mừng 2 dự án đạt giải nhất và được chọn tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2019-2020.
Ông Hồ Giang Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban giám khảo đánh giá, phần lớn các dự án dự thi lần này đều có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, ghi chép nhật trình theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học. Nhiều dự án có tính sáng tạo, nhiều đề tài đã chú ý đến việc vận dụng kiến thức học được trên lớp vào nghiên cứu khoa học. Tiếp tục thành công của 6 cuộc thi trước, cuộc thi lần này một lần nữa khẳng định tiềm năng sáng tạo, sự đam mê nghiên cứu của HS, cũng như sự quan tâm đối với công tác nghiên cứu khoa học của các đơn vị trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Các dự án dự thi đã đi vào chiều sâu, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn đời sống, giải quyết những vấn đề đặt ra trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Những dự án đạt giải cao đều thể hiện sự dày công nghiên cứu của các tập thể và cá nhân HS cũng như sự đầu tư của nhà trường và giáo viên trong công tác tư vấn, hướng dẫn. Có những dự án đã cập nhật được những thành tự KHKT mới như dự án “Nghiên cứu tổng hợp nhựa dễ phân hủy sinh học từ tinh bột củ đậu” của Trường THPT Tuyên Hóa, dự án “Hệ thống bơm nước bằng năng lượng sóng biển” của Trường THPT Lương Thế Vinh.
 
Nhiều dự án mang tính nhân văn cao, như dự án “Thiết bị đo lường thông minh hỗ trợ cho người khiếm thị” của Trường THPT Lê Quý Đôn, dự án “Xe lăn tiện ích dành cho học sinh khuyết tật” của đơn vị Trường THCS Quang Phú.
 
Đặc biệt, có một số dự án có tính thực tiễn cao, tập trung giải quyết những vấn đề trong cuộc sống và lao động như: “Thiết kế và chế tạo máy tuốt củ lạc có hệ thống cuộn cây tự động dùng cho hộ gia đình” của Trường THPT Tuyên Hóa, dự án “Nghiên cứu chất saponin trong quả găng trâu kết hợp các chất trong lá nha đam và các chất trong thân cây sả ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình để làm nước rửa chén bát sinh học” của Trường THCS Hóa Hợp, dự án “Hệ thống điều khiển nước tự động tắt theo yêu cầu, áp dụng cho máy lọc nước gia đình” của Trường THCS và THPT Trung Hóa… Ngoài ra, còn có rất nhiều các dự án khác thể hiện ý tưởng độc đáo, khả năng sáng tạo mà các thí sinh đã đưa đến cuộc thi lần thứ 7, năm học 2019-2020. 
 
Nguyễn Thanh Lâm và Trần Thu Hiền, HS lớp 11A3 Trường THPT Lương Thế Vinh, chủ nhân của dự án đạt giải nhất “Hệ thống bơm nước bằng năng lượng sóng biển” chia sẻ: "Xuất phát từ vấn đề tiết kiệm năng lượng điện năng trong việc bơm nước vào hồ nuôi tôm và đề cao tính an toàn cho quá trình sử dụng so với máy bơm thông thường, nhóm chúng em có ý tưởng làm 1 hệ thống bơm nước chạy bằng năng lượng sóng biển để bơm nước vào hồ tôm.
 
Đây là hệ thống không sử dụng điện năng mà chỉ sử dụng năng lượng sóng để bơm nước vào các hồ nuôi tôm trên cạn trong mọi điều kiện thời tiết, có tính thân thiện với môi trường; dễ chế tạo, giá thành lại rẻ, có thể áp dụng cho tất cả các hồ nuôi tôm ven biển. Thời gian qua, được nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covd-19, chúng em đầu tư tiếp tục nghiên cứu cải thiện hệ thống để tăng lượng nước đưa vào hồ. Ngoài mục đích tham dự cuộc thi cấp quốc gia, thì chúng em còn muốn hướng tới mục tiêu đưa hệ thống vào sản xuất đại trà trong đời sống và được sử dụng rộng rãi, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ven biển Quảng Bình."
 
Cùng giành giải nhất còn có dự án “Nghiên cứu tổng hợp nhựa dễ phân hủy sinh học từ tinh bột củ đậu” của nhóm tác giả Nguyễn Khánh Toàn và Đoàn Mạnh Tài, HS Trường THPT Tuyên Hóa. Hai em trăn trở, hành tinh của chúng ta đang bị quá tải về các loại rác thải nhựa khó phân hủy. Rác thải nhựa khó phân hủy đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống con người. Trước những tác hại do rác thải nhựa hiện nay, nhu cầu nghiên cứu tổng hợp nhựa phân hủy sinh học để thay thế nhựa khó phân hủy đang là vấn đề lớn của các nhà khoa học. Để góp sức bảo vệ môi trường sống, nhóm các em đã chọn đề tài này, với mong ước, nghiên cứu tổng hợp thành công sản phẩm nhựa dễ phân hủy sinh học từ tinh bột củ đậu sẽ góp phần thay thế được các loại nhựa khó phân hủy truyền thống hiện nay.
 
Sau 1 thời gian miệt mài thực hiện, với sự giúp sức của các thầy cô giáo, các em bước đầu đã nghiên cứu tổng hợp thành công nhựa dễ phân hủy sinh học từ tinh bột củ đậu. Qua thử nghiệm trong môi trường không khí khô, đất khô mẫu nhựa không phân hủy, còn trong môi trường đất ẩm, nước thải, rác thải thì nhựa đều bị phân hủy bởi vi sinh vật. Từ nhựa dễ phân hủy này, các em đã tạo ra 1 số sản phẩm có khả năng ứng dụng vào cuộc sống như, nhựa dùng 1 lần phân hủy, giấy tráng nhựa để thay thế nilon gói bánh kẹo. Tuy nhiên, để thành công các em rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học.
 
Lần đầu đến với cuộc thi, Phạm Gia Kiệt và Mai nguyễn Hồng Ngọc, HS  lớp 9 Trường THCS Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch) chia sẻ, hiện nay, an toàn giao thông (ATGT) đang là vấn đề quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Qua thực tế ở xã Cảnh Hóa và trên các phương tiện truyền thông nói về các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong cả nước, lỗi thường không làm chủ tốc độ. Nhiều học sinh THCS, THPT đi học bằng xe đạp, xe máy điện, người lớn đưa đón con, thường vội vàng, chủ quan, chạy nhanh ở nơi đông người, từ đường nhánh ra đường chính, từ đường làng ra đường quốc lộ rất nguy hiểm, nhưng hầu như không được cảnh báo.
 
Từ thực tế đó, các em có suy nghĩ phải làm sao giúp người tham gia giao thông có ý thức hơn trong việc điều khiển phương tiện chạy đúng tốc độ, bảo đảm an toàn. Qua tìm tòi, nghiên cứu, các em đã tìm ra giải pháp và lắp ráp thành công “Hệ thống cảnh báo phương tiện vượt quá tốc độ” (đạt giải nhì cuộc thi). Hệ thống vừa như máy đo tốc độ, vừa như biển báo về tốc độ cho phép, vừa cảnh báo cho người tham gia giao thông biết được mình đang vi phạm tốc độ và phải giảm tốc độ đến mức an toàn. Như vậy sẽ góp phần giảm thiểu tối đa TNGT xảy ra trên địa bàn xã Cảnh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
 
Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng có thể khẳng định rằng, cuộc thi KHKT dành cho HS trung học đã phát huy khả năng sáng tạo, tạo ra sân chơi bổ ích cho các em từ lớp 9 đến lớp 12 trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phong trào học tập nghiên cứu khoa học trong HS, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường.
 
Nội Hà