Phòng, chống dịch nCoV: 62 tỉnh/thành phố cho học sinh tiếp tục nghỉ học

  • 08:34 | Chủ Nhật, 09/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Bộ GD&ĐT cho biết tính đến 10h40 ngày 8-2, đã có 62 tỉnh/thành phố báo cáo Bộ GD&ĐT về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng, chống dịch bệnh nCoV.
 
Cụ thể, các tỉnh/thành phố báo cáo cập nhật thông tin điều chỉnh lịch học về Bộ GD&ĐT kể từ sáng 7/2 bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Lai Châu, Vĩnh Phúc, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hải Dương, Hà Giang, Vĩnh Long, Yên Bái, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Lào Cai, Long An, Bình Định, Bình Phước, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Hòa Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Nam, Nam Định, Tây Ninh, Bạc Liêu, Hải Phòng, Lâm Đồng, Hưng Yên, Phú Yên, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Thuận, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Tiền Giang, Sơn La, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Đắk Nông.
 
Hầu hết các tỉnh/thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học từ 10-16/2. Riêng tỉnh Yên Bái cho nghỉ học từ 10-2 đến khi có thông báo đi học trở lại.
 
Ngoài ra, trước đó đã có 4 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học cho đến khi có thông báo tiếp theo là Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Điện Biên và Nghệ An. Riêng tỉnh Quảng Bình trước đó đã quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 11-2.
 
*Chiều 7-2, Bộ GD&ĐT gửi công văn hỏa tốc tới các Sở GD&ĐT hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nCoV.
 
Theo đó, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra. Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục theo dõi, tiếp nhận thông tin chính thức từ các cơ quan chuyên môn để đánh giá đúng tình hình dịch bệnh, bảo đảm thông tin chính xác và chỉ đạo kịp thời đến các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để chủ động các biện pháp phòng, chống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để đón học sinh trở lại trường học theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
 
Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố việc quyết định thời gian cho các đối tượng học sinh được nghỉ học hoặc đi học trở lại phù hợp với lứa tuổi và khu vực.
 
Trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch nCoV.
 
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị đồng bộ các biện pháp để đón học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tinh thần của tất cả học sinh, giáo viên theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để sớm ổn định tình hình và duy trì nền nếp dạy học.
 
Xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương theo nguyên tắc phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định. Thời gian học bù được sử dụng từ quỹ thời gian dự phòng đã được quy định tại Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 của Bộ GDĐT. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch sử dụng cơ cở vật chất của nhà trường để tổ chức học bù cho học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trường hợp cần thiết, tổ chức một số buổi học bù vào thứ bảy hoặc chủ nhật để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục.
 
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định việc điều chỉnh một số mốc thời gian trong Quyết định 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 để các địa phương xây dựng kế hoạch học bù bảo đảm khả thi và thực hiện chất lượng, hiệu quả.
 
Theo Báo Chính Phủ